Nối tiếp bài "Lên án người làm việc thiện tâm là do tâm chưa đủ sáng" và "Gieo mầm tử tế cho trẻ", TG&VN đã có cuộc trao đổi với nhà báo Ngô Bá Lục – Phó Tổng biên tập tạp chí Saostar về vấn đề này.
Nhà báo Ngô Bá Lục. |
MC Phan Anh tự đúc kết rằng: Những ai đặt câu hỏi: “Mình là ai? Mình sống trong cuộc đời này để làm gì?” thì hãy đi đi, đi thật nhiều. Những chuyến đi sẽ giúp bạn tìm ra câu trả lời. Đừng đi những chuyến đi ồn ào hay thoáng chốc. Hãy là những chuyến đi ý nghĩa, và các bạn sẽ vỡ ra nhiều điều. Chẳng cần ai dạy bảo, tự các bạn sẽ dạy chính mình”. Anh có suy nghĩ gì xung quanh quan điểm này?
Tôi hoàn toàn đồng ý với Phan Anh. Nhưng với tôi, không chỉ “đi” theo nghĩa đen, mà “đi" ở đây còn là trong suy nghĩ, tức là tư duy phải thay đổi, phải suy nghĩ, sống và nhìn nhận mọi thứ theo hướng tích cực. Với tôi, “trường đời” mới là quan trọng nhất trong sự học của mỗi người. Khi bạn đi nhiều, gặp nhiều, biết nhiều nghĩa là bạn đã sống nhiều, tự bạn sẽ nhận ra cái gì đúng, cái gì sai, biết làm thế nào để giải quyết mọi thứ đến với mình. Chỉ có thay đổi tư duy, đứng dậy để đi thật nhiều, làm thật nhiều điều tốt thì bạn mới trưởng thành, mới thấy mỗi ngày trôi qua của mình có ý nghĩa và thấy cuộc đời đáng sống!
Lâu nay, truyền thông đưa rất nhiều về những hình ảnh, tin tức thể hiện hành xử không đúng mực. Người ta sẽ không nghi ngờ khi ai đó nói đến cái xấu nhưng lại sẵn sàng nghi ngờ, soi mói, mổ xẻ một hành xử tốt đẹp hay những hành động thiện nguyện. Tại sao lại như vậy, thưa anh?
Cuộc đời vốn dĩ luôn có những điều bất công nên chuyện người tốt làm việc thiện bị nghi ngờ cũng là điều không khó hiểu. Bên cạnh đó, trong nội tại mỗi con người luôn tồn tại 2 mặt tốt - xấu. Quan trọng là người ta sẽ điều chỉnh mức độ của chuyện ấy như thế nào, và cái sự điều chỉnh ấy nó phụ thuộc vào văn hoá, tri thức của mỗi người.
Tất nhiên, cũng phải nói thêm rằng, sự nghi ngờ trong các vấn đề thiện nguyện nảy sinh từ sự mất lòng tin của rất nhiều người vào một số tổ chức xã hội từ thiện. Việc ăn chặn tiền từ thiện của người nghèo nhiều năm qua vẫn diễn ra ở đâu đó. Vì thế, vẫn có những người hoài nghi các hành động đẹp của cá nhân đi làm từ thiện.
Ở một góc độ khác, đó là những kẻ xấu lợi dụng lúc này để “dương Đông, kích Tây” nhằm chia rẽ đoàn kết, từ việc cá nhân một con người liên quan đến vấn đề của cộng đồng, xã hội. Tôi nghĩ chúng ta nên tỉnh táo, tỉnh táo trong cả việc nghi ngờ một ai đó!
Phải thú thật rằng hình như trong guồng quay bận rộn của cuộc sống thì niềm tin của con người đang mất dần đi. Theo anh thì có phải sức mạnh và quyền lực của đồng tiền đang khiến người ta mất niềm tin vào những hành động tử tế hay không?
Không hẳn! Thực ra nền kinh tế thị trường càng phát triển thì sự phân hoá giàu nghèo trong xã hội càng rõ nét và khoảng cách càng xa. Chúng ta có thể chứng kiến những cô gái xinh đẹp dùng chiếc túi hàng hiệu có giá trị bằng thu nhập cả năm của một nông dân nghèo. Sự giãn cách giàu – nghèo càng lớn thì giá trị của đồng tiền càng cao. Vì thế, khi người ta bỏ ra một số tiền lớn để làm từ thiện, sẽ dẫn đến việc nghi ngờ lòng tốt và sẽ đặt câu hỏi “động cơ” của hành động từ thiện là gì?
Bên cạnh đó, sự mất lòng tin vào nhiều thứ, từ bà bán rau ngoài chợ dùng thuốc bảo quản đến cán bộ thôn ăn chặn tiền từ thiện… Tất cả những điều đó đã khiến người ta nghi ngờ những hành động “ga lăng” kiểu như Phan Anh bỏ ra tận 500 triệu đồng tiền túi để làm từ thiện – số tiền mà một công chức đi làm tử tế phải kiếm nhiều năm mới có được.
Nhiều người ao ước “bao giờ cho đến ngày xưa”. Theo anh thì làm sao để củng cố lòng tin trong xã hội? Có phải chúng ta đang quá thiếu những điều tử tế bình thường?
Đây là vấn đề nhức nhối của những người có lương tri trong nhiều năm trở lại đây. Khi nền kinh tế phát triển nhanh mà dân trí không theo kịp thì hệ lụy tất yếu sẽ lớn. Bạn hãy thử nghĩ xem, sau 25 năm khi nền kinh tế thị trường mở cửa, đất nước chuyển mình mạnh mẽ, GDP tăng trưởng, bộ mặt đất nước thay đổi, nhưng nền giáo dục của chúng ta liệu đã thực sự đổi thay, dù cải cách liên tục?
Vì dòng chảy cuộc sống luôn vận động, tiến về phía trước nên thay vì mơ ước quay về ngày xưa, thì mỗi cá nhân tự thay đổi chính mình, để trở nên tốt hơn. Thực tế, cuộc sống vẫn nhiều người tốt, nhiều điều tốt, chỉ có điều chúng ta chưa thực sự quan tâm hiệu quả đến những cái tốt đẹp đó. Bản thân truyền thông cũng không mấy “mặn mà” những chuyện này, đấy là điều cần phải thay đổi.
Tôi nghĩ chúng ta phải thiết lập lại một nền pháp luật đủ nghiêm, đủ mạnh, một nền giáo dục phải hiện đại, cập nhật nhưng bám sát và đề cao giá trị nhân bản. Bên cạnh đó, mỗi cá nhân cũng phải nhận thấy trách nhiệm của mình đối với cuộc sống, đối với xã hội… Chỉ có như thế thì niềm tin mới được lấy lại và cuộc sống sẽ trở nên tươi đẹp hơn.
Trân trọng cảm ơn anh!