Nhà báo Ngô Bá Lục cho rằng, trong thời đại bùng nổ thông tin thì các nhà báo cũng rất nhanh nhạy trong việc tiếp cận. |
Kỷ nguyên số đã đem lại luồng sinh khí mới giúp thông tin bùng nổ ra sao, theo ông? Ở đó, hẳn là có sự thay đổi không nhỏ của những người làm báo?
Mạng xã hội thực chất là một “tờ báo” khổng lồ không có giới hạn về không gian và thời gian, mỗi người dân đều có thể là một “phóng viên”.
Họ có thể đưa thông tin lên trên tài khoản mạng xã hội của mình dù thông tin đó có thể chưa được kiểm chứng, đồng thời, họ cũng có quyền bình luận mọi vấn đề trong phạm vi pháp luật cho phép.
Có thể nói, hiện nay sự bùng nổ thông tin ở các nền tảng mạng xã hội rất mạnh, rất nhanh, rất rộng, buộc những người làm báo có sự thay đổi lớn về kỹ năng tác nghiệp.
Nếu như trước đây, nhà báo tác nghiệp chỉ phỏng vấn để viết bài; hoặc đến hiện trường để lấy thông tin là xong. Nhưng bây giờ, nhà báo còn phải biết nhiều kỹ năng như quay phim, chụp ảnh, dựng phim, xử lý ảnh, thậm chí còn phải biết làm cả những clip ngắn với rất nhiều công cụ hiện đại. Đó là những điều khiến các nhà báo phải thay đổi rất mạnh mẽ mới có thể bắt kịp xu hướng của thời đại.
Tức là sự phát triển của Internet đã và đang tạo ra một thế hệ những người làm báo thời Internet?
Tất nhiên, sự phát triển của Internet sẽ tạo ra thế hệ người làm báo mới với sự nhanh nhạy, cập nhật, đa kỹ năng. Nếu như trước đây, người ta lấy thông tin ngày hôm nay về viết bài có thể ngày mai mới xuất hiện trên báo, hoặc sáng làm, tối mới phát thì báo chí của thời đại Internet chỉ có vài phút là thông tin đã chuyển tới độc giả.
"Internet còn là một kênh tham khảo giúp các cơ quan báo chí đo được 'gu' của độc giả một cách nhanh chóng và chính xác. Từ đó, họ mang đến thông tin mà độc giả đang cần. Bởi vì báo chí thời kinh tế thị trường phải đưa cho độc giả cái họ cần chứ không phải đưa cho độc giả cái mình có". |
Cho nên, thế hệ người làm báo thời nay khác từ tư duy đến cách tiếp cận và thời gian đưa tin, đặc biệt phải nhanh nhạy và cập nhật.
Trước đây, viết một bài báo, nếu có thêm thông tin thì phải viết thêm bài nữa. Nhưng thời nay, người ta có thể hoàn toàn cập nhật liên tục trên chính bài báo đó để độc giả dễ dàng nắm được diễn biến của sự kiện.
Thời Internet đã thay đổi cách làm báo và thay đổi ngay cả những người làm báo ra sao để luôn kịp thời, theo “gu” của độc giả?
Nếu như trước đây, sự tương tác của độc giả với tòa soạn rất hạn chế, thì hiện nay độc giả có thể tương tác trực tiếp ngay sau khi họ đọc bài báo.
Chính vì thế, các tờ báo căn cứ vào lượng view và lượng bình luận để xem độc giả hiện tại cần cái gì? Ví dụ, một bài báo viết về hoa hậu mà có mấy chục nghìn view và comment, còn một tin bài về sân khấu mà lượng người đọc rất ít thì chứng tỏ xu hướng độc giả thích đọc tin về hoa hậu hơn. Từ đó, các cơ quan báo chí sẽ định hướng tăng số lượng bài viết về đề tài mà độc giả quan tâm.
Internet còn là một kênh tham khảo giúp các cơ quan báo chí đo được “gu” của độc giả một cách nhanh chóng và chính xác. Từ đó, họ mang đến thông tin mà độc giả đang cần. Bởi vì báo chí thời kinh tế thị trường phải đưa cho độc giả cái họ cần chứ không phải đưa cho độc giả cái mình có.
Tất nhiên, báo chí còn có một nhiệm vụ rất quan trọng là định hướng. Phần định hướng luôn được lồng ghép trong các bài báo. Ví dụ, mỗi ngày báo điện tử sản xuất khoảng 100 tin, bài thì cần xác định khoảng bao nhiêu phần trăm là các thông tin định hướng như chính sách của Nhà nước, về lối sống, pháp luật, giáo dục.
Còn lại sẽ là những thông tin nghiêng về cái độc giả đang cần như vấn đề thị trường, giá cả, các về vấn đề xã hội nóng, các tin bài giải trí… Tất nhiên, mỗi một tờ báo sẽ có màu sắc riêng, vấn đề quan trọng là tờ báo đó phải đáp ứng được thông tin mà độc giả cần.
Ông nghĩ gì về những “robot làm báo”, “nhà báo Facebook”?
Thực ra, trong thời đại bùng nổ thông tin thì các nhà báo cũng rất nhanh nhạy trong việc tiếp cận thay đổi cách làm báo. Tuy nhiên, có không ít phóng viên trẻ vẫn còn “non” trong việc nắm luật, chưa có nhiều kinh nghiệm, thành ra sử dụng thông tin trên mạng tự do và thiếu thận trọng.
Rất nhiều bạn đã vi phạm, bị kiện tụng bởi vì việc lấy thông tin trên các trang mạng xã hội không xin phép. Rõ ràng, đó là những “nhà báo Facebook”, đôi khi chỉ ở nhà lên mạng, xem người này phát ngôn gì, ăn mặc ra sao, ở kia có đám cháy gì ngay lập tức đưa tin luôn. Họ không cần đến hiện trường, hoặc không tiếp cận với nghệ sĩ đó để xác nhận thông tin thật hay giả.
Ví dụ, ngôi sao đưa thông tin chia tay bạn trai trên trang cá nhân, phóng viên không phải cứ cắt ghép và đưa lên báo là xong. Bởi lẽ, theo nguyên tắc mình phải xin phép họ, phải tiếp cận với họ xem thực hư thế nào. Cũng giống như một đám cháy được đưa lên mạng xã hội, trước khi đăng bài phải xác minh thông tin xem có thật không hay đám cháy xảy ra từ năm ngoái; câu chuyện nhân vật nọ bị bắt có thật vừa xảy ra không hay đó là những thông tin cũ?
Nhiều bạn trẻ bị dán nhãn là “nhà báo Facebook”, tức là chỉ lên Facebook, có thông tin thì đưa lên báo mà không tìm hiểu kỹ thực hư. “Robot làm báo” là người làm báo không có tâm, không có trái tim, không có kỹ năng. Trên mạng xã hội có gì nóng thì copy y nguyên để đăng báo.
Cho nên, “nhà báo Facebook” hay “robot làm báo” là để chỉ những người không có tư duy, kỹ năng làm báo, chỉ có kiểu… ăn sẵn. Đó là điều đáng báo động, đặc biệt nhiều phóng viên trẻ bây giờ đang đi theo xu hướng đó.
Mạng xã hội chỉ là một cách tiếp cận, là một kênh thông tin tham khảo về nguồn tin. Mình tiếp cận nhưng phải đảm bảo đúng luật báo chí, theo đúng trình tự quy định chứ không phải muốn lấy thông tin gì thì lấy. Đó là nguyên tắc.
Người làm báo thời nay cần phải bản lĩnh ra sao để mình không bị “cũ” đi?
Thực ra, có rất nhiều phóng viên bị cuốn, chạy theo mạng xã hội. Chúng ta sẽ không bao giờ đuổi kịp mạng xã hội vì đây là mạng thông tin tự do nên lượng thông tin nhanh và khổng lồ. Nên nhớ, báo chí có kiểm duyệt, muốn nhanh như mạng xã hội cũng không được nên chúng ta không thể chạy theo mạng xã hội.
Những người làm báo cần xác định rõ những ưu thế của báo chí chính thống so với mạng xã hội để đẩy những điều đó lên làm tiêu chí khác biệt. Báo chí chính thống được Nhà nước cấp phép nên thông tin đã được kiểm chứng, trong khi đó, mạng xã hội thì ai cũng có thể đưa tin nhưng không có nghĩa là tin nào cũng được kiểm chứng, xác thực.
Nếu người làm báo không có bản lĩnh, không phân biệt được đâu là thật, đâu là giả, không có kỹ năng, không có chuyên môn cũng như không nắm được luật báo chí thì rất dễ vi phạm, mắc sai lầm và “sa bẫy” khi làm báo.
Cho nên, khi làm báo ở thời đại này, cực kỳ cần một trái tim nóng và một cái đầu lạnh. Cái đầu lạnh ở đây nghĩa là phải nắm chắc luật báo chí, phải giỏi chuyên môn, đó là các quy trình, phải có kỹ năng sàng lọc thông tin ở trên mạng. Với người làm báo lâu năm, có kinh nghiệm, có độ nhạy cảm thì chỉ cần nhìn một thông tin trên mạng sẽ xác định được là thật hay giả.
Các bạn trẻ hãy rèn cho mình thói quen bình tĩnh trước mọi sự việc. Nếu không có bản lĩnh khi đứng trước thông tin sẽ rất dễ bị cuốn vào nó, ngay lập tức sản xuất thông tin đó mà không kiểm chứng. Đó có thể là thông tin cũ được đào lại hoặc tin giả. Vậy nên, những người làm báo cần cái đầu lạnh, cần sự tỉnh táo và bản lĩnh để không bị cuốn vào dòng chảy thông tin xô bồ trên Internet như hiện nay.
Xin cảm ơn ông!
Nhà báo Ngô Bá Lục là cây viết nổi tiếng chuyên về mảng văn hóa - nghệ thuật. Anh từng là Phó tổng biên tập tạp chí Saostar.vn - tờ tạp chí Điện tử chuyên sâu về mảng giải trí showbiz. Anh cũng từng là Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội, Báo Thể thao Việt Nam. Không chỉ viết báo, ông Ngô Bá Lục còn là thành viên Hội đồng nghệ thuật và giám khảo nhiều cuộc thi âm nhạc, hoa hậu, người đẹp, MC… trong cả nước. |
| Chuyên gia tâm lý: Mùa thi, đừng đo lường năng lực và giá trị của học sinh bằng điểm số Chia sẻ với Báo TG&VN, Thạc sĩ tâm lý Đinh Văn Thịnh, Phó Giám đốc Trung tâm giáo dục kỹ năng sống ATC, Giảng viên ... |
| Mùa thi: Thất bại cũng là một bài học Mùa thi, nghĩ về việc đến giảng đường là lối đi rộng nhưng trở nên hẹp vì ai cũng muốn chen vào do định kiến ... |