📞

Nhà báo Nguyễn Hoàng Nhật: 'Vũ khí' lớn nhất của nhà báo trong thời đại AI chính là tinh thần học hỏi

Nguyệt Anh - Hồng Phúc 09:23 | 14/03/2024
Nhà báo Nguyễn Hoàng Nhật, Phó Tổng Biên tập báo điện tử VietnamPlus chia sẻ, trong thời đại AI thì "vũ khí" lớn nhất của nhà báo chính là tinh thần học hỏi không ngừng.
Nhà báo Nguyễn Hoàng Nhật nêu quan điểm, vũ khí lớn nhất của nhà báo thời công nghệ chính là tinh thần học hỏi. (Ảnh: NVCC)

Xu hướng của báo chí thời công nghệ dưới góc nhìn của anh?

Chúng ta đã nghe nói rất nhiều về mô hình media-tech trong những năm qua, nghĩa là báo chí không thể tách rời khỏi công nghệ, và những cơ quan báo chí hàng đầu hiện nay đều có xu hướng trở thành các công ty công nghệ-truyền thông.

Đương nhiên, những giá trị cốt lõi của báo chí, như tin tức cập nhật, dấn thân, đóng góp xã hội… vẫn được tiếp tục bồi đắp. Song những giá trị đó chỉ có thể đạt hiệu quả cao nhất nếu đồng hành cùng yếu tố công nghệ. Chúng ta không thể tiến vào kỷ nguyên số bằng những câu chữ đơn thuần mà còn cần đến những thuật toán, những dữ liệu được số hóa.

Năng lực cạnh tranh của báo chí trong thời đại AI thế nào?

Tôi ấn tượng với một phát biểu gần đây của bà Ladina Heimgartner, CEO tập đoàn truyền thông Ringier khi bà nói rằng báo chí đã để lỡ tàu trong cuộc cách mạng công nghệ, kết quả là đã bị các nền tảng xuyên biên giới bỏ xa. Vì vậy, báo chí hãy tranh thủ cưỡi sóng trong cuộc cách mạng AI.

Trước bối cảnh đó, báo chí phải chủ động đổi mới ra sao, theo anh?

Đúng là cài gì cũng có hai mặt, chúng ta cũng cần cẩn trọng trước những mặt trái của AI. Song dường như nỗi sợ hãi đang bị thổi phồng (chẳng hạn AI lấy mất việc làm của con người, AI tạo ra fake news, quyền riêng tư bị vi phạm…). Nhưng thay vì quay lưng với nó, chúng ta cần tạo ra những hàng rào pháp lý, đủ để người làm báo tận dụng AI nhằm hỗ trợ cho công việc của mình một cách tốt nhất có thể.

Lúc này, nói đến câu chuyện quản lý báo chí phải “đi trước một bước” trong thời đại số có phải muộn quá không?

Không có gì là quá muộn cả, bởi trong thời đại số, chúng ta luôn có cách rút ngắn khoảng cách rất nhanh chóng. Chẳng hạn khi nói về viễn thông, đầu những năm 2000, chúng ta vẫn còn ở khoảng cách quá xa so với thế giới. Nhưng giờ đây, ai cũng thừa nhận Việt Nam là một trong những quốc gia có nền tảng viễn thông tốt nhất thế giới. Theo tôi biết, cơ quan quản lý luôn lắng nghe và cũng đã chủ động có nhiều giải pháp, cũng như chuẩn bị sẵn những hành lang pháp lý giúp cho các tòa soạn khỏi bỡ ngỡ khi bước vào sân chơi lớn này.

"Chúng ta không thể tiến vào kỷ nguyên số bằng những câu chữ đơn thuần mà còn cần đến những thuật toán, những dữ liệu được số hóa".

Các phần mềm ứng dụng AI dù có nhiều tính năng vượt trội, nhưng đó cũng chỉ là một công cụ mà nhà báo phải học cách để làm chủ nó, sử dụng nó phục vụ cho hoạt động tác nghiệp của mình. Theo anh, “vũ khí” của nhà báo thời hiện đại là gì?

Theo tôi, vũ khí lớn nhất của nhà báo thời nay chính là tinh thần học hỏi. Nhiều người giờ hay nói về hội chứng FOMO (hội chứng sợ bỏ lỡ) và nó cũng sẽ đúng phần nào đó với những người làm báo. Cá nhân tôi cũng tham gia đào tạo nhiều lớp nghiệp vụ về công nghệ cho báo chí, trong đó có AI. Tôi luôn chứng kiến năng lượng học hỏi nhiệt tình của các học viên, kể cả từ các cơ quan báo chí địa phương. Tinh thần đó là một lợi thế lớn để chúng ta vượt qua những khoảng cách với báo chí thế giới.

Báo chí hãy tranh thủ cưỡi sóng trong cuộc cách mạng AI. (Ảnh minh họa)

Nhiều cơ quan báo chí đã sử dụng trí tuệ nhân tạo để thay đổi cách sản xuất, tổ chức, phân loại, xuất bản cũng như phân phối nội dung tin tức trên các nền tảng khác nhau. Ở VietnamPlus đang thực hiện như thế nào, thưa anh?

Chúng tôi đã áp dụng khá nhiều công cụ có tích hợp AI vào quy trình sản xuất sản phẩm báo chí như soát lỗi chính tả, chọn từ khóa, gợi ý tít, dịch thuật, tạo ảnh, tạo audio/video bằng văn bản. Đồng thời, đang thử nghiệm các công cụ phân loại nội dung, phân loại độc giả, tiến tới việc giúp độc giả cá nhân hóa nội dung theo hành vi, sở thích. Những bước đi đó cũng phần nào giúp đẩy nhanh tiến độ sản xuất, nâng cao năng suất, cả số lượng lẫn chất lượng.

Thực sự, so với các tòa soạn lớn trên thế giới, chúng ta vẫn chưa là gì. Ngay cả với các cơ quan báo chí hàng đầu thì việc đầu tư cho AI vẫn ngốn một khoản chi phí khổng lồ (theo Google thì một kết quả tìm kiếm có sử dụng AI có chi phí gấp 10 lần kết quả tìm kiếm theo thuật toán thông thường). Vậy nên, chúng tôi rất mong mỏi nhận được sự hỗ trợ từ Nhà nước hoặc có các cơ chế hợp tác cùng các công ty công nghệ.

Với chủ đề “Báo chí Việt Nam - Tiên phong, đổi mới vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân”, Hội Báo Toàn quốc năm 2024 sẽ là một điểm nhấn về tính chuyên nghiệp, hiện đại của báo chí?

Đúng vậy, tôi nghĩ không chỉ VietnamPlus mà hầu hết các cơ quan báo chí đều trông chờ sự kiện này như một bước đột phá để tiến vào kỷ nguyên số. Tôi kỳ vọng 10 phiên tọa đàm sẽ có những kết quả thực chất, trên mọi lĩnh vực, từ nâng cao hiệu quả tuyên truyền, cải thiện chất lượng nội dung đến các giải pháp công nghệ dành cho báo chí. Chúng ta có câu nói quen thuộc, “muốn đi xa phải đi cùng nhau” và đây chính là dịp tốt để thực hiện câu châm ngôn đó.

Xin cảm ơn anh!

Hội Báo toàn quốc năm 2024 với chủ đề “Báo chí Việt Nam - Tiên phong, đổi mới vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân” sẽ diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh từ ngày 15-17/3, được đánh giá là sự kiện có quy mô lớn nhất từ trước đến nay. Trong đó, Hội Báo quy tụ hầu hết các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương của 63 Hội Nhà báo các tỉnh, thành. Diễn đàn báo chí toàn quốc sẽ là sinh hoạt nghiệp vụ chất lượng cao với 10 phiên thảo luận về các chủ đề nóng.