📞

Nhà báo Trần Bá Dung: Báo chí muốn dẫn dắt dư luận phải chuẩn mực về đạo đức và độ tin cậy của thông tin

Nguyệt Hà - Hồng Phúc 08:00 | 15/03/2024
Đổi mới hoạt động báo chí chính là tiên phong chuyển đổi số báo chí, ứng dụng công nghệ số vào tất cả các hoạt động của báo chí, từ sản xuất, phân phối đến tiêu thụ nội dung.
Nhà báo Trần Bá Dung cho rằng, báo chí muốn dẫn dắt dư luận phải chuẩn mực về đạo đức và độ tin cậy của thông tin. (Ảnh: NVCC)

Đó là chia sẻ của nhà báo, TS. Trần Bá Dung, nguyên Trưởng ban Nghiệp vụ, Hội Nhà báo Việt Nam với Báo Thế giới và Việt Nam nhân Hội Báo Toàn quốc năm 2024 diễn ra từ 15 -17/3 với chủ đề “Báo chí Việt Nam - Tiên phong, đổi mới vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân”.

Luồng sinh khí mới đến từ kỷ nguyên số

Kỷ nguyên số đem lại luồng sinh khí mới giúp thông tin bùng nổ cũng như mang đến những tiện ích vượt bậc cho người làm báo. Vậy xu hướng của báo chí thời công nghệ thế nào dưới góc nhìn của ông?

Theo tôi, xu hướng báo chí thời công nghệ hiện nay là “toàn cầu hóa sản phẩm, địa phương hóa thông tin”. Khi sản phẩm báo chí đưa lên mạng xã hội có nghĩa nó đã được “toàn cầu hóa”. Và thông tin phải khác biệt, độc đáo, riêng có, được “địa phương hóa” mới có thể thu hút người đọc, người xem giữa một biển cả tin tức. Tuy nhiên, nói xu hướng của báo chí thời công nghệ là tiếp cận từ các góc độ xu hướng công nghệ, nội dung và công chúng. Ba yếu tố này không thể tách rời nhau.

Trong đó, nội dung vẫn là yếu tố quyết định (“content is king” – nội dung là vua). Báo chí hiện đại lấy giá trị cốt lõi “độc giả là trên hết” ("audience first"). Và để giữ chân độc giả, yếu tố quyết định vẫn là nội dung. Báo chí khác với truyền thông xã hội ở nội dung mang thông điệp định hướng. Báo chí thời công nghệ, ngoài những yêu cầu bắt buộc của nhiệm vụ từng tờ báo, còn là xu hướng nội dung hướng tới đáp ứng nhu cầu thông tin đa diện, đa chiều và hội nhập, hòa nhập với thế giới bên ngoài. Những nội dung mang tính áp đặt, định kiến, “đóng cửa” sẽ không thích hợp.

Công nghệ làm báo phát triển theo xu hướng đa nền tảng (multi-platform), xu thế tích hợp, đa tiện ích, đa năng, đa dụng, cả thiết bị đầu cuối cho người tiếp nhận thông tin và thiết bị sản xuất đầu vào trong quy trình làm báo. Quan điểm "nội dung là vua nhưng công nghệ là nữ hoàng" ngày càng đúng trong xu hướng song hành nội dung và công nghệ làm báo.

Công chúng báo chí thời công nghệ có trình độ nhận thức ngày càng cao, thông tin nhiều, hiểu biết rộng, cách nhìn nhận cởi mở, tự do hơn. Xu hướng nhu cầu tiếp nhận thông tin ngày càng phong phú, đa dạng, thực tế hơn và đặc biệt nhu cầu cao về sự tương tác với chủ thể truyền thông. Thông tin phải nhanh, định lượng (chi tiết, con số, sự kiện…) hơn là định tính.

Đặc biệt, để sự kiện, chi tiết nói lên ý nghĩa xã hội là thách thức lớn với người làm báo, mâu thuẫn giữa việc định hướng dư luận với thông tin một cách khách quan. Phải có năng lực lựa chọn chi tiết, phân tích, tổng hợp trong một thế giới ngập tràn tin giả, trên cơ sở thông tin khách quan, tin cậy, kể chuyện bằng dữ liệu. Dữ liệu nói lên tất cả.

Theo một nghiên cứu gần đây của Viện Báo chí Reuters (Anh quốc), báo chí đang trở nên quan trọng hơn, nhưng lại kém mạnh mẽ hơn trước sự cạnh tranh thông tin ngày càng gay gắt với mạng xã hội. Năm xu hướng toàn cầu về tương lai của báo chí và tác động của báo chí đối với xã hội, phản ánh những thay đổi về cách mọi người tiếp cận tin tức, những thay đổi trong báo chí chuyên nghiệp và kinh doanh tin tức.

Trong đó, xu hướng chủ đạo là chúng ta đã chuyển từ một thế giới - nơi các tổ chức truyền thông là những người gác cổng, sang một thế giới - nơi truyền thông vẫn tạo ra chương trình tin tức, nhưng các công ty nền tảng lại kiểm soát quyền tiếp cận công chúng.

Việc di chuyển này sang phương tiện kỹ thuật số, làm cho sự tình cờ và tiếp xúc ngẫu nhiên đưa mọi người đến với các nguồn thông tin ngày càng đa dạng hơn. Các mô hình kinh doanh tài trợ tin tức bị thách thức, làm suy yếu báo chí chuyên nghiệp và khiến truyền thông tin tức dễ bị tổn thương hơn trước áp lực thương mại và chính trị. Có thể nói, phương tiện truyền thông kỹ thuật số mang lại nhiều thách thức cho báo chí nhưng cũng là cơ hội cho cả phương tiện truyền thông lẫn công chúng.

Vậy cách mạng công nghiệp 4.0 tác động thế nào đến báo chí, thưa Tiến sĩ?

Cách mạng công nghiệp 4.0 tác động đến báo chí trên các phương diện nội dung và hình thức, kỹ năng và quy trình, chính trị và đạo đức. Tác động nội dung như đã nêu trên. Dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, ChatGPT và các công cụ phân tích hiện đại đang thay đổi mạnh mẽ cách thức hoạt động của nhà báo, của các tòa soạn, gợi ý cho tòa soạn, giúp nhà báo thu thập, tổng hợp, xử lý dữ liệu nhanh chóng nhất, chính xác nhất.

Về tác động đến hình thức thể hiện của báo chí ở chỗ, hình thức tác phẩm báo chí phải phù hợp với các thiết bị tiếp nhận thời 4.0 (Ví dụ, báo điện tử phải có phiên bản mobile cho thiết bị di động cầm tay; dạng thức tác phẩm phù hợp với truyền thông đa nền tảng, với giao diện các trang web và dễ tương tác với độc giả).

Trong khi đó, nội dung phải được thể hiện bằng các hình thức khác nhau trên các nền tảng khác nhau, theo thứ tự ưu tiên cung cấp thông tin báo chí trên mạng xã hội trước các nền tảng khác. Những cải tiến hằng ngày trong lĩnh vực công nghệ, nhất là công nghệ thông tin, bắt buộc báo chí phải thay đổi cách đưa tin.

Một tác động lớn đến nội dung báo chí là bắt buộc phải số hóa dữ liệu, số hóa nội dung và chuyển đổi số báo chí, từ công nghệ đến quy trình làm báo. Dữ liệu lớn (big data) là đặc điểm khác biệt của nội dung báo chí thời cách mạng công nghiệp 4.0.

Trong thời đại dữ liệu lớn (Big data), báo chí không thể bỏ lỡ các thuật toán máy học để tăng hiệu quả thông tin. (Nguồn: New York Times)

Tận dụng dữ liệu được số hóa

Như vậy, thời Internet đã thay đổi cách làm báo và thay đổi ngay cả những người làm báo ra sao để luôn kịp thời, theo “gu” của độc giả. Người làm báo thời nay cần phải bản lĩnh ra sao để mình không bị lỗi thời?

Theo tôi, nhà báo phải đa năng (một phóng viên làm được nhiều việc), đặc biệt kỹ năng thu thập, xử lý dữ liệu lớn. Quy trình làm báo đòi hỏi tính liên thông, liên kết trong tiếp nhận, xử lý và công bố thông tin, phản hồi thông tin. Nội dung là vua nhưng tương tác với công chúng cũng có tầm quan trọng không kém. Tương tác là một kỹ năng mới trong làm báo.

Kết nối thông tin toàn cầu đông nghĩa với việc chấp nhận các luồng quan điểm, tư tưởng chính trị khác nhau, khó kiểm soát. Điều này là thách thức lớn cho người làm báo, nhất là người lãnh đạo, quản lý báo chí, vừa phải có tri thức rộng vừa phải có bản lĩnh chính trị vững vàng.

Đồng thời, kỷ nguyên số cũng tác động không nhỏ đến đạo đức báo chí lớn nhất là ở xu thế thương mại hóa hoạt động báo chí, suy đồi đạo đức truyền thông, kiếm tiền bằng mọi giá, kể cả thông tin tống tiền doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân. Vì vậy, trong hoạt động báo chí, đừng trao “vũ khí hạng nặng” (như báo chí điều tra) cho những nhà báo có tâm không sáng.

Báo chí thời kinh tế thị trường phải đưa cho độc giả cái họ cần chứ không phải đưa cho độc giả cái mình có. Vậy theo ông, điều quan trọng nhất đối nhà báo thời hiện đại là gì?

Chúng ta đang ở trong thời đại mà số liệu được thu thập phần lớn trong không gian mạng và mọi người đều có thể truy cập và phân tích. Cơ sở dữ liệu được số hóa, công cụ máy tính, điện thoại thông minh có sẵn cho số đông, thế giới dữ liệu ngày càng trở nên “thế giới phẳng” hơn, dân chủ hơn, cho phép mọi người thu thập và phân tích. Tuy nhiên, “vũ khí” của báo chí ngày nay chính là lợi thế khai thác, sử dụng kho dữ liệu lớn.

Trong thế giới ngập tràn tin giả, không có gì chắc chắn như ngày nay, nguồn dữ liệu lớn, chính thống, nhiều khi độc quyền mà báo chí có được là vũ khí lợi hại nhất, mang đến cho công chúng cảm giác chính xác và khách quan hơn thông tin trên mạng xã hội.

Báo chí hiện đại cần sử dụng tối đa sức mạnh này, từ việc sử dụng quyền năng của số liệu, của cơ sở dữ liệu khổng lồ có thể truy cập tức thời và các công cụ phân tích mạnh mẽ, chính xác, hiệu quả. Từ đó, vừa cung cấp thông tin vừa định hướng, dẫn dắt dư luận xã hội, tạo sự đồng thuận xã hội nhanh nhất.

Nhân Hội Báo Toàn quốc năm 2024 với chủ đề “Báo chí Việt Nam - Tiên phong, đổi mới vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân”. Ông đánh giá như thế nào về tầm quan trọng của chủ đề này trong thời đại ngày nay?

Đây là chủ đề luôn có tầm quan trọng đối với báo chí. Báo chí muốn định hướng, dẫn dắt dư luận xã hội nhất định phải tiên phong về nhận thức, gương mẫu, chuẩn mực và trách nhiệm về đạo đức, về độ tin cậy của thông tin, về tính nhân văn của những thông điệp truyền tải tới công chúng.

Đổi mới hoạt động báo chí chính là tiên phong chuyển đổi số báo chí, ứng dụng công nghệ số vào tất cả các hoạt động của báo chí, từ sản xuất, phân phối đến tiêu thụ nội dung. Bao gồm việc sử dụng công nghệ số để sản xuất nội dung, phân phối trên các nền tảng website, mạng xã hội, ứng dụng điện thoại, tạo ra các mô hình kinh doanh mới dựa trên công nghệ số.

Đây là xu hướng tất yếu mà báo chí cần phải thực hiện để tồn tại và phát triển trong kỷ nguyên số. Việc ứng dụng các kỹ thuật, công nghệ như AI, Big data... trong các sản phẩm báo chí đa nền tảng, báo chí dữ liệu, báo chí di động, giúp tạo ra các sản phẩm thông minh, phù hợp hơn với nhu cầu mới của công chúng báo chí.

Xin cảm ơn ông!