Con người đến với con người
Sau 35 năm hoạt động đối ngoại, trong đó có 10 năm công tác ở cả Bình Nhưỡng và Seoul, cựu Đại sứ Dương Chính Thức hiểu được khát vọng của những người dân trên Bán đảo Triều Tiên. Thống nhất đất nước là hy vọng không thay đổi của họ và trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên tại Hà Nội, họ hy vọng và mong ý nguyện của họ trở thành hiện thực.
Trong thời gian làm nhiệm vụ đối ngoại ở cả hai miền Triều Tiên, ông Thức có những ấn tượng rất tốt về đất nước và con người hai miền. Ở cả hai nơi, miền Bắc hay miền Nam, ông đều tiến hành những hoạt động ngoại giao nhân dân hết sức tích cực. Ông thường xuyên cử các đoàn đến địa phương, cùng với người dân lao động và sản xuất, nói cho người dân nghe về Việt Nam, đặc biệt là về văn hóa Việt.
Ông còn nhớ hình ảnh những cán bộ ngoại giao Việt Nam ngồi nướng đỗ với nông dân Triều Tiên và cùng ăn trên bờ ruộng. Mùa gặt hay mùa cấy, các cán bộ ngoại giao cùng người dân làm việc hăng say trên những cánh đồng trải dài, bình yên. Có thể nói, câu chuyện về người nông dân Triều Tiên gần gũi, hiền hậu và nhà ngoại giao Việt Nam luôn là kỷ niệm đẹp ông mang theo suốt cuộc đời.
Giờ đây, ông vẫn thường xuyên ghé thăm Đại sứ quán Triều Tiên tại Hà Nội mỗi lần Đại sứ quán tổ chức các sự kiện trọng đại. Đến nơi đây, ông lại được nói tiếng Triều Tiên, được trò chuyện với những thế hệ ngoại giao Triều Tiên mà ông dành nhiều tình yêu mến.
Đất nước Triều Tiên yên bình là hình ảnh không thể phai mờ trong tâm trí nhà ngoại giao Dương Chính Thức. (Nguồn: Báo Mới) |
Không có kẻ thù vĩnh viễn
Đối với xứ sở kim chi, những gắn bó với con người nơi đây đã giúp ông nghiệm rõ một triết lý về đối ngoại. Năm 1975, khi đất nước vừa thống nhất, ông Dương Chính Thức là một thành viên trong đoàn công tác vào Sài Gòn để giải quyết một số vấn đề liên quan đến quan chức của Đại sứ quán Hàn Quốc tại đây.
Trong một buổi gặp gỡ tại nhà lao Chí Hòa, vị quan chức Đại sứ quán Hàn Quốc tại Sài Gòn lập luận rằng: "Tôi là một nhà ngoại giao, các ông giam giữ chúng tôi là vi phạm công ước Vienna". Ông Thức đã thẳng thắn nói rằng Việt Nam không coi ông là cán bộ ngoại giao và ông đã trực tiếp vi phạm an ninh của Việt Nam. Vì vậy, Việt Nam cần có những biện pháp nhằm ngăn chặn hành vi này.
Vị quan chức Hàn Quốc lúc bấy giờ nói lại một câu mà đến bây giờ ông Thức vẫn còn nhớ: "Rồi ông xem, ở đời không có kẻ thù vĩnh viễn cũng không có bạn vĩnh viễn. Việt Nam có hàng nghìn năm bị Trung Quốc đô hộ nhưng bây giờ Việt Nam là bạn của Trung Quốc. Bây giờ, Việt Nam với Hàn Quốc là kẻ thù nhưng biết đâu sau này chúng ta lại là bạn".
Gần 30 năm sau, năm 2001, ông Thức được cử sang Hàn Quốc làm Đại sứ, vị quan chức Hàn Quốc năm xưa đã đến Đại sứ quán để gặp người đã nói chuyện với ông năm 1975. Ôn lại kỷ niệm cũ, vị quan chức nói với ông Thức rằng: "Thời điểm đó, cả hai chúng ta đều làm những gì đất nước giao, cả hai chúng ta đều đã trung thành với đất nước, bây giờ đất nước chúng ta đã là bạn, quá khứ gác lại và chúng ta cùng hướng tới tương lai. Ông còn nhớ những gì tôi nói trước kia không?".
Đúng như vậy, "triết lý" trước đây của vị quan chức Hàn Quốc đã được chứng minh, quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc đã trở thành mối quan hệ Đối tác hợp tác toàn diện. Triết lý không có đồng minh vĩnh viễn, không có kẻ thù vĩnh cửu đã được khẳng định.
Ông Thức đã có một tình bạn đẹp, "xuyên biên giới" với một cựu quan chức Hàn Quốc. (Nguồn: Zing.vn) |
Tình bạn xuyên biên giới
Từ ngày gặp lại tại xứ Hàn, vị quan chức Hàn Quốc năm xưa và ông Thức đã bắt đầu một tình bạn "xuyên biên giới" vô cùng tốt đẹp. Từ năm 2005, khi ông Thức về hưu, ông bạn Hàn vẫn thường xuyên liên lạc. Năm 2004, ông ấy sang Việt Nam thăm ông Thức một lần. Cũng trong dịp đó, người bạn Hàn đã đến viếng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và thăm quan ngôi nhà sàn của Người, ông hiểu rõ hơn về Chủ tịch Hồ Chí Minh và người Việt Nam, ông nói với ông Thức rằng: "Tôi đã hoàn toàn thay đổi tư duy về Việt Nam, về Hồ Chủ tịch và về cả ông nữa, chúng ta sẽ không bao giờ quên nhau".
Giờ đây, người bạn Hàn Quốc ấy đã ngoài 90 tuổi, không còn liên lạc nhiều với ông Thức nhưng ông vẫn cho con cái sang Việt Nam thăm ông Thức với lời nhắn nhủ rằng: "Đại sứ Thức tuy ít tuổi hơn bố nhưng các con phải coi ông ấy như là bậc cha chú". Câu chuyện về tình bạn với ông Thức, với Việt Nam đã được ông ấy kể cho một nhà văn của Hàn Quốc để viết thành một cuốn tiểu thuyết.
Tình bạn "xuyên biên giới" này hẳn là có ý nghĩa với cả những nhà đối ngoại trẻ hiện nay, một lần nữa khẳng định câu nói của cựu Thủ tướng Anh Winston Churchill: "Không có bạn bè vĩnh viễn hay bạn thù vĩnh viễn".
Để thực hiện mong muốn thống nhất hai miền Nam, Bắc Triều Tiên, theo ông Thức, Hàn Quốc và Triều Tiên cần phải xây dựng được niềm tin với nhau. Trước đây, năm 1972, hai miền đã ký một Tuyên bố chung xây dựng một quốc gia hai chế độ nhưng vẫn không thể hiện thực hóa. Vì vậy, xây dựng niềm tin là việc mà hai bên cần phải làm. Hàn Quốc và Mỹ tập trận chung với cái cớ phòng thủ nhưng Triều Tiên lại luôn nghĩ rằng mục tiêu tập trận hướng về phía Bình Nhưỡng. Ngược lại, khi Triều Tiên tăng cường chế tạo tên lửa thì Hàn Quốc lại nghĩ rằng hành động đó hướng vào Seoul. Hai bên khi chưa tin nhau thì chắc chắn sẽ không thể "đi chung một con đường". |
Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung: Việt Nam đang chuẩn bị tốt cho Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần hai “Cho đến nay, có thể nói về cơ bản các công việc chuẩn bị đã triển khai theo đúng tiến độ và hai nước Mỹ ... |
Tổng thống Trump tweet khẳng định cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2 sẽ tại Hà Nội Ngày 8/2, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết cuộc gặp của ông với Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un vào cuối tháng 2 ... |
Chuyên gia quốc tế: Tổ chức thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Việt Nam không chỉ là sự đảm bảo về an ninh Các chuyên gia quốc tế nhận định việc Việt Nam được lựa chọn là địa điểm tổ chức hội nghị thượng đỉnh lần hai giữa ... |