Nhà phê bình Nguyễn Phong Việt cho rằng, phim Đào, phở và piano là hương vị lạ trong mùa Tết năm nay. (Ảnh: NVCC) |
Phim Đào, phở Và piano đang là tâm điểm chú ý trên khắp mạng xã hội. Dưới góc nhìn của nhà phê bình phim, anh đánh giá như thế nào về độ hót của bộ phim này?
Thực ra, hai hôm nay bộ phim Đào, phở và piano đã bắt đầu phát hành rộng rãi hơn. Đây có lẽ là thời điểm chúng ta mới đánh giá đúng nhất về bộ phim có hot hay không, có chạm đến cảm xúc khán giả hay không? Còn trong những ngày trước đó có rất nhiều lý do để tạo ra được hiện tượng như vậy từ sự tác động của mạng xã hội.
Trong sự tác động của mạng xã hội sẽ tạo ra được sức hút đám đông rất lớn. Nếu nói về thành công và chất lượng của bộ phim cũng chưa thể khẳng định được một cách rõ ràng.
Tuy nhiên, ở góc độ cá nhân, tôi nghĩ đó là tín hiệu vui vì có lẽ chưa bao giờ có một bộ phim Nhà nước mà mọi người có thể nói về nó, chờ đợi và săn vé rộn ràng như vậy.
Bộ phim với đề tài chiến tranh cùng hoài niệm về một Hà Nội vô hình trung là cái gì đó rất lạ, rất mới, rất thú vị. Tôi nghĩ hương vị của Đào, phở và piano là hương vị lạ trong mùa Tết năm nay. Chỉ mong khi các hệ thống rạp chiếu sẽ cho mọi người thưởng thức đúng một món ăn ngon, thay vì nhìn ở khía cạnh xem trên mạng, hoặc “nghe người khác nói” chứ chưa thực sự trải nghiệm để biết tác phẩm đó mang lại những cảm xúc như thế nào.
Việc một tác phẩm của Nhà nước đã thu hút sự chú ý như thế, thì đây có phải là dấu hiệu tích cực với dòng phim lịch sử và các tác phẩm điện ảnh có vốn Nhà nước?
Từ câu chuyện gần nhất là Đất rừng phương Nam, sau đó là Đào, phở và piano giữa một thị trường phim nặng tính giải trí thì rõ ràng những bộ phim về lịch sử hoặc có chủ đề lấy cảm hứng từ lịch sử sẽ là món ăn dễ làm khán giả ưa thích.
Không phải ngẫu nhiên mọi người nói về Đất rừng phương Nam với những luồng dư luận dù trái chiều nhưng điều đó chứng tỏ dư luận rất quan tâm chứ không thờ ơ. Câu chuyện ở chỗ chúng ta có làm ra được những bộ phim lịch sử hoặc lấy cảm hứng từ lịch sử hấp dẫn hay không để thu hút khán giả. Tôi cũng mong từ sau câu chuyện gần nhất của Đất rừng phương Nam, mới nhất là Đào, phở và piano, trong tương lai gần chúng ta sẽ có thêm nhiều dự án bao gồm dự án tư nhân và Nhà nước, làm những bộ phim có đề tài lịch sử. Nếu đó là những phim hay, tôi tin khán giả sẽ không phụ lòng những đạo diễn hoặc nhà sản xuất làm về lịch sử Việt Nam.
Cũng phải nói thêm, lịch sử của Việt Nam có rất nhiều câu chuyện thú vị, có rất nhiều đề tài thú vị để khai thác nhưng chung quy lại, chúng ta có đủ tài năng để biến những “nguyên liệu” đó thành những câu chuyện hấp dẫn hay không mới là vấn đề.
Nhiều người băn khoăn rằng, những tác phẩm được Nhà nước đặt hàng với kinh phí lên đến hàng chục tỷ đồng được sản xuất ra cho ai, khi khán giả - đối tượng chính và đối tượng duy nhất của các tác phẩm điện ảnh muốn xem cũng khó tiếp cận với bộ phim? Cần thiết để lan tỏa bộ phim này đến với khán giả nhiều hơn?
Việc lan tỏa rộng hơn là đương nhiên vì tôi nghĩ bất cứ ai làm ra tác phẩm nghệ thuật cũng đều mong đến được với công chúng. Đó là tâm lý, là mong muốn, nhu cầu chính đáng của người sáng tạo ra tác phẩm. Tuy nhiên, từ câu chuyện của “Đào, phở và piano”, chúng ta thấy một bất cập rất lớn đó là, phim của Nhà nước sản xuất chỉ đầu tư kinh phí sản xuất, không có kinh phí cho quảng bá.
Trong thời đại ngày nay, nếu ví bộ phim giống như một món ăn ngon thì điều quan trọng là làm sao để mọi người biết đến món ăn đó. Vậy cần phải quảng bá, truyền thông, lan tỏa, chứ đâu thể chờ đợi mọi người tự tìm đến để thưởng thức?
Chúng ta phải hiểu, không có đơn vị tư nhân nào đi phát hành miễn phí cho bộ phim của Nhà nước. Vì thế, Nhà nước nên có những điều chỉnh về mặt quy định sản xuất một bộ phim cần có kinh phí cho việc PR và Maketing, cũng như quy định tỷ lệ chia lợi nhuận rõ ràng với đơn vị tư nhân phát hành phim.
Trong phim, diễn viên Cao Thùy Linh vào vai một nàng tiểu thư tên Hương. Hương có mối tình lãng mạn thời chiến với anh lính tự vệ tên Dân (Doãn Quốc Đam). |
Từ “cơn sốt” với bộ phim này, anh có nghĩ là người trẻ rất quan tâm đến lịch sử? Phải chăng cần nhiều những bộ phim như “Đào, phở và piano”?
Nói cho đúng, lịch sử Việt Nam có nhiều câu chuyện và giai đoạn đáng tự hào. Tôi tin rằng, người trẻ Việt dù đang lớn lên trong thế giới công nghệ phát triển như vũ bão, cuộc sống được kết nối thông qua các nền tảng công nghệ rất mạnh mẽ, Nhưng rõ ràng lịch sử, văn hóa Việt chắc chắn luôn là những điều đáng tự hào đi kèm với đó mong muốn hiểu biết sâu rộng hơn nữa... Bởi nó nằm trong máu, chứ không chỉ là câu chuyện của thời đại nữa. Để làm ra bộ phim lịch sử hoặc được lấy cảm hứng từ lịch sử được mọi người ủng hộ thì cần tránh sự áp đặt, khiên cưỡng; cần tạo ra sự tự nhiên, lôi cuốn, hấp dẫn.
Nhìn sang phim Hàn Quốc, họ làm phim về lịch sử nhưng vẫn thấy rất hấp dẫn, rất giải trí... Họ mượn những câu chuyện lịch sử để nói những thông điệp rất chân thực, rất hay chứ không áp đặt. Chúng ta có nguồn kinh phí để làm, có “nguyên liệu” quý từ lịch sử nhưng cần những con người tài năng làm nên những bộ phim lịch sử hay.
Vậy để thúc đẩy thị trường điện ảnh cũng như ngành công nghiệp giải trí phát triển, theo anh cần phải có những “cú hích” gì?
Chúng ta phải thừa nhận rằng, ngành công nghệp điện ảnh Việt Nam hiện tại đang nằm trong tay tư nhân. Sự thành công của Trấn Thành hay Lý Hải cho thấy, họ thành công bởi nỗ lực cá nhân rất lớn, chứ không đại diện cho nền điện ảnh nói chung. Nếu muốn hướng đến một nền điện ảnh vững mạnh, có cơ sở, có sự phát triển bền vững thì cần đầu tư cho cả một thế hệ trong đó bao gồm các quỹ học bổng cho đến các cơ chế hỗ trợ cho tài năng trong ngành làm phim.
Hơn thế, đã đến lúc chúng ta cần phải thay đổi tư duy làm phim, đặc biệt với các tác phẩm do nhà nước đầu tư. Phải có một chiến lược bài bản từ sản xuất đến phát hành để có những bộ phim lịch sử thành công, có doanh thu cao và chạm đến cảm xúc của khán giả.
Xin cảm ơn anh!
Nguyễn Phong Việt (sinh năm 1980) là một nhà thơ, nhà báo, nhà phê bình phim. Các tập thơ đã xuất bản của anh tạo nên những hiện tượng xuất bản ở Việt Nam khi đã bán được hàng chục nghìn bản in, một điều rất hiếm thấy đối với thơ Việt Nam trong hàng thập kỷ trước đó. Những tác phẩm nổi tiếng của nhà thơ Nguyễn Phong Việt như Đi qua thương nhớ, Từ yêu đến thương, Sinh ra để cô đơn… |