Thế là làng văn chương lại mất đi một cây bút tài hoa - Thi sĩ Hoàng Nhuận Cầm. Chỉ mới cách đây tròn một tháng, độc giả cả nước vừa thương tiếc tiễn đưa Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp về với cõi vĩnh hằng. Làng văn chương nước Nam vốn đã thiếu vắng những cây bút tài hoa, giờ lại càng thêm trống vắng.
Được biết, tác giả bài thơ nổi tiếng "Viên xúc xắc mùa thu" Hoàng Nhuận Cầm đã qua đời chiều 20/4 tại nhà riêng.
Theo lịch thì buổi chiều, anh có chương trình ở Đài Tiếng nói Việt Nam. Nhưng đến giờ lên sóng, không thấy anh đâu, phóng viên của đài điện về nhà anh cũng không thấy hồi âm. Cửa nhà khóa, khi người thân phá cửa thì anh đã mất. Anh Cầm bị bệnh phổi, có lẽ do tắc nghẽn đột ngột và anh đã ra đi.
Như vậy là Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm đã trút hơi thở cuối cùng khi vẫn đang làm việc.
Hoàng Nhuận Cầm sinh ngày 7/2/1952 tại Hà Nội, là con đầu lòng của nhạc sĩ Hoàng Giác.
Đang học dở khoa Văn Đại học Tổng hợp Hà Nội, năm 1971, Hoàng Nhuận Cầm xếp bút nghiên lên đường ra trận. Từ năm 1981, anh làm việc tại Hãng Phim truyện Việt Nam và sau đó chuyển sang làm việc cho Đài Truyền hình Việt Nam trong một thời gian ngắn rồi lại trở lại Hãng Phim truyện Việt Nam.
Anh còn nổi tiếng với vai Bác sĩ Hoa Súng thủa đầu tiên của chương trình Gặp nhau cuối tuần trên VTV.
Tôi có 3 điều may mắn để tiếp xúc, thứ nhất, là có thời gian ở cùng khu phố (ngõ 90, Lò Đúc, Hà Nội) với anh. Thứ hai, được anh biết đến và quý mến. Thứ ba, nhiều lần tham gia khách mời cùng anh trong chương trình Khách đến chơi nhà của Đài tiếng nói Việt Nam.
Hoàng Nhuận Cầm là người tốt tính, vui vẻ và hết lòng với công việc. Song, điều đáng trân trọng nhất của anh là tâm hồn thi sĩ. Đó là tâm hồn trong sáng, hồn hậu rất… lơ mơ. Trong mắt người đời, anh thuộc dạng "tâm hồn treo ngược ở cành cây". Chính cái chất thi sĩ đó đã làm nên một tên tuổi Hoàng Nhuận Cầm trong thi ca.
Nhiều bài thơ tình của Hoàng Nhuận Cầm được bạn đọc trẻ, đặc biệt là học sinh, sinh viên yêu thích vì nó gắn với những kỷ niệm với một giọng thơ trẻ trung, sôi nổi như: "Chiếc lá buổi đầu tiên", "Vào mặt trận lúc mùa ve đang kêu", "Hò hẹn mãi cuối cùng em cũng đến", "Viên xúc xắc mùa thu"...
Giống như Nguyễn Huy Thiệp cách đây tròn một tháng (anh Thiệp mất ngày 20/3, anh Cầm mất 20/4), những ngày qua, rất nhiều tờ báo cũng như mạng xã hội đăng tải thông tin về sự ra đi đột ngột của anh và cũng giống như anh Thiệp, các anh, những con người bình thường, không chức tước, không giàu sang, không quyền lực nhưng đã nhận được từ cộng đồng bạn đọc niềm tiếc thương vô hạn.
Các anh ơi, phải chăng đó là niềm hạnh phúc tột cùng của người cầm bút và chính vì điều này là động lực cho chúng ta trong hành trình gian nan trên con đường sáng tạo!
Nếu như cuộc đời này, bi thương lớn nhất của một kiếp người là câu ca dao "Lá vàng còn ở trên cây - Lá xanh rụng xuống giời hay hỡi giời" thì đối với người cầm bút, mục đích để "đứa con tinh thần" của mình được vẫn sống sau khi người sinh ra nó đã mất là niềm mong ước tột cùng.
Thi hào Nguyễn Du cũng từng phải thảng thốt kêu lên: "Bất tri tam bách dư niên hậu, Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như - Chẳng biết ba trăm năm lẻ nữa, Người đời ai khóc Tố Như chăng?".
Vĩnh biệt thi sĩ tài hoa Hoàng Nhuận Cầm, vĩnh biệt Bác sĩ Hoa Súng, vĩnh biệt nhân vật Nhà thơ trong phim Số đỏ, vĩnh biệt vị chủ nhà trong Khách đến chơi nhà…
Hãy yên nghỉ, Hoàng Nhuận Cầm ơi bởi tôi tin rằng anh đã và sẽ còn sống trong lòng bạn bè, đồng nghiệp và nhiều độc giả vẫn nhớ về anh, nhớ về những bài thơ trong sáng và hồn hậu như tâm hồn người Hà Nội.