Nhỏ Bình thường Lớn

Cuộc đời và sự nghiệp của vị Ngoại trưởng Mỹ góp phần chấm dứt Chiến tranh Lạnh

TGVN. Cựu Ngoại trưởng Mỹ George Shultz, người vừa qua đời ở tuổi 100 hôm 6/2, được các chính khách Mỹ đánh giá là một trong những vị ngoại trưởng vĩ đại nhất, người từng góp phần chấm dứt Chiến tranh Lạnh và định hình thế giới.
Cuộc đời và sự nghiệp của vị Ngoại trưởng Mỹ góp phần chấm dứt Chiến tranh Lạnh
Cựu Ngoại trưởng Mỹ George Shultz. (Nguồn: Wiki)

Trước khi làm Ngoại trưởng Mỹ từ năm 1982-1989, ông Geogre Shultz từng đảm nhận nhiều vị trí ở các bộ ngành khác nhau của hệ thống chính trị Mỹ như Bộ trưởng Lao động (1969-1970), Bộ trưởng Tài chính (1972-1974).

Hơn hết, ông Shultz được đánh giá cao với vai trò là Ngoại trưởng Mỹ, chỉ sau “kiến trúc sư” của trật tự toàn cầu hậu Thế chiến thứ 2 dưới thời Tổng thống Harry S.Truman, Dean Acheson.

Trong 6,5 năm “cầm quân” Bộ Ngoại giao Mỹ, ông Shultz đã định hình sự dịch chuyển toàn cầu và cùng với Tổng thống Ronald Reagan kiến tạo một thế giới tự do, hòa bình và thịnh vượng hơn.

Trong một cuộc khảo sát vài năm trước đây, các chuyên gia về quan hệ quốc tế đã xếp Henry Kissinger và James Baker là hai vị Ngoại trưởng vĩ đại nhất thời hiện đại của Mỹ. Dù không được xếp vào danh sách các ngoại trưởng vĩ đại nhưng George Shultz không hề kém cạnh.

Nhìn xa, trông rộng

George Shultz được Tổng thống Ronald Reagan bổ nhiệm làm Ngoại trưởng Mỹ vào tháng 7/1982 khi chính sách đối ngoại Mỹ gặp khủng hoảng liên quan đến các vấn đề quan hệ Xô-Mỹ, quan hệ Mỹ-NATO, nguy cơ chiến tranh thương mại Mỹ-Nhật, vấn đề bán vũ khí cho Đài Loan, cuộc chiến Israel-Lebanon...

Từ khi được bổ nhiệm, ông Shultz nhanh chóng trở thành cánh tay đắc lực của Tổng thống Reagan trong việc tái hoạch định chính sách đối ngoại Mỹ. Ông đã giải quyết được các vấn đề do người tiền nhiệm để lại và trở thành người đồng hành với Tổng thống Reagan.

Khi nhậm chức vào năm 1982, ông Shultz là một trong số ít người đã nhận ra một số xu hướng toàn cầu đang nổi lên, trong đó có làn sóng chuyển giao dân chủ ở châu Á, Mỹ Latinh và Đông Âu, và ông đã coi dân chủ là ưu tiên chính sách đối ngoại Mỹ.

Bên cạnh đó, ông Shultz cũng nhận thấy sự nổi lên của cuộc cách mạng thông tin, và đặt Mỹ vào vai trò đi đầu trong định hình xu thế toàn cầu hóa thế giới. Ông cũng nhận ra nguy cơ đang ngày một gia tăng của chủ nghĩa khủng bố và đã phát triển nhiều học thuyết chống khủng bố mà sau này Mỹ đã áp dụng sau vụ khủng bố 11/9.

Ngoại trưởng Mỹ George Shultz và Tổng thống Mỹ Ronald Reagan cũng đã thấy rõ bản chất của Chiến tranh Lạnh: là một cuộc chiến tranh về ý thức hệ chồng chéo lên cuộc chiến tranh giành vị trí siêu cường.

Họ đã đi ngược lại với hiểu biết thông thường của thời đó coi xung đột là một “thế trận ổn định” giữa hai khối đối đầu. Từ đó kéo theo chiến lược tấn công mới của họ là thúc đẩy tự do chính trị, kinh tế và tôn giáo trên toàn thế giới thay vì tấn công chủ nghĩa cộng sản Liên Xô “danh bất chính, ngôn bất thuận” như trước đây.

Không có ngoại trưởng nào của Mỹ thành công nếu không có quan hệ chặt chẽ với Tổng thống – đơn cử như các “bộ đôi” Teddy Roosevelt và John Hay, Harry Truman và Acheson, Richard Nixon và Kissinger, George H. W. Bush và James Baker.

Cũng như các vị ngoại trưởng khác, ông George Shultz không bao giờ quên vị trí công việc của mình là phục vụ và hiện thực hóa chiến lược của Tổng thống Ronald Reagan. Tuy nhiên, thỉnh thoảng giữa ông và Tổng thống cũng có chút khác biệt.

Ông đã nghi ngờ Sáng kiến Phòng thủ Chiến lược – chương trình nghiên cứu kĩ thuật quy mô lớn để tạo ra một lá chắn tên lửa trong không gian, và phản đối gay gắt việc Mỹ bán vũ khí cho Iran trong vụ bê bối bắt cóc con tin…

Shultz đã góp phần giải quyết các thách thức bằng việc vạch ra một vài nguyên tắc mà ông và Tổng thống Reagan có điểm chung. Vì vậy, ông Shultz chủ động hàn gắn mối quan hệ của Mỹ với các đồng minh lúc đó đang bị rạn nứt, đồng thời đàm phán tắt với Đức và NATO để giải quyết tranh chấp về đường ống dẫn khí Siberia.

Ngoài ra, ông Shultz còn củng cố cam kết triển khai tên lửa hành trình mang đầu đạn hạt nhân và hệ thống tên lửa đạn đạo tầm trung Pershing II để chống lại tên lửa SS-20 của Liên Xô được triển khai ở châu Âu. Nhờ đó, Hiệp ước Lực lượng Hạt nhân tầm trung được ký kết và mở đường cho các hiệp định hạt nhân sau này.

Học thuyết Shultz

Việc triển khai tên lửa và ký kết các hiệp ước là dựa trên nguyên tắc của Ngoại trưởng George Shultz: phối hợp sử dụng vũ trang và ngoại giao. Ông cho rằng việc sử dùng cả hai phương thức sẽ củng cố lẫn nhau thay vì đối nghịch nhau. Ông nhất trí với Tổng thống Reagan về quan điểm “hòa bình thông qua sức mạnh” và cho rằng một quân đội mạnh và ý chí sẵn sàng sử dụng vũ lực sẽ càng củng cố vị thế trên bàn đàm phán và có thể dẫn đến các giải pháp ngoại giao.

Sử gia Gail Yoshitani đã gọi quan điểm trên là “Học thuyết Shultz” khi vị Ngoại trưởng Mỹ phát biểu vào năm 1984 rằng: “Chỉ khi các nhà lãnh đạo Liên Xô nhìn thấy Phương Tây quyết tâm hiện đại hóa các lực lược của họ thì họ mới có động lực đi đến các thỏa thuận ngoại giao… Bài học ở đây là sức mạnh và ngoại giao phải đi cùng nhau chứ không phải là sự thay thế cho nhau”.

Đặc biệt, Shultz là Ngoại trưởng có chuyên môn kinh tế không kém bộ trưởng tài chính nào của Mỹ. Không chỉ từng giữ chức Bộ trưởng Tài chính, ông còn là Tiến sĩ Kinh tế tại Học viện Công nghệ Massachusetts, từng là trưởng khoa kinh doanh tại trường Đại học Chicago và là Chủ tịch Bechtel International.

Ngoại trưởng George Shultz cho rằng chính sách kinh tế là chính sách đối ngoại và ngược lại. Với chuyên môn của mình, ông đã hỗ trợ Tổng thống Reagan xây dựng cấu trúc thương mại quốc tế mà sau này đã dẫn tới Hiệp định Tự do Thương mại Bắc Mỹ (NAFTA) và Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Ông cũng giúp Mỹ đã giúp cải thiện quan hệ với Nhật, từ đối thủ về kinh tế thành đối tác chiến lược và là nền tảng quan trọng để Washington hiện diện ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương cho đến ngày nay. Điều này đã mang lại những lợi ích chiến lược tức thì. Thủ tướng Nhật lúc bấy giờ là Yasuhiro Nakasone đã hợp tác và tăng chi tiêu quốc phòng gấp 3 lần cùng Mỹ gây sức ép lớn đến Liên Xô ở vùng Viễn Đông vốn nhạy cảm với các hạm đội và lực lượng tinh nhuệ được đặt ở đây.

Cuộc đời và sự nghiệp của vị Ngoại trưởng Mỹ góp phần chấm dứt Chiến tranh Lạnh
Tổng thống Mỹ Ronald Reagan và Ngoại trưởng George Shultz tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh tế London ngày 8/6/1984. (Nguồn: Reuters)

Nhà đàm phán cự phách

George Shultz được đồng minh và đối thủ đánh giá là nhà đàm phán giỏi vì ông kết hợp được cả sự đồng cảm, khả năng đọc quan điểm đối phương trong khi kiên trì gây sức ép bằng quan điểm của mình.

Paul Nitze, cố vấn kiểm soát vũ khí hàng đầu và là người thường đồng hành với Shultz trong các cuộc đàm phán với Liên Xô kể: Cuộc đàm phán dự kiến diễn ra trong 3 tiếng với Ngoại trưởng Liên Xô Andrei Gromyko tại Vienna gần như đã bị ông Gromyko sử dụng hết để chỉ trích chính sách của Mỹ. Nhưng đến lượt Shultz, ông chậm rãi đi lần lượt từng điểm trong bài chuẩn bị của mình, mong cách thong thả, chính xác, không vội vã.

“Gromyko cũng cảm thấy cần phải phản bác lại các điểm mà ông Shultz đưa ra, vì thế chúng tôi tiếp tục”, Nitze nói. Và cuộc gặp đã kéo dài 6 tiếng đồng hồ. Còn bản thân Shultz thì nhớ lại rằng ông đã kiên trì lật giở từng trang tài liệu chuẩn bị cho đến khi “Gromyko phải gục ngã thì thôi”.

Ngoài ra, ông Shultz phá vỡ khái niệm “liên kết” trong quan hệ Xô-Mỹ, vốn được coi là nền tảng ngoại giao mới dưới thời cặp đôi Nixon-Kissinger và sau đó dưới thời Tổng thống Jimmy Carter với "liên kết" có nghĩa là trao đổi về lợi ích với Liên Xô, như việc Nixon và Kissinger đã gắn nhượng bộ của Mỹ trong kiểm soát vũ khí với nhượng bộ của Liên Xô tại Việt Nam và Trung Đông.

Ông Shultz đã thiết lập khuôn khổ đàm phán mới với Moscow, theo đó chia các vấn đề căng thẳng hai bên thành 4 nhóm: kiểm soát vũ khí, nhân quyền, xung đột khu vực và quan hệ song phương. Mỗi lĩnh vực sẽ được thương lượng riêng rẽ và là ưu tiên của từng bên, và điều này tạo sự đột phá trong quan hệ Xô-Mỹ.

Khuôn khổ này đã tạo cho Mỹ có được nhiều sáng kiến ngoại giao. Trong khi Tổng thống Reagan hiện đại hóa quân đội và hồi phục kinh tế, khuôn khổ này cho phép Mỹ nối lại đàm phán ngay cả trong bối cảnh khủng hoảng như khi Liên Xô tẩy chay Thế vận hội Los Angeles năm 1984. Quan trọng hơn, khuôn khổ này khiến cho Mỹ có thể đạt tiến triển trong các vấn đề như cắt giảm vũ khí hạt nhân, hay Liên xô rút khỏi Afghanistan…

Di sản đáng nhớ của Shultz cùng với Tổng thống Reagan là sự sụp đổ của Liên Xô, sự tan rã của Bức màn Sắt Berlin và một cái kết hòa bình của Chiến tranh Lạnh.

Bộ đôi này đã nhìn nhận chính xác tính mong manh dễ vỡ của Liên Xô, đi ngược lại quan điểm của hầu hết các chuyên gia, kể cả của CIA. Cả hai cũng nhận ra cam kết của Gorbachev về cải cách trong khi hầu hết các đảng viên Cộng hòa, trong đó có cả Kissinger, hoài nghi về nhà lãnh đạo Liên Xô.

Với Ngoại trưởng Liên Xô Eduard Shevardnadze, Shultz đã tìm thấy một đối tác đàm phán có thiện chí, và cùng với hai nhà lãnh đạo của hai nước, hai vị ngoại trưởng này đã góp phần thay đổi quan hệ Xô-Mỹ, và sau cùng, thay đổi cả thế giới.

NGUY HIỂM! Anh phát hiện thêm biến thể mới của SARS-CoV-2, có thành phần làm giảm tác dụng của vaccine ngừa Covid-19
Dịch Covid-19 tại Nga, Philippines và Thái Lan diễn biến tích cực
Loạt di tích nổi tiếng ở Hà Nội đóng cửa, du khách ngậm ngùi ngắm cảnh từ xa
Mỹ sẽ có một ủy ban riêng để điều tra về vụ bạo loạn Đồi Capitol
Cập nhật Covid-19 ngày 16/2: Nhiều nước Trung Đông phát hiện biến thể mới của virus SARS-CoV-2, WHO chấp thuận sử dụng khẩn cấp vaccine của AstraZenec
TIN LIÊN QUAN

(theo Foreign Policy)