📞
Sổ tay văn hóa Đông - Tây

Nhà văn hóa Hữu Ngọc bàn về cái chết và tâm trạng chờ chết

Hữu Ngọc 09:00 | 17/05/2020
TGVN. Tâm trạng người chờ chết dưới góc độ một con người, chuyện trò với họ để thông cảm và biết chỗ mạnh chỗ yếu của các bệnh viện đối với họ, nắm được những lo âu và hy vọng trong giai đoạn cuối cùng của cuộc đời.
Tâm trạng người chờ chết dưới góc độ một con người, chuyện trò với họ để thông cảm, nắm được những lo âu và hy vọng trong giai đoạn cuối cùng của cuộc đời.

Người ta ai cũng phải chết. Đó là cái chung của nhân loại. Nhưng bác sĩ, nhà tôn giáo, nhà tâm lý học, nhà xã hội học, nhà công tác xã hội, nhà triết học đặc biệt quan tâm đến vấn đề này.

Vào cuối thập kỷ 1960, Khoa Tâm bệnh học Mỹ của Bệnh viện Billings tại Chicago đã tổ chức cuộc hội thảo kéo dài ba năm, nhằm trò chuyện với 200 bệnh nhân chờ chết, với sự có mặt của các bác sĩ, y tá, sinh viên và nhiều học giả quan tâm đến vấn đề chết. Bà bác sĩ E. Kublerross đã tổng kết kinh nghiệm và thu hoạch của mình trong cuốn Về cái chết và chờ chết (1969). Đây không phải là cuốn sách nhằm dạy cách ứng xử với người chờ chết hoặc nghiên cứu tâm lý người chờ chết. Tác giả chỉ muốn tìm hiểu tâm trạng người chờ chết dưới góc độ một con người, chuyện trò với họ để thông cảm và biết chỗ mạnh chỗ yếu của các bệnh viện đối với họ, nắm được những lo âu và hy vọng trong giai đoạn cuối cùng của cuộc đời. Như vậy, có thể gần họ hơn và chuẩn bị cho họ ra đi thanh thản hơn, đường hoàng hơn, bình tĩnh thu xếp mọi việc trước khi ra đi.

Muốn thực hiện được ý đồ này thì thầy thuốc phải nói thực cho người bệnh hiểm nghèo biết là họ chỉ còn chờ chết. Điều mà bác sĩ, người nhà và bản thân người bệnh đều muốn tránh, vì ai cũng muốn “còn nước còn tát”. Trên thực tế, bác sĩ, người nhà tuy không nói, nhưng bệnh nhân phần nhiều cũng đoán được số phận của họ. Không ai muốn nói ra, vì vậy việc tổ chức hội thảo trên mới đầu vấp phải nhiều khó khăn. Người bệnh không chịu để các bác sĩ đi sâu hỏi han về vấn đề họ kiêng kỵ, các bác sĩ, y tá, sinh viên, nhà tâm lý, nhà xã hội học và ngay trong Ban giám đốc bệnh viện ở Chicago cũng phản đối. Qua một thời gian lâu dài làm công tác tư tưởng, cuộc thể nghiệm dần dần có sức thuyết phục, sự tham gia của các thành phần ngày một đông, và phương pháp đề cập mới đến việc chờ chết đã được coi là một hình mẫu khoa học được phổ biến.

Tâm trạng người bệnh biết chắc là mình chết qua năm giai đoạn. Đó là kết quả tổng kết hàng trăm buổi chuyện trò với các bệnh nhân.

Giai đoạn thứ nhất là giai đoạn khước từ và lo sợ, tự cô lập. Phản ứng đầu tiên của bất cứ bệnh nhân nào là khước từ. Không thể nào mình chết được, tại sao lại là mình? Họ cho là bác sĩ nhầm, chiếu điện, thử máu nhầm, tìm bác sĩ khác... Cũng có người dần dần chấp nhận phần nào. Nói chung họ cảm thấy cô đơn, cảm thấy không đồng điệu với mọi người.

Giai đoạn thứ hai là tức giận, oán hờn, khi trong thâm tâm bệnh nhân đã chấp nhận: “Đúng là mình sắp chết thực!”. Oán hờn vì sao lại là mình phải chết, tức vì thấy người khác nhởn nhơ, khỏe mạnh, có khi oán hận cả Chúa, cả Thần, Phật. Có những lúc nổi khùng vô lý, người xung quanh cần nhẫn nhục thông cảm.

Giai đoạn thứ ba là sau khi tức giận oán hờn nguôi nguôi, bệnh nhân âm thầm mặc cả, điều đình với bản thân, thường là với Chúa, để xin cái đặc ân là bớt đau đớn đi một chút, sống thêm ít lâu, làm điều mình thích trước khi ra đi. Giống như đứa trẻ sau lúc dỗi bố mẹ, cố làm lành để vòi vĩnh điều gì.

Giai đoạn thứ tư là suy sụp tinh thần, bệnh nhân cảm thấy mất mát lớn quá (phụ nữ ung thư vú hay tử cung phải mổ, cảm thấy sẽ mất bản chất nữ) có khi gia đình con cái khó khăn, cảm thấy tội lỗi vì gây khó khăn cho cả nhà, xấu hổ vì thân hình xấu xí... Để an ủi bệnh nhân tin vào những điều tốt lành của mình đã có và còn có.

Giai đoạn thứ năm là sự chấp nhận cái chết, thường do bệnh nhân tự giác. Về thể xác, họ đã quá yếu, ngày càng muốn ngủ thiếp đi, coi như thôi không còn chiến đấu, họ cố tìm chút ít thanh thản. Họ muốn được ở một mình, không còn quan tâm gì sự việc chung quanh, lớn hay nhỏ. Không muốn tiếp người đến thăm nữa, không muốn trò chuyện nữa. không muốn xem TV nữa. Đến thăm, tốt nhất không cần lời nói mà là cử chỉ: cái nhìn, nắm tay, đặt lại gối tựa lưng. Đi thăm bệnh nhân lúc này nên cố nói ít.

Tuy nhiên, lại có những bệnh nhân không chấp nhận cái chết, mà vẫn suy sụp tinh thần ở giai đoạn bốn, không tiến sang giai đoạn năm, nên sống rất đau khổ.

Qua tất cả những giai đoạn trên, ở bệnh nhân thường còn le lói một chút hy vọng, chờ một phép lạ của Chúa, của thần linh, một thứ thuốc mới sáng chế, sự vùng dậy của cơ thể, khả năng cơ thể tự chữa... Người chung quanh đừng để tắt tia hy vọng ấy cho đến khi họ đi vào sự yên lặng vĩnh viễn.

Nắm được diễn biến tâm trạng của người bệnh nặng chờ chết, những người trông nom họ (bác sĩ, nhà điều trị tâm lý, tu sĩ, người thân) nên tùy từng giai đoạn mà ứng xử. Bản thân bệnh nhân cũng biết được quy luật mà tự điều chỉnh để sống tốt với thời gian còn lại.

Tôi viết đến đây thì chị bạn Mỹ Lady Borton ghé thăm. Thấy cuốn Về cái chết và sự chờ chết trên bàn tôi, chị nói ngay, đây là tác phẩm khá phổ biến ở Mỹ. Ở Mỹ hiện nay có thể quá nửa số bệnh nhân có bệnh ác tính chờ chết đều được bác sĩ nói rõ sự thật nếu được hỏi. Nhất là vào thời đại Internet, người bệnh có đủ thông tin để biết khả năng sống được bao nhiêu lâu. Như vậy, những ai vào Hospice (bệnh viện cho người chờ chết) có thể bố trí cuộc sống còn lại cho hợp lý. Trong phim truyền hình Trung Quốc Tham vọng, cũng có cảnh nữ bệnh nhân ung thư được bác sĩ trả lời thật là chị chỉ sống hai năm nữa thôi. Ứng xử này ở Việt Nam thì chưa phổ biến.