Nhỏ Bình thường Lớn
Sổ tay văn hóa Đông - Tây

Nhà văn hóa Hữu Ngọc: Một diện mạo khác của Việt Nam

TGVN. Từ sau Chiến tranh Thế giới thứ Hai, có lẽ trên thế giới không có tên một nước thuộc địa cũ nào lại được nhắc nhiều ở phương Tây như Việt Nam. Chiến tranh Việt Nam, một cuộc chiến 30 năm, dài nhất thế kỉ XX, một nước nhược tiểu đối lập với các nước hùng mạnh.
TIN LIÊN QUAN
nha van hoa huu ngoc mot dien mao khac cua viet nam Nhà văn hóa Hữu Ngọc: Ngôn ngữ văn hóa Pháp ở Việt Nam xưa và nay
nha van hoa huu ngoc mot dien mao khac cua viet nam Nhà văn hóa Hữu Ngọc: Từ món ăn dân gian đến bản sắc dân tộc
nha van hoa huu ngoc mot dien mao khac cua viet nam
Viet Nam moment là cuốn sách của một tấm lòng.

Ở đây xin không bàn đến việc đánh giá cuộc chiến theo ý thức hệ, mà chỉ đề ra một nhận xét khách quan: Chính vì cuộc chiến lâu dài và ác liệt, lại được phổ biến rộng rãi qua các phương tiện thông tin quốc tế, nên diện mạo Việt Nam được coi là diện mạo chiến tranh với người dân thường thế giới.

Dĩ chí, nhà văn Đức L.Stern khi đề tựa một Tuyển tập văn học Việt Nam tiếng Đức còn nhận xét rằng, hai hằng số của văn hóa và lịch sử Việt Nam là thi ca và chiến tranh. Mở các từ điển nổi tiếng của Pháp, Đức, Anh, Mỹ, Nga... thế nào cũng có cụm từ "chiến tranh Việt Nam".

Mặc dù từ 1975, nhất là sau Đổi mới, nhiều nhà báo, nhà văn nước ngoài đến thăm Việt Nam đã viết rất nhiều về diện mạo khác của Việt Nam thời hậu chiến. Trong hòa bình, ấn tượng về Việt Nam cũng không dễ phai mờ!

Trong số tác phẩm loại này, có cuốn Viet Nam moment của hai tác giả, một là Hàn Quốc: Brenda Paik Sunoo (hơn một trăm bức ảnh) và hai là Việt Nam: Tôn Thị Thu Nguyệt (tuyển chọn ca dao, tục ngữ, danh ngôn, thuyết minh ảnh). Sách in bằng ba thứ tiếng Anh, Việt và Triều Tiên do Seoul Selection (Hàn Quốc) xuất bản năm 2009.

Tôi gặp chị Brenda lần đầu tiên ở một cuộc họp Hội những người bạn di sản Việt Nam tại Hà Nội. Chị là nhà báo, nhà văn và nhà nhiếp ảnh Mỹ gốc Triều Tiên. Ông tổ ba đời đã đến Hawaii, lao công làm mía.

Tôi đã đọc tác phẩm của chị Rong biển và pháp sư, tập hồi ký cảm động viết về người con trai chết vào tuổi hoa niên, sự giải thoát một nỗi buồn mênh mông bằng cách phục sinh những kỷ niệm, gắn dĩ vãng thân thương với cuộc sống hiện tại. Chị sống ở Việt Nam đã sáu năm, hai vợ chồng cùng công tác ở Hà Nội. Ý đồ của Brenda khi định làm tập ảnh Viet Nam moment là giãi bày cảm xúc của mình với một cách nhìn khác về Việt Nam, về giai đoạn mới của Việt Nam trong hòa bình. Có thể nói, chị thuộc vào "thế hệ Việt Nam" (Vietnam generation) gồm những thanh niên trên thế giới, đặc biệt ở phương Tây, vào những năm 60, 70 thế kỉ trước, xuống đường chống chiến tranh Mỹ ở Việt Nam.

Đầu thập niên 1970, vào tuổi trên 20, chị cùng chồng định cư ở New York (Mỹ) và làm quen với những trí thức Việt kiều trẻ dấn thân vì đất nước. Hình ảnh Việt Nam của chị kết tinh trong những bức ảnh một cô du kích đeo súng trường và một bé gái chạy bom na-pan. Ba chục năm sau chiến tranh, Brenda đến và ở Việt Nam cùng chồng (năm 2002). Chị học tiếng Việt, có nhiều bạn Việt, đắm mình vào xã hội và văn hóa Việt rồi ra ý phải thể hiện bằng hình ảnh diện mạo mới của Việt Nam. Phong cảnh Việt Nam rất đẹp, nhưng cái mà Brenda muốn nắm bắt là tâm hồn sâu lắng của con người Việt Nam. Chị cho người Việt rất dễ mến, dễ hòa hợp, có nền văn hóa đậm đà. Chị may mắn gặp được tri kỷ là chị Tôn Thị Thu Nguyệt sẵn sàng cộng tác với chị trong công tác sáng tạo nghệ thuật ấy.

Tác phẩm Viet Nam moment là cuốn sách của một tấm lòng. Trước hết, do cách trình bày, in ấn trang nhã, nhưng cái nhìn là nội dung rất nghệ thuật, nghĩa là rất thơ. Thi sĩ, nghệ sĩ là người phát hiện cho ta thấy cái đẹp, cái độc đáo trong những cái tưởng như tầm thường, nhàm chán của đời sống hàng ngày. Thí dụ, cảnh người phụ nữ tỉa cỏ ở cánh đồng, ta nhìn hàng trăm lần, thấy quá quen thuộc. Nhưng khi nhìn bức ảnh chụp người ấy chơi vơi trong màu xanh của lúa, màu nét và hài hòa, lại đọc câu chú thích "Bán mặt cho đất, bán lưng cho trời" thì vừa cảm thấy cái đẹp vừa cảm thương số phận vất vả của người phụ nữ một nắng hai sương ấy. Chị Lona, nguyên Đại sứ Australia ở Việt Nam cho là: “Có thể ngắm những bức ảnh của Brenda hàng giờ và để những câu chuyện vấn vương trong trí óc” (lời tựa).

Phải có tấm lòng thông cảm với Việt Nam thì mới chớp được những hình ảnh tưởng tầm thường mà biểu hiện sâu sắc được nội tâm. Phải có tấm lòng cùng nhịp điệu rung cảm thì lời bình và hình ảnh mới đi được với nhau. Xuất bản cuốn sách này, Nhà xuất bản Seoul Selection giới thiệu những hình ảnh của Việt Nam thời hòa bình, đổi mới với bạn bè quốc tế…

nha van hoa huu ngoc mot dien mao khac cua viet nam Nhà văn hóa Hữu Ngọc: Đôi nét về văn hóa ẩm thực Việt Nam

TGVN. Văn hóa Việt Nam thuộc loại nặng về tính cộng đồng, trọng nam hơn nữ, tôn ti trật tự rất chặt chẽ. Những nét ...

nha van hoa huu ngoc mot dien mao khac cua viet nam Nhà văn hóa Hữu Ngọc bàn về hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa

TGVN. Có người hiểu cụm từ hội nhập quốc tế là hội nhập toàn cầu. Như vậy không phải là hoàn toàn sai, vì trong ...

nha van hoa huu ngoc mot dien mao khac cua viet nam Nhà văn hóa Hữu Ngọc: Cây đời và thuốc lá

TGVN. Mỗi người có thói quen xấu nào đó, đều có một lập luận để bảo vệ chúng. Như nghiện thuốc lá chẳng hạn. vậy ...