📞
Sổ tay Văn hoá Đông - Tây

Nhà Văn hóa Hữu Ngọc: Tivi tốt hay xấu

Hữu Ngọc 17:29 | 06/06/2019
TGVN.Tivi sẽ chiếm mất một phần thời gian mà những người đương thời của chúng ta có thể dành cho việc đọc, suy nghĩ hay ngay cả cho sự mơ tưởng phong phú

Cách đây vài thập kỉ, nhà văn pháp G.Duhamel nhận định: “Người ta sẽ nói với tôi là, trong những trường hợp nhất định, vô tuyến truyền hình có thể là một dụng cụ của văn hóa trí năng. Tôi không tin là thế. Văn hóa đòi hỏi trầm tư, cố gắng, trí óc căng thẳng. Tivi (TV) chắc chắn sẽ là một dụng cụ thông tin và chỉ thế thôi! Bạn bè có người khẳng định với tôi là ở London, không thể kiếm được một bà làm bếp nếu bếp nhà mình không được trang bị một máy radio tốt. Nhưng radio ít nhất vẫn còn cho đôi mắt tự do. Trong gia đình, bà mẹ có thể vừa nghe radio vừa vá áo hay mạng tất. Còn khi xem truyền hình thì đôi tay và đầu óc không làm được việc gì khác nữa.

Nói tóm lại, ngay từ giờ, có thể chắc chắn là TV sẽ chiếm mất một phần thời gian mà những người đương thời của chúng ta có thể dành cho việc đọc, suy nghĩ hay ngay cả cho sự mơ tưởng phong phú”.

Tác giả Duhamel, bác sĩ phẫu thuật đã mổ 1.500 ca trong Thế chiến I, rất day dứt về nỗi khổ của con người. Tư tưởng chủ đạo của ông là chống lại nền văn minh kỹ trị, gây ra bạo lực và chiến tranh, chống lại tất cả những gì ngăn cản sự thông cảm, làm xói mòn tình người, khiến con người xa cách nhau, kể cả điện ảnh, radio, TV… Đã có một thời, ông được coi là một nhà văn hóa quốc tế. Giờ thì một số suy nghĩ của ông bị coi là lẩn thẩn. Tuy vậy, những suy nghĩ nhân văn của ông về tình cảm đồng loại, tình huynh đệ quốc tế, về văn minh vật chất phương Tây hẳn vẫn mang tính thời sự và phù hợp với văn hóa Á Đông. Những ý nghĩ tiên tri về TV của ông có vẻ như lạc hậu, nhưng những vấn đề nêu lên vẫn là cơ bản, vẫn tiếp tục được các giới nghiên cứu xã hội học, giáo dục, đạo đức học, nhân học, văn hóa tiếp tục thảo luận.

Duhamel nhìn thấy mặt xấu của TV là cơ bản. Cái chính là nó khiến cho người xem có thái độ thụ động, tiếp thụ khá nhanh hình ảnh và âm thanh, không đủ thì giờ để phân tích, tổng hợp, đánh giá. Với sự toàn cầu hóa thông tin, với hàng trăm, hàng nghìn nguồn thông tin chịu ảnh hưởng của rất nhiều thế lực chính trị, kinh tế, tư tưởng khác nhau, người xem TV sẽ bị bơm vào đầu óc những ý tưởng chi phối hành động của mình, như kiểu người máy mà không biết. Văn hóa đòi hỏi có thời gian trầm tư, sự cố gắng suy xét của cá nhân. Vì vậy, TV chỉ có thể góp phần vào văn hóa trí năng, không thể là công cụ chủ yếu. TV chỉ là công cụ thông tin.

Mà thông tin không phải là văn hóa và giao tiếp. Cũng như mối quan hệ giữa sách và thông tin. Vào những năm 1998 – 2000, thời điểm internet được tôn sùng hết mức, người ta tin là sách không còn có vai trò đáng kể nữa. Nhưng sau, người ta đã phát hiện ra là thông tin ào ạt, loạn xạ trên phạm vi thế giới ngăn cản sự giao tiếp. Sách lại được trả lại vai trò tư duy và giao tiếp văn hóa.

Có những công trình nghiên cứu khoa học xã hội nêu lên một số tai hại khác của TV. Thí dụ: TV có thể khiến người ta chán ngán đời sống thực, vì nó khác với đời sống qua TV, khiến cho một số người nghiện TV xa lánh giao tiếp xã hội, gây tai hại cho sức khỏe, nghiện như nghiện ma túy, giảm sút thị lực, vừa xem vừa ăn vặt nên thừa cân, nhức đầu, bị quảng cáo lừa… Đối với gia đình truyền thống Việt Nam, TV có thể gây rạn nứt. Bữa ăn trưa từ lâu đã không gặp nhau, bố mẹ ăn ở nơi làm việc, con cái ở trường học. Bữa ăn tối thường trước đây là cơ hội trao đổi tình hình và giao thoa tình cảm, thì nay họ vừa xem TV vừa ăn, ăn cho nhanh để xem tiếp. Ngày nghỉ, ít đi chơi với nhau, ở nhà xem TV, trẻ em thường để cho xem phim người lớn, dễ bị ảnh hưởng bạo lực và tình dục, nhà giàu, mỗi người một cái TV và sống riêng một thế giới, con em mê TV thì lười học, ngủ muộn…

Có một thực tế là TV cứ tồn tại và phát triển, dù bị kết án thế nào đi nữa. Nó là văn hóa hiện đại, vì nó phù hợp với nhu cầu hiện đại. Nó là phương tiện rẻ tiền, tiện lợi (chỉ ngồi một chỗ mà bấm nút), phục vụ thông tin hàng ngày, hàng giờ, đủ các phương diện sức khỏe, kinh tế, học tập, xã hội, văn hóa, thể thao…, giải quyết nhiều vấn đề xã hội, hôn nhân gia đình, quan hệ, công ăn việc làm, đặc biệt là nhu cầu giải trí với đủ thể loại điện ảnh, sân khấu, kịch, âm nhạc, du lịch, trò chơi,…

Để kết luận, ta thấy TV cũng như nhiều thứ trên đời, có mặt tích cực cần phát triển, mặt tiêu cực cần hạn chế. Trước hết, về sức khỏe, đừng để nó cùng máy tính chiếm độc quyền thời gian của ta, kể cả để giải trí. Về văn hóa trí năng, chỉ nên coi TV là một nguồn thông tin thôi. Cần có đầu óc chủ động, có tư duy cá nhân qua thực tế và nhiều nguồn thông tin sâu sắc khác. Đối với gia đình, cần tổ chức xem TV thế nào để tránh mặt tiêu cực như đã nói ở trên.