Đại thi hào Pushkin |
Đại thi hào Alexander Pushkin, một trong những nhà thơ lỗi lạc của nước Nga, đã vĩnh viễn ra đi ngày 10/2/1837 trong căn hộ ở St. Petersburg sau cuộc thách đấu súng với tình địch người Pháp Georges d’Anthes - người có quan hệ tình ái vụng trộm với vợ ông. Bị thương vào bụng, tác giả Eugene Onegin được đưa về nhà và trút hơi thở cuối cùng hai ngày sau đó.
Từ vết máu khô trên trường kỷ...
Lâu nay, giới khoa học vẫn đặt câu hỏi: “Liệu chiếc trường kỷ hiện đang được trưng bày trong Phòng Tưởng niệm thuộc Bảo tàng Pushkin có đúng là nơi mà nhà thơ đã nằm trước khi chết?”.
Mà họ nghi ngờ cũng đúng, bởi nó được đưa từ Bảo tàng Hermitage đến Bảo tàng Pushkin vào năm 1937 và trong khoảng thời gian dài trước đó, ai biết được điều gì đã xảy ra! Vì vậy, các nhà khoa học Saint Petersburg đã quyết định xét nghiệm những vết máu khô còn sót lại trên chiếc trường kỷ cũ bằng da mà xưa nay tài liệu bảo tàng vẫn nói rằng được rỏ ra từ vết thương của Pushkin.
Bà Galina Sedova, người phụ trách Phòng Tưởng niệm, cho biết chiếc trường kỷ này chưa bao giờ được cọ rửa. Bà tin rằng nếu đó là chiếc trường kỷ của gia đình Pushkin, thì chính là chiếc trường kỷ mà nhà thơ đã nằm khi tắt thở. GS. Yury Malin, Trưởng Ban Pháp y St.Petersburg, cũng không ngờ tới điều này. Ban đầu, ông nghĩ: “Khi nhìn vào chiếc trường kỷ, tôi đã thấy nhiều vết nứt và lớp trên cùng đã bị hư hại nghiêm trọng, nên thậm chí còn không hy vọng tìm thấy gì”.
Không tin vào cảm nhận ban đầu, GS. Yury và các đồng nghiệp đã bắt tay vào tìm kiếm dấu vết còn sót lại trên chiếc trường kỷ từ tháng 9/2008 và đã phát hiện ra rất nhiều dấu vết. Theo các nhà khoa học, mặc dù thu được tới 26 mẫu, nhưng chỉ tìm thấy một trong số chúng là mẫu máu.
Họ xác định máu đó là của một người đàn ông, nhưng khó xác định tuổi vì dấu vết đã quá cũ.
GS. Yury nói thêm: “Chúng tôi cũng phân tích xem máu trên trường kỷ có giống với máu còn sót lại tại nơi mà Pushkin bị bắn tử thương hay không. Hiện đã xác định đó là máu của người có cùng chiều cao, những đặc điểm giống Pushkin và đúng là người ta đã đặt người này lên chiếc trường kỷ đó”.
Chưa vội kết luận chắc chắn, hiện giờ các chuyên gia còn so sánh vết máu trên trường kỷ với những mẫu máu trên áo vét mà Pushkin đã mặc trong ngày đấu súng. Chiếc áo này đang được lưu giữ trong Bảo tàng. Và kể cả trong trường hợp không biết rõ chiếc áo trong Bảo tàng có đúng là của Pushkin đã mặc khi chết hay không, thì các nhà khoa học vẫn còn manh mối. Một người chắt nội của Pushkin là Rintelen sẵn sàng hiến máu để phân tích. Và nếu cần thì các nhà khoa học sẽ phân tích ADN, bởi họ có trong tay mớ tóc xoăn của Pushkin. Ngoài ra, họ cũng sẽ nghiên cứu, phân tích nhiều vật dụng khác trong Bảo tàng.
“Biết đâu lại có một thiên tài mới?”
Sau cuộc xét nghiệm này, khoa học hiện đại cũng bác một trong những giả thuyết nổi tiếng về cái chết của Pushkin. Giả thuyết này cho thấy nhà thơ có thể đã sống sót nếu ông được đưa vào bệnh viện ngay sau khi đấu súng. Tuy nhiên, với trình độ y học thấp của thế kỷ 19, GS. Yury khẳng định: “Sự cứu chữa của bệnh viện thời gian đó, về cơ bản cũng chỉ làm được những điều tương tự như khi các bác sĩ đến cứu chữa Pushkin tại nhà hôm đó mà thôi”.
Điều đặc biệt nhất là vết máu được tìm thấy trên trường kỷ của Pushkin đã làm giới khoa học nảy ra sáng kiến nhân bản vô tính nhà thơ. Điều này không dễ. Ông Yury nói: “Nhân bản vô tính dù sao cũng sẽ khác với Pushkin nguyên mẫu”. Song các nhà khoa học cũng cho rằng nhân bản vô tính đại thi hào Nga là chính đáng. Có nhà khoa học còn giải thích: “Thực tế là cuộc đời của ông ấy chấm dứt quá sớm. Hoặc biết đâu nhân bản vô tính có thể mang lại cho chúng ta một thiên tài mới?”
Nếu được nhân bản vô tính, các nhà khoa học hy vọng người đó không chỉ giống Pushkin về ngoại hình, mà thơ của ông còn phải gần gũi hơn với người Nga hiện đại.
Hạnh Thúy (tổng hợp)