Với việc đồng NDT được chấp thuận đưa vào rổ tiền tệ của IMF, nền kinh tế Trung Quốc có cơ hội tăng trưởng tốt và ổn định. (Nguồn: China Daily) |
Theo đánh giá của các chuyên gia, bằng việc xếp NDT vào giỏ tiền dự trữ, IMF tin tưởng đồng tiền quốc gia của Trung Quốc có đủ độ tin cậy để các quốc gia trên thế giới có thể sử dụng làm đồng tiền dự trữ cho khối ngoại tệ dự trữ của mình. Nếu như trước đây các nước trên thế giới thường sử dụng đồng USD, Euro, Bảng hoặc Yen, cùng một số tài sản vật chất khác như vàng để dự trữ khoản ngoại tệ của mình, thì giờ đây họ còn có thể tích trữ NDT mà không nhất thiết phải quy đổi ra các đồng tiền khác.
Chưa ảnh hưởng nhiều
Bà Victoria Kwakwa - Giám đốc Quốc gia Ngân hàng thế giới (WB) tại Việt Nam cho biết, việc đưa đồng NDT vào rổ tiền thanh toán quốc tế chưa tác động ngay đến kinh tế Việt Nam. Các hoạt động giao thương xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc vẫn diễn ra bình thường, kể cả các hoạt động giao thương biên giới.
“Việc quốc tế hóa đồng NDT là bình thường vì Trung Quốc là một thị trường lớn, có giao dịch thương mại và đầu tư lớn. Việc quốc tế hóa NDT cũng là cách để thuận lợi hóa các thanh toán quốc tế, đặc biệt là trong hoạt động xuất nhập khẩu” – bà Victoria Kwakwa nói.
Còn theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, với quyết định này, Trung Quốc sẽ có ý thức hơn trong việc bảo vệ đồng tiền và có các chính sách để bảo vệ đồng tiền của họ. Nhờ đó, nền kinh tế Trung Quốc có thể tăng trưởng tốt và ổn định, như vậy có lợi cho các nước khác, ngay cả Việt Nam, dù các mặt hàng cạnh tranh trực tiếp giữa hai nước có thể bị ảnh hưởng.
Nới rộng khoảng cách nhập siêu
Trong khi đó, TS. Cao Sỹ Kiêm, Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước lại cho rằng, khi vào rổ tiền tệ thế giới, NDT mạnh lên, Việt Nam nhập siêu nhiều nên sẽ càng “thiệt thòi”. Việt Nam sẽ phải nhập nguyên liệu đầu vào với giá càng cao. Thâm hụt thương mại Việt Nam - Trung Quốc vốn đã lớn sẽ càng lớn thêm. Nếu Việt Nam tăng được xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc thì Việt Nam mới được lợi nhiều hơn vì khi đó ngoại tệ quy đổi từ NDT cũng tăng lên.
TS. Cấn Văn Lực, Cố vấn cấp cao Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP BIDV thì lo ngại, là một nước có quan hệ giao thương trực tiếp và sâu rộng với Trung Quốc, NDT “lên ngôi” chắc chắn có những tác động đa chiều đến nền kinh tế Việt Nam, ảnh hưởng đến xuất nhập khẩu, nợ nước ngoài, thậm chí là tỷ giá…
“Với lĩnh vực xuất nhập khẩu luôn gắn với câu chuyện về tỉ giá. Lâu nay, chúng ta cũng có một số giao dịch với Trung Quốc nhưng bằng USD. Song, sắp tới, có thể trong quan hệ đối tác, Trung Quốc sẽ đề xuất thanh toán bằng đồng tiền của họ nhiều hơn. Thế nên, doanh nghiệp cũng phải tính toán để kiểm soát rủi ro của tỉ giá đồng NDT. Riêng về thị trường chứng khoán Việt Nam thì có thể chưa tác động nhiều vì đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam cũng không quá lớn, ở mức khoảng 6-7 tỉ USD”, ông Lực phân tích.
Phân tích sâu hơn về tỷ giá, khi đánh giá về những biến động trên thị trường tài chính đối với tỷ giá USD/VNĐ, các chuyên gia của Ngân hàng BIDV cho rằng, năm 2016, thị trường ngoại hối Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục biến động khá phức tạp. Trong đó, yếu tố rủi ro lớn nhất tiếp tục đến từ diễn biến của USD cũng như NDT trên thị trường quốc tế.
Để “đối phó” với tình trạng này, các chuyên gia khuyến nghị, Việt Nam cần phải theo dõi sát diễn biến, tình hình thị trường, phải quan tâm nhiều hơn đến đồng tiền Trung Quốc vì chắc chắn trong tương lai, nợ nước ngoài của Việt Nam có liên quan đến đồng tiền này. Về tỷ giá, cần có chính sách tỷ giá linh hoạt, chủ động, cần tham vấn kinh nghiệm trước đây - khi những đồng tiền lớn như Bảng, Yen được vào giỏ tiền tệ này thì nó tác động như thế nào để có cách ứng phó thích hợp.
Trao đổi về việc liệu người dân có nên tích lũy NDT, ông Trương Văn Phước - Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia nhận định, trước hết phải xem cấu trúc, cơ cấu của NDT trong rổ tiền tệ. Mà trong rổ này, NDT chỉ là đồng tiền nhỏ, chưa thể so sánh với USD.
“Trong thực tế, trên thế giới vẫn sử dụng đồng USD là chủ yếu trong thanh toán, giao dịch. Từ những yếu tố đó, người dân có thể có câu trả lời cho mình, nhất là hiện nay, khi NDT chỉ mang biểu tượng là đồng tiền có vị trí quan trọng, còn thuyết phục thế giới sử dụng nó hay không là câu chuyện còn bỏ ngỏ”, ông Hiếu cho hay.
Cúc Chi (tổng hợp)