Thị trưởng chứng khoán tuần tới: Tương đối lạc quan. (Nguồn: Vietnambiz) |
"Để mắt" tới kết quả kinh doanh quý I/2021
Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt - VDSC cho biết, phiên cuối tuần qua (2/4), nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn vẫn tiến lên mạnh mẽ làm lực đẩy chính cho thị trường. Bên cạnh đó, nhiều cổ phiếu chưa thực sự đồng thuận và đang tích lũy chặt.
Thời gian này, có thể nhiều công ty niêm yết ban hành các báo cáo kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh tích cực, đây là động lực chính tăng giá cổ phiếu. Vì vậy, các nhà đầu tư cần lưu ý kết quả kinh doanh quý I/2021 của các công ty để có định hướng đầu tư hiệu quả.
Chuyên gia từ Công ty cổ phần Chứng khoán MB - MBS cho hay, phiên cuối tuần qua (2/4), với sự hỗ trợ tích cực từ thị trường thế giới, thị trường chứng khoán trong nước tiếp tục đà tăng. Đây là phiên tăng thứ 5 liên tiếp của chỉ số VN-Index để giúp chỉ số này tiệm cận mốc 1.230 điểm.
Dù nhịp rung lắc xuất hiện ngay trong phiên sáng, nhưng thị trường nhanh chóng đảo chiều nhờ dòng tiền lớn tiếp tục đổ vào, đó cũng là tín hiệu cho thấy "sức khỏe" của thị trường. Về kỹ thuật, sau phiên bùng nổ mạnh, VN-Index tạm thời giảm đà tăng và có thể gặp cản tại vùng 1.230 điểm.
Trên sàn HOSE, thanh khoản vẫn được duy trì ở mức cao với giá trị khớp lệnh đạt 14.321,2 tỷ đồng. Giao dịch khối ngoại cho thấy dấu hiệu tích cực khi họ tiếp tục mua ròng với tổng giá trị đạt 715 tỷ đồng, gấp 17,6 lần phiên trước đó (1/4).
Tuy nhiên, theo MB - MBS, nhà đầu tư cũng nên dự phòng kịch bản chỉ số có thể quay trở lại kiểm nghiệm vùng hỗ trợ mới tại 1.200 điểm trong thời gian tới.
Trong khi đó, Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS) cho biết, sau bốn tuần thử thách ngưỡng kháng cự tâm lý 1.200 điểm, chỉ số VN-Index đã vượt qua ngưỡng cản quan trọng này, thậm chí còn vượt luôn cả mức đỉnh của chỉ số này là 1.211 điểm (tháng 4/2018).
Diễn biến này giúp tâm lý nhà đầu tư trở nên tích cực và lực cầu lớn cũng giúp VN-Index thiết lập các mức mới. Khối ngoại quay trở lại mua ròng trong tuần qua cũng là một diễn biến tích cực.
Dựa vào mô hình sóng Elliott (công cụ phổ biến và được nhiều nhà đầu tư ứng dụng trong việc phân tích thị trường cũng như cổ phiếu), SHS nhận định, thị trường vẫn đang trong sóng tăng 5 với mục tiêu quanh 1.250 điểm, dự kiến đạt được vào nửa đầu tháng 4/2021 nên dư địa tăng trong khoảng 2 tuần nữa vẫn còn.
Theo nguyên tắc sóng Elliott, pha tăng của thị trường gồm có 5 bước sóng được gọi là sóng đẩy; trong đó, sóng 1, 3 và 5 là sóng tăng, sóng 2 và 4 là sóng giảm.
SHS khuyến nghị nhà đầu tư trung hạn đã mua vào cổ phiếu trước Tết Nguyên đán 2021 tiếp tục nắm giữ, với kỳ vọng sóng tăng 5 sẽ tiếp tục trong thời gian tới để hướng đến 1.250 điểm.
Về diễn biến chỉ số, kết thúc tuần giao dịch (từ ngày 29/3 – 2/4), chỉ số VN - Index tăng 62,24 điểm lên 1.224,45 điểm; HNX - Index tăng 23,93 điểm lên 294,89 điểm.
Về diễn biến các nhóm cổ phiếu, theo tổng hợp từ Công ty cổ phần Chứng khoán SHS, nhóm cổ phiếu trụ cột thị trường là ngân hàng tăng mạnh nhất với 7,2% giá trị vốn hóa, góp phần đẩy thị trường vượt đỉnh với các cổ phiếu tiêu biểu như: VCB tăng 3,1%, TCB (4,7%), CTG (5,8%), VPB (6,8%), BID (6,9%), MBB (7,6%), ACB (6,8%), SHB (38,5%)...
Tiếp theo là nhóm cổ phiếu tài chính với mức tăng 6% giá trị vốn hóa; trong đó, các cổ phiếu thuộc ngành bất động sản như: VIC tăng 9,4%, VHM (5,2%), NVL (3,1%).... Các cổ phiếu ngành chứng khoán như: VCI tăng 3,8%, VND (5%), HCM (10,5%), SSI (11%), SHS (12,1%)...
Tiếp theo là nhóm hàng tiêu dùng với mức tăng 5,1% với các cổ phiếu trụ cột trong nhóm như: SAB tăng 4%, VNM (5,4%), MSN (7,9%),
Nhóm nguyên vật liệu cũng tăng khá tích cực với 4,9% giá trị vốn hóa; trong đó, các cổ phiếu thuộc ngành thép như: HSG tăng 5,7%, HPG (6,2%), NKG (9,2%)... Ngành hóa chất và phân bón với DPM tăng 5,4%, DCM (7,4%)...
Các ngành khác đều tăng tích cực như: ngành dược phẩm và y tế tăng 0,6% giá trị vốn hóa, ngành dầu khí tăng 2%, ngành tiện ích công đồng tăng 2,3%, ngành công nghiệp tăng 2,8%, nghành dịch vụ tiêu dùng tăng 3,4% và ngành công nghệ thông tin tăng 4,3%.
Về giao dịch của khối ngoại, tính chung cả tuần, khối ngoại mua ròng 9,9 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị hơn 96 tỷ đồng.
Chờ đợi khởi sắc ở Phố Wall
Chứng khoán Phố Wall chứng kiến tuần giao dịch ngắn ngày khá mờ nhạt và chỉ khởi sắc vào cuối tuần khi giới đầu tư chờ đợi báo cáo việc làm tháng 3/2021 và tiến trình thực thi kế hoạch chi tiêu mới dành cho lĩnh vực cơ sở hạ tầng do Tổng thống Mỹ Joe Biden đề xuất. Tuy nhiên, báo cáo việc làm tháng 3/2021 hứa hẹn giúp Phố Wall khởi sắc trong tuần tới.
Thị trường chứng khoán Mỹ chỉ giao dịch bốn phiên trong tuần này do đóng cửa nghỉ lễ thánh Ngày thứ Sáu tốt lành (Good Friday) vào 2/4. Tính chung cả tuần giao dịch vừa qua, chỉ số S&P 500 đã tăng 1,1%, chỉ số Dow Jones tăng 0,25% và chỉ số Nasdaq ghi thêm 2,6%.
Số liệu việc làm được công bố ngày 2/4 đã không làm các nhà đầu tư thất vọng và hứa hẹn một tuần mới thăng hoa trên Phố Wall.
Theo Bộ Lao động Mỹ, đà phục hồi của nền kinh tế lớn nhất thế giới đã tăng tốc trong tháng Ba với số việc làm tăng mạnh nhờ các doanh nghiệp hoạt động trở lại và chương trình tiêm vaccine ngừa Covid-19 được đẩy mạnh.
Cụ thể, nền kinh tế nước này khôi phục được 916.000 việc làm trong tháng Ba, mức cao nhất kể từ tháng 8/2020, với gần 1/3 trong số này là lĩnh vực du lịch, giải trí và nhà hàng, khách sạn. Số việc làm tăng đã kéo tỷ lệ thất nghiệp từ mức 6,2% trong tháng Hai xuống 6%.
Số việc làm mới vượt xa so với dự báo của các nhà kinh tế báo hiệu nền kinh tế đang phục hồi nhanh hơn khi chương trình tiêm chủng được triển khai rộng rãi hơn và Chính phủ thực hiện các biện pháp kích thích bổ sung, hỗ trợ tiền mặt cho hầu hết các gia đình và tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp.
Trong khi đó, phiên cuối tuần qua (2/4), tại thị trường châu Á, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản tăng 1,58% lên 29.854 điểm. Chỉ số Shanghai Composite của Thượng Hải tăng 0,52% lên 3.484,39 điểm. Chỉ số Kospi của Hàn Quốc tăng 0,82% lên 3.112,8 điểm.