📞

Nhân sâm Mỹ đối mặt với tuyệt chủng

13:58 | 18/10/2016
Nhiều năm gần đây, áp lực khai thác quá mức và đào trộm nhân sâm cung ứng nhu cầu của người dân khiến cho số lượng nhân sâm tự nhiên ngày càng suy giảm mạnh. Trong khi đó, giá sâm vẫn cao ở mức 2.000 USD/kg.

Năm 1975, nhân sâm Mỹ (tên khoa học: Panax quinquefolius ) được liệt kê vào Phụ lục II của Công ước thương mại quốc tế về các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp CITES, trong đó ủy quyền cho Cục Cá và Động - Thực vật hoang dã Mỹ điều chỉnh việc buôn bán nhân sâm. Mặc dù chính quyền ngày càng gia tăng hình phạt đối với tội đào trộm sâm và giới hạn thời gian thu hoạch, nhưng nhiều người vẫn khó cưỡng lại nguồn lợi nhuận khổng lồ do nhân sâm mang lại.

Kẻ thù lớn nhất của nhân sâm là... con người

Tháng 9 vừa qua, rất đông người đến gặp Jim Corbin, Giám đốc Cục quản lý nông nghiệp Bắc Carolina, để xin giấy phép nhằm hợp pháp hóa việc mua bán nhân sâm Mỹ. Corbin đoán rằng có rất ít nhân sâm ở Mỹ được thu hoạch một cách hợp pháp.

Nhân sâm Mỹ sau khi thu hoạch.  (Nguồn: National Geographic)

Trong khi đó, một số ít người dân địa phương đã bắt đầu trồng hoặc bảo tồn nhân sâm trên đất của mình. Theo lời Jeanine Davis, một nhà sinh học thực vật tại Đại học Bắc Carolina:“Cách tốt nhất để bảo tồn cho các loài thực vật quý hiếm là giảm thiểu nạn đào trộm".

Trên thế giới hiện có 11 loài nhân sâm khác nhau. Từ ngàn xưa, nhiều nền văn hóa, thường là các quốc gia châu Á đã sử dụng nhân sâm như một loại thuốc chữa bệnh quý hiếm. Nhân sâm được chào mời như là một phương thuốc thần kỳ chữa được bách bệnh trên đời, từ căn bệnh suy nhược cơ thể đến bệnh rối loạn chức năng cương dương. Việc ưa chuộng và tiêu thụ số lượng lớn ở nhiều nước châu Á, đặc biệt là Trung Quốc như hiện nay đã đẩy nhân sâm đến bên bờ tuyệt chủng hoặc bị đe dọa nghiêm trọng.

Vào những năm 1700, một vị linh mục Dòng Tên đã phát hiện ra nhân sâm Mỹ và bắt đầu trao đổi nhân sâm để lấy trà của Trung Quốc cũng như nguồn tài chính lớn cho phong trào đấu tranh chống thực dân ở Bắc Mỹ. Tỷ phú Daniel Boone cũng đã gây dựng  phần lớn tài sản của mình từ nhân sâm. Ngày nay, việc thu hoạch nhân sâm hoang dã theo cách truyền thống, được gọi là đi “senging” hoặc “sanging”, vẫn đang được tiến hành ở nhiều vùng thuộc dãy Appalachia.

Công tác quản lý và bảo tồn còn khó khăn

Maggie Bowers đến xin giấy phép từ Corbin để bán những củ sâm mà cô mua từ những người phu đào sâm và từ chính bản thân cô thu hoạch được. Maggie cho biết cả cha lẫn mẹ cô đều là những người chuyên đi tìm kiếm nhân sâm. Họ kế tục công việc này từ ông bà của cô. Nhờ vào tiền bán nhân sâm, họ có thể trang trải được mọi chi phí hàng tháng và đủ để mua quà cho trẻ nhỏ trong nhà vào dịp giáng sinh đến. Gia đình cô ngâm rễ nhân sâm trong chai rượu và có thói quen uống một muỗng cà phê rượu sâm mỗi buổi sáng vì tin rằng nó sẽ chữa mọi căn bệnh mà cơ thể đang mắc phải. 

Trước khi ký tên cho phép, Corbin phải tiến hành kiểm tra sản phẩm. Mỗi gốc sâm thông thường chỉ nặng một vài ounce và có kích thước bằng một ngón tay. Corbin dùng đèn pin chuyên dụng để kiểm tra xem những túi sâm đó có dấu hiệu của lực lượng kiểm lâm Vườn quốc gia Great Smoky hay không. Nếu xuất hiện dấu hiệu màu cam từ bột huỳnh quang tức là nhân sâm đó đã bị trộm từ đất của Chính phủ.

Theo nhà sinh vật học James McGraw (Đại học Tây Virginia), người đã dành phần lớn sự nghiệp của mình nghiên cứu nhân sâm Mỹ, chỉ có khoảng 6% nhân sâm thu hoạch ở nước này đạt được tất cả các yêu cầu về độ tuổi, thời gian và khu vực được thu hoạch.

Pháp luật liên bang cấm thu hoạch nhân sâm trong vườn quốc gia và khu rừng nguyên sinh, nhưng thực tế số lượng nhân sâm lớn nhất và chất lượng nhất có thể được tìm thấy khắp Công viên quốc gia Great Smoky và gần Vườn Quốc gia Pisgah. Khu vực này quá rộng lớn lớn và quá xa xôi nên công tác ngăn chặn nạn trộm nhân sâm tràn lan gặp nhiều khó khăn.

Vì vậy cách đây 20 năm, Corbin cùng các kiểm lâm viên đã phát triển hệ thống quản lý số lượng nhân sâm bằng bột màu huỳnh quang nhằm cho phép các cơ quan chức năng dễ dàng phát hiện xem nhân sâm có bị khai thác trộm hay không. Họ dùng một loại bột màu có chứa những con chíp định vị GPS siêu nhỏ bên trong, vậy nên quan chức có thể xác định nguồn gốc của chúng và cũng là bằng chứng quan trọng để lật tẩy những kẻ trộm. Bột màu này sẽ phát sáng đỏ như đầu điếu thuốc đang cháy dưới ánh đèn pin chuyên dụng.

Trước khi bắt đầu mùa thu hoạch nhân sâm, các nhân viên kiểm lâm và tình nguyện viên tỏa ra khắp các vườn quốc gia. Mục tiêu của họ là để tìm kiếm cây nhân sâm cực hiếm trong rừng và dùng cọ để quét sạch những bụi bẩn từ mỗi gốc sâm, sau đó nhẹ nhàng bôi lên đó bột huỳnh quang màu cam rồi phủ đất lại như cũ. Công việc này kéo dài khoảng 1 tuần, thường diễn ra vào tháng 8 hằng năm.

Công tác quản lý và bảo tồn gặp không ít khó khăn. Có thể kể đến như cắt giảm ngân sách đã khiến khoảng 40 % nhân viên kiểm lâm lâm vào tình trạng thất nghiệp, trong khi nạn săn trộm nhân sâm đang ngày càng gia tăng. Để đối phó với tình trạng đó, họ phải lệ thuộc vào nhiều biện pháp bảo vệ giống như cách dùng bột có chứa chíp định vị GPS. Pond, một nhân viên kiểm lâm nhận định rằng biện pháp đó mang lại hiệu quả cao, tuy nhiên vẫn còn gặp vướng mắc trong việc thu thập dữ liệu để đánh giá chính xác. 

Ngoài ra, với diện tích rộng lớn của các công viên quốc gia cùng với địa hình gồ ghề hẻo lánh nên nhiều nhân sâm vẫn chưa được đánh dấu. Nhiều người đào trộm lớn lên trong các khu rừng và thông thạo địa hình hơn hẳn những nhân viên kiểm lâm. Họ cũng có thể lực khỏe mạnh và bền bỉ nên dễ dàng vượt qua những địa hình hiểm trở và những điều kiện khắc nghiệt của miền núi. Thêm vào đó là sự nghèo đói và tỷ lệ gia tăng các căn bệnh hiểm nghèo ngày càng cao cũng khiến cho nhân sâm ngày càng bị săn lùng ráo riết.

Mức phạt chưa có tính răn đe

Công việc thu hoạch nhân sâm vẫn chủ yếu do nam giới đảm nhận. Những tên trộm có rất ít đường để thoát ra khỏi khu rừng. Đội phục kích đợi sẵn, các nhân viên kiểm lâm và cán bộ địa phương có thể có mặt kịp thời để bắt giữ kẻ trộm khi chúng đang cố gắng chạy thoát với số nhân sâm bị trộm. Nếu bị bắt và kết án, những kẻ săn trộm có thể phải đối mặt với khoản tiền phạt và thậm chí phải ngồi tù. Vào mùa Thu năm ngoái, một tay đào trộm bị bắt giam trong 6 tháng và đã được thả tự do vào mùa Xuân năm nay.

Rễ nhân sâm bị tịch thu bởi kiểm lâm viên để phục vụ cho công việc điều tra, sau đó mang trồng trở lại. Rất ít trong số chúng có thể sống sót, nhưng vẫn tốt hơn là không có gì. Pond thừa nhận rằng mặc dù mức án cho tội săn trộm nhân sâm chỉ giúp ngăn chặn một bộ phận nhỏ chứ không hoàn toàn ngăn chặn triệt để. Theo ông, cơ hội tốt nhất cho nhân sâm tồn tại chính là việc mọi người tích cực trồng và nuôi dưỡng nó trên vùng đất của riêng mình. Ý tưởng bảo tồn bằng việc trồng trọt là một trong số ít các biện pháp tiềm năng giúp nâng cao số lượng nhân sâm hiện nay.

(theo National Geographic)