Mức lương của người lao động tại Nhật Bản đã tăng tháng thứ 7 liên tiếp. (Nguồn: AP) |
Như vậy, mức lương của người lao động tại Nhật Bản đã tăng tháng thứ 7 liên tiếp. Kết quả này được cho là do tác động gây sức ép từ Chính phủ Nhật Bản tới các doanh nghiệp nước này nhằm mục tiêu kích thích tiêu dùng. Từ năm ngoái, Chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe đã có động thái yêu cầu các doanh nghiệp phải có lộ trình tăng lương cho người lao động.
Chuyên gia của Tổ chức tài chính Nomura Holdings Yoshitaka Suda cho rằng, áp lực buộc doanh nghiệp tăng lương từ phía Chính phủ trong thời gian vừa qua khá lớn. Tuy nhiên, ông Yoshitaka Suda cũng cho rằng, điều này là hợp lý, bởi khi tăng lương cho người lao động, họ sẽ chi tiêu nhiều hơn và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp nhờ vậy cũng được hưởng lợi.
Trước đó, Chính phủ Nhật Bản cũng đã chấp nhận giảm thuế cho những doanh nghiệp có kết quả kinh doanh tốt để giúp họ có thêm cơ hội đầu tư mới, cũng như nâng lương cho người lao động.
Theo tính toán của Ngân hàng Trung ương Nhật (BoJ), lương của người lao động nước này cần phải tăng 3% thì lạm phát mới có thể đạt mức mục tiêu 2%.
Thời gian gần đây, nhiều chuyên gia lo ngại về khả năng Nhật Bản đang đối diện với giảm phát và suy thoái kinh tế. 9 tháng đầu năm 2015, mức độ tiêu dùng của dân Nhật Bản liên tục giảm. Quý II, kinh tế Nhật giảm 1,2% so với quý I. Mới đây, các chuyên gia kinh tế đồng loạt hạ thấp mức dự báo tăng trưởng trong quý III, sau một một dữ liệu kinh tế kém khả quan. Theo đó, có khả năng GDP của Nhật Bản trong quý vừa qua tăng trưởng âm 0,3%. Nếu dự báo này là đúng, nền kinh tế Nhật Bản lại một lần nữa rơi vào trạng thái suy thoái.
Đặc biệt, trong một tháng trở lại đây, các dữ liệu kinh tế Nhật trở nên xấu hơn. Các chỉ số về lạm phát và chi tiêu của các hộ gia đình bất ngờ sụt giảm; Sản lượng xe hơi đi xuống; Doanh thu bán lẻ và nhập khẩu giảm mạnh, trong khi xuất khẩu trì trệ; Sản lượng công nghiệp Nhật trong tháng Chín chỉ tăng 1% so với tháng Tám, không đủ để bù đắp cho sự suy giảm trong tháng Bảy và Tám.
Theo khảo sát của hãng tin Bloomberg, tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ ba thế giới được kỳ vọng là sẽ nhích lên trong quý IV. Tuy nhiên, sự trở lại của suy thoái chắc chắn sẽ gia tăng áp lực khiến Thủ tướng Abe và Thống đốc BoJ Haruhiko Kuroda buộc phải bổ sung thêm các biện pháp kích cầu thông qua chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ.
M.C (Theo Japan Today)