Lao động có tay nghề cao tới Nhật Bản sẽ được phép đăng ký một loại visa được gia hạn lại nhiều lần - đồng nghĩa với cư trú dài hạn. Thực tập sinh nước ngoài trong các mảng như nông nghiệp có thể đăng ký loại visa mới này này sau 3 năm thực tập.
Động thái này của Tokyo được cho là hướng tới giải quyết tình trạng thiếu lao động trầm trọng tại quốc gia này. Theo đó, bản thảo của Bộ Tư pháp và Chính phủ, Nhật Bản sẽ thiết lập visa 2 lớp vào tháng 4/2019. Những sửa đổi cần thiết được trình lên Quốc hội để thông qua vào kỳ họp trong tháng 10 tới. Khuôn khổ mới này sẽ được dành cho những lao động “với trình độ đặc biệt, có kiến thức và kinh nghiệm lao động”.
Lao động vượt qua được bài kiểm tra ngôn ngữ và tay nghề, cũng như thực tập sinh trải qua quá trình rèn luyện ít nhất 3 năm, sẽ đủ điều kiện để đăng ký tầng thứ nhất của visa 2 lớp này. Điều này sẽ cho phép họ ở lại Nhật Bản trong vòng 5 năm, dù họ sẽ không được mang theo thân nhân.
Những người có trình độ cao, vượt qua nhiều bài kiểm tra chuyên sâu có thể đăng ký vào tầng thứ hai của visa 2 lớp, cho phép họ mang theo vợ con và được ở lại Nhật Bản trong 5 năm, đồng thời có thể gia hạn visa không bị giới hạn.
“Chúng tôi sẽ phân tách visa 2 lớp này với thường trú thông qua việc phỏng vấn, phân định trình độ và tình trạng việc làm của ứng viên trong khoảng thời gian cư trú” - một quan chức của Bộ Tư pháp Nhật Bản cho biết. Lao động có thể đăng ký cư trú dài hạn sau khi đã ở lại Nhật Bản trong 10 năm.
Thực tập sinh ít nhất 3 năm tại Nhật Bản trong lĩnh vực nông nghiệp có thể nộp hồ sơ đăng ký loại visa mới này. (Nguồn: Nikkei) |
Ngày 11/10, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nhật Bản Takashi Yamashita khẳng định: “Chúng ta cần cân bằng việc quản lý và chung sống với lao động nước ngoài”.
Hiện nay, người nước ngoài với trình độ cao, được giáo dục tốt và có kinh nghiệm việc làm có thể đăng ký visa dành cho “lao động có tay nghề cao”, song họ cần phải đáp ứng nhiều điều kiện tương đối khắt khe.
Hệ thống visa mới được hướng tới bổ sung chứ không thay thế hoàn toàn lao động trong nước. Nó chủ yếu hướng tới những ngành công nghiệp thiếu nhân công, vốn không thể bù đắp được thông qua việc tăng năng suất lao động hay tuyển lao động bản xứ. Danh sách những ngành này bao gồm: nông nghiệp, điều dưỡng, đóng tàu và khách sạn.
Bộ trưởng Yamashita cho biết: “Tôi mong muốn mục tiêu và nội dung của đạo luật này sẽ được nhìn nhận trong bối cảnh thiếu hụt lao động trầm trọng hiện nay.”
Tuy nhiên, chính phủ sẽ quản lý hệ thống này để không làm trầm trọng tình trạng thất nghiệp trong nước, một khi khủng hoảng kinh tế nổ ra. Một khi một ngành công nghiệp không gặp phải vấn đề thiếu hụt nhân lực, chính phủ sẽ cắt giảm tiêu chuẩn visa cho ngành công nghiệp này.
Công ty hay tổ chức tuyển dụng nhân công thông qua loại visa này sẽ cần đạt những tiêu chuẩn nhất định, một trong số đó là chi trả cho lao động với mức lương tương đương với lao động Nhật Bản.
Chính phủ cũng sẽ xây dựng kế hoạch để hỗ trợ lao động nước ngoài, nhằm giúp họ sớm hòa nhập với cộng đồng bản xứ. Trong năm nay, Nhật Bản dự kiến sẽ triển khai một số biện pháp, mở rộng việc dạy tiếng Nhật nhằm thu hút lao động ngoại quốc đến làm việc tại đây.
Nhằm ngăn chặn tình trạng chương trình mới này có thể khuyến khích lao động nhập cư bất hợp pháp, hồ sơ đăng ký từ các quốc gia từng từ chối tiếp nhận công dân trục xuất khỏi Nhật Bản sẽ không được chấp thuận. Chính phủ cũng sẽ giới hạn số lao động tiếp nhận từ các quốc gia được cho là đã “lợi dụng” chương tình người tị nạn của Tokyo.