Ngày 1/4, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga thông báo triều đại mới của Nhật Bản sẽ có niên hiệu “Reiwa” (Lệnh Hòa) từ ngày 1/5 tới, khi Thái tử Naruhito đăng quang kế vị Vua cha là Nhật Hoàng Akihito. “Lệnh Hòa” là niên hiệu thứ 248 của Nhật Bản, sau niên hiệu “Bình Thành” (Heisei) được sử dụng trong suốt 30 năm Nhật Hoàng Akihito trị vì.
“Hài hòa tốt đẹp”
Niên hiệu Lệnh Hòa được rút ra từ một bài thơ trong “Manyoshu”, một tập thơ cổ thuộc nhóm những tác phẩm văn học tiếng Nhật đầu tiên, cách đây 1.300 năm. Chữ “Lệnh” mô tả về tháng trong khi “Hòa” nói về làn gió Xuân mềm mại, dịu dàng. “Hòa” còn có nghĩa hòa bình hay Nhật Bản trong những ngữ cảnh khác. “Rei – Lệnh”, ký tự đầu tiên trong niên hiệu thoạt đầu gây tranh cãi do có thể được hiểu theo nghĩa đương đại là “ra lệnh”, mang sắc thái của sự độc đoán. Tuy nhiên, chính phủ Nhật Bản giải thích “rei” có nghĩa là “tốt lành” hoặc “tươi đẹp”, theo một nghĩa cổ điển và ít phổ biến của ký tự này. “Lệnh Hòa” có thể được hiểu theo nghĩa “sự hài hòa tốt đẹp”.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe phát biểu tại họp báo công bố niên hiệu “Lệnh Hòa”, ngày 1/4. (Nguồn: Reuters) |
Nhật Bản công bố niên hiệu mới của vương triều trong lúc người dân Nhật vẫn còn phỏng đoán về ý tưởng mà chính phủ sẽ đưa ra. Trong ngày 1/4, các kênh truyền hình lớn tại Nhật đã đột ngột hủy các chương trình thông thường để đưa tin về niên hiệu mới. Các từ khóa (keyword) và mã chủ đề (hashtag) liên quan đến sự kiện này chiếm hầu hết các xu hướng dẫn đầu trên mạng xã hội.
Hiện Nhật Bản vẫn giữ truyền thống quân chủ Á Đông: các vị vua sẽ chọn cho mình niên hiệu trong thời gian trị vì để thể hiện ý chí mang tính chất dấu ấn của mình. Không những vậy, cách tính năm theo niên hiệu còn được sử dụng để ghi trong văn bản chính thức, các chứng chỉ, giấy phép hay trên báo chí. Ngay cả trong đời sống thường ngày, người Nhật vẫn có thói quen sử dụng niên hiệu khi nói chuyện về năm. Vì vậy, việc thay đổi niên hiệu là chuyện trọng đại không chỉ đối với Hoàng gia mà còn của toàn xã hội Nhật Bản.
“Chúng tôi rất tự hào về lịch sử, văn hóa và truyền thống của đất nước. Chúng tôi muốn niên hiệu phản ánh tương lai Nhật Bản và thấy đây là cái tên phù hợp. Lệnh Hòa được tạo ra để mang tinh thần đoàn kết của người dân”, Thủ tướng Shinzo Abe phát biểu.
Trước đó, Nội các Nhật phải tham vấn 9 chuyên gia văn học cũng như các lãnh đạo Hạ viện để “chốt” niên hiệu. Quá trình lựa chọn rất phức tạp với nhiều quy định nghiêm ngặt. “Kanji” (Hán tự) của niên hiệu mới không được bắt đầu bằng những nét của chữ đã được dùng trong 4 thời kỳ liền trước (Minh Trị, Đại Chính, Chiêu Hòa, Bình Thành), đồng thời cũng không dùng lại các tên từng được đề cử nhưng không được chọn.
3 thập kỷ thăng trầm
Sự chuyển giao giữa các triều đại ở Nhật chính là khoảnh khắc đầy cảm xúc để người Nhật hồi tưởng lịch sử, tương tự xu hướng hồi tưởng (Replay) thập niên 1960, 1970,… ở phương Tây. Giờ đây, khi thời kỳ Heisei đang chuẩn bị kết thúc (ngày 30/4), cả nước Nhật đang nhìn lại 30 năm thăng trầm vừa qua.
1989 là một năm đặc biệt trong ký ức người Nhật. Ngày 7/1 năm đó, Nhật Hoàng Hirohito băng hà, khép lại thời Showa, đồng thời mở ra thời Heisei. Chỉ 3 năm sau, bong bóng nhà đất bị vỡ, hệ thống tài chính lâm vào khủng hoảng, làm tiền đề cho quãng thời gian dài kinh tế trì trệ. Trong giai đoạn 1989-2017, GDP thực tế của Nhật Bản chỉ tăng 59%, so với 243% của Mỹ và 3.419% của Trung Quốc. Kết quả, Bắc Kinh đã vượt qua Tokyo để trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Trên khía cạnh khác, Heisei là thời kỳ tạo nên hình ảnh mới cho Hoàng gia Nhật Bản. Với tinh thần trách nhiệm, sự ân cần, Nhật Hoàng Akihito và Hoàng hậu Michiko đã khiến Hoàng gia trở nên gần gũi hơn với nhân dân. Dù vậy, nền chính trị Nhật Bản trong triều đại Heisei được đánh giá là hỗn loạn. Đa số các Thủ tướng Nhật chỉ tại vị được khoảng 1 năm, trừ Thủ tướng đương nhiệm Shinzo Abe và ông Junichiro Koizumi.
Cử tri Nhật trở nên hoài nghi với chính trị, đồng thời hy vọng rằng cải cách sẽ tạo sự cân bằng và hoán đổi quyền lực trong nền chính trị Nhật Bản, như họ thấy ở Anh hay Mỹ. Nhưng, đảng LDP vẫn quay lại nắm quyền vì các đảng đối lập quá yếu.
Trên Nikkei, Nobuko Kobayashi cho rằng, một thay đổi lớn trong thời kỳ Heisei là sự suy yếu quan niệm truyền thống về sự nghiệp, công việc và vai trò nam - nữ. Người trẻ Nhật ngày càng tìm kiếm cuộc sống cho riêng mình, ngay cả vấn đề LGBT không còn là điều cấm kị. “Trong thời Heisei, nhiều phụ nữ trẻ có trình độ hay các bà mẹ đơn thân đi làm không phải để kiếm thêm thu nhập, mà để tự chủ cuộc sống và gia đình mình”, tác giả của 30 cuốn sách về nữ quyền – bà Chizuko Ueno nói với Japan Times.
Truyền thống và cách tân
Ngày 8/8/2016, Nhật Hoàng Akihito công bố mong muốn thoái vị của mình, nhấn mạnh đây không chỉ là “sự giải thoát” thoải mái cho cá nhân, mà còn muốn tạo ra một thay đổi hợp lý cho Hoàng gia.
Đến nay, giới quan sát còn rất dè dặt khi đưa ra dự báo về xu thế kinh tế - xã hội trong kỷ nguyên hậu Heisei. Cũng không rõ liệu – hay bằng cách nào – sức mạnh kinh tế Nhật có thể trở lại, hay liệu Tokyo có thể vượt qua thách thức của giảm sút dân số. Lịch sử Nhật Bản cho thấy, một giai đoạn mới thường đi kèm với những thay đổi lớn lao, như cách xứ Phù Tang từ bỏ chế độ Samurai để bước vào kỷ nguyên Minh Trị canh tân cuối thế kỷ XIX.
Được rút ra từ một tập thơ cổ, niên hiệu mới “Lệnh Hòa” còn thể hiện sự kết hợp giữa giá trị truyền thống với mong muốn canh tân của chính quyền. Niên hiệu của các vương triều Nhật Bản trong hơn 1.300 năm qua đều được rút từ sách vở kinh điển Trung Quốc. Với nhiều người dân xứ sở Mặt trời mọc, lựa chọn “Lệnh Hòa”, sản phẩm của văn học Nhật, là một biểu hiện của lòng tự tôn dân tộc và tinh thần ái quốc.
Báo Mỹ Wall Street Journal bình luận, cách chính phủ Nhật Bản chọn niên hiệu mới cũng thể hiện cá tính của Thủ tướng Abe. Là thủ lĩnh đảng cầm quyền LDP, ông Abe thường xuyên có những chính sách đổi mới, mà gần đây là việc mở cửa rộng hơn cho lao động nhập cư.
Jeff Kingston, Giám đốc Chương trình nghiên cứu châu Á – Đại học Temple (Nhật Bản) cho rằng, việc lựa chọn từ “Hòa” (mang nghĩa hòa bình) trùng với thời “Chiêu Hòa” của Nhật Hoàng Hirohito, phù hợp với chiến lược của ông Abe trong việc “thúc đẩy quan điểm tích cực hơn đối với quá khứ chiến tranh” của Nhật Bản.
Hiện nay, với chính sách của Thủ tướng Abe, Nhật Bản vẫn là một cường quốc có sức ảnh hưởng lớn trên trường quốc tế. Cuộc chiến bất bình đẳng thu nhập và xung đột văn hóa ở Mỹ, các cuộc biểu tình trên đường phố Paris, hay chuyện Brexit dường như không ảnh hưởng tới người Nhật Bản. Rõ ràng, thời đại Heisei vừa qua vẫn mang lại cho Nhật một xuất phát điểm rất tốt để tiến bước vào kỷ nguyên Reiwa “tràn trề hy vọng”, như được nêu trong phát biểu của Thủ tướng Abe khi công bố niên hiệu mới.
(Bài viết này đồng thời được đăng tải trên số báo in Thế Giới & Việt Nam phát hành ngày 4/4)