📞

Nhật Bản-Đức lần đầu tiên đối thoại 2+2, chĩa mũi nhọn vào Trung Quốc

Hồng Phúc 20:15 | 14/04/2021
Đối thoại chiến lược 2+2 giữa Nhật Bản và Đức lần này là một ví dụ minh chứng rằng Đức đã sẵn sàng tham gia vào cuộc đua cạnh tranh quyền chủ đạo tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Nhật Bản và Đức tổ chức Đối thoại chiến lược ngoại giao, quốc phòng (Đối thoại 2+2) lần đầu tiên bằng hình thức trực tuyến, ngày 13/4. (Nguồn: AP)

Theo tờ Nikkei (Nhật Bản), vào ngày 13/4, Nhật Bản đã tổ chức Đối thoại chiến lược ngoại giao, quốc phòng (Đối thoại 2+2) với Đức lần đầu tiên bằng hình thức trực tuyến, một khuôn khổ tương tự như với các đối tác quan trọng khác tại châu Âu là Anh và Pháp.

Rõ ràng, chính quyền của Thủ tướng Suga Yoshihide đang ngày càng thúc giục các đối tác quan trọng tại châu Âu tăng cường can dự vào khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, nhất là trong bối cảnh xuất hiện những rạn nứt nhất định trong quan hệ Trung Quốc với châu Âu gần đây liên quan đến vấn đề dân chủ nhân quyền.

Tham dự đối thoại về phía Nhật Bản có Ngoại trưởng Toshimitsu Motegi và Bộ trưởng Quốc phòng Nobuo Kishi, trong khi về phía Đức có Ngoại trưởng Heiko Maas và Bộ trưởng Quốc phòng Annegret Kramp-Karrenbauer.

Tại đối thoại, Ngoại trưởng Nhật Bản Motegi đã chỉ trích Trung Quốc khi cho rằng “các hoạt động đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng bằng vũ lực đã làm mất đi tiền đề của hòa bình và thịnh vượng đối với cộng đồng quốc tế”.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Maas nêu quan điểm “hợp tác an ninh là vô cùng quan trọng trong bối cảnh có nhiều mối đe dọa khác nhau tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”.

Phía Đức cho biết nước này sẽ cử một tàu khu trục đến khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vào mùa Hè tới và có kế hoạch huấn luyện chung giữa Lực lượng phòng vệ trên biển của Nhật Bản với Hải quân Đức.

Việc một quốc gia không có lãnh thổ ở châu Á-Thái Bình Dương cử tàu chiến đến khu vực này là một điều bất thường, nhưng cũng cho thấy đây là lần đầu tiên Đức thể hiện màu sắc mạnh mẽ về vấn đề an ninh.

Đối thoại chiến lược 2+2 Nhật-Đức lần này là một ví dụ minh chứng rằng Đức đã sẵn sàng tham gia vào cuộc đua cạnh tranh quyền chủ đạo tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Về cơ bản chiến lược của chính quyền Biden và đồng minh là quy tụ một vòng vây kiềm chế Trung Quốc, bao gồm các nước châu Âu. Đó cũng là dấu hiệu cho thấy Mỹ cảm nhận được khó khăn của việc đơn phương đối đầu và chạy đua vũ trang với Trung Quốc.

Các nước châu Âu khác đã nhận thức được mối đe dọa từ Trung Quốc.

Anh xác định Trung Quốc là mối đe dọa quốc gia lớn nhất đối với an ninh kinh tế, được xác định trong chiến lược an ninh, ngoại giao mới được công bố trong tháng 3 vừa qua.

Anh đã rời Liên minh châu Âu (EU) và không muốn Trung Quốc chủ đạo dẫn dắt châu Á, nơi được xem là thị trường hứa hẹn của nước này. London cũng bày tỏ ý định gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), một hiệp định có vai trò tạo dựng vòng vây đối với Trung Quốc.

Trong bối cảnh hiện nay, điểm tương đồng giữa Anh và Nhật Bản là cùng thúc đẩy hệ thống thương mại tự do tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, đồng thời kiềm chế sự bành trướng của Trung Quốc trên biển.

Trong số các nước châu Âu, Anh đã cam kết cử tàu sân bay HMS Queen Elizabeth và Pháp sẽ cử một tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân đến khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Tương tự, Đức dự kiến cử tàu khu trục tới khu vực này vào mùa Hè tới.

Theo Giáo sư Yuichi Morii của Đại học Tokyo, những động thái gần đây của Anh, Pháp, Đức đã gửi một thông điệp hợp tác tới Nhật Bản với tư cách là các nước có chung quan điểm giá trị.

Thủ tướng Đức Angela Merkel từng đánh giá, Trung Quốc là “đối thủ cạnh tranh có hệ thống” với sự khác biệt về thể chế chính trị. Tuy nhiên, Trung Quốc cũng là một thị trường khổng lồ với quy mô 1,4 tỷ dân và là một đối tác thương mại quan trọng của Đức.

Ngày 7/4 vừa qua, trong cuộc điện đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, bà Merkel cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của đối thoại.

Trong bối cảnh quan hệ châu Âu với Trung Quốc có xu hướng nguội lạnh và khu vực này cũng đối diện với tác động nghiêm trọng về kinh tế từ dịch bệnh Covid-19, Mỹ và Nhật Bản cần nỗ lực thúc đẩy các hoạt động ngoại giao với các nước châu Âu, nhằm hỗ trợ việc duy trì lập trường cứng rắn về an ninh.