Về con người, người Nhật nổi tiếng với một số đức tính như lịch sự, đúng giờ, tử tế, chăm chỉ, tôn trọng người khác. Họ còn được biết đến là những người kín đáo, thông minh, tinh thần đồng đội cao và sạch sẽ.
Trong giao tiếp, người Nhật có thói quen giao tiếp không lời hoặc tô màu đối thoại bằng nhiều cách. Họ thường không giới thiệu nhiều về bản thân trong lần đầu gặp gỡ, vì điều này bị coi là bất lịch sự.
Bắt tay cũng không phải là văn hóa giao tiếp của người Nhật. Thay vào đó, cúi chào thể hiện sự tôn kính giữa chủ và khách, trong đó mức độ cúi thấp hơn thể hiện sự tôn trọng cao hơn. Từ người dân trong đời sống hàng ngày đến nhà lãnh đạo cao nhất của Chính phủ vẫn cúi mình đáp lễ như phong tục tập quán không thể khác đi của dân tộc.
Nền văn hóa Nhật Bản là một nguồn mạch dồi dào giàu bản sắc, nhất quán trong đặc điểm dân tộc và tính thời đại. Không chỉ đối với châu Âu, ngay các nước châu Á cũng xem văn hóa Nhật Bản có nhiều điều đặc sắc và thậm chí là không thể theo hay bắt chước được. Môn vật Sumo, món ăn sushi hay văn hóa võ sĩ đạo Samurai là những nét điển hình trong văn hóa và lịch sử Nhật Bản, mặc dù nếu chỉ nhắc đến ba điều này, người Nhật sẽ lắc đầu và nói đấy chỉ là những nét rất bề nổi trong văn hóa hay lịch sử của họ.
Nhìn bề ngoài, Nhật Bản có vẻ tồn tại nhiều điểm mâu thuẫn, đó là nước Nhật luôn hoài cổ với quá khứ xa xưa, bên cạnh việc không ngừng phát triển, không ngừng đổi mới về khoa học công nghệ. Trên thực tế, Nhật Bản là quốc gia có nhiều người sử dụng điện thoại thông minh và hệ thống tàu siêu tốc gần như hoàn hảo nhất trên thế giới. Việc bảo tồn các giá trị văn hóa là tác nhân giúp cho con người Nhật Bản cân bằng và chính các món ăn sushi đơn giản giúp người Nhật (và thậm chí cả du khách) xác định cảnh quan ẩm thực và lịch sử Nhật Bản bên cạnh các thú vui ẩm thực mang tính đột phá.
Với khoảng 130 triệu dân, Nhật Bản đã chọn cho mình con đường giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc song song với việc trở thành một quốc gia hiện đại, văn minh. Du khách đến thăm Nhật Bản có thể sẽ chỉ cảm nhận mà không biết rằng, đất nước này còn có những đặc điểm văn hóa khác rất thu hút các đối tác nước ngoài, xét trên bình diện kinh tế.
Chẳng hạn, nếu Trung Quốc được biết đến là nơi tiêu thụ nhiều trà trên thế giới thì Nhật Bản được biết đến là quốc gia tiêu thụ nhiều cà phê. Hiện nay, Nhật Bản đang nhập tới 85% sản lượng cà phê của thị trường Jamaica.
Khi đến Nhật, người ta còn ngạc nhiên về hệ thống máy bán hàng tự động. Các loại máy này bán đủ thứ từ bia, cà phê, bánh, trứng tươi cho đến gà rán, thậm chí cả xe hơi.
Dịch vụ ở xứ sở hoa anh đào cũng nhiều thứ lạ đời. Trẻ em nước ngoài sẽ rất thích thú khi được vào thăm các nhà chó, nhà mèo - nơi các em tha hồ ôm các chú cún con, mèo con vô cùng sạch sẽ và đáng yêu. Tại các quán cà phê ôm- bạn có thể vào uống cà phê và sử dụng dịch vụ ôm một ai đó ngủ trong chốc lát (?!).
Ẩm thực đất nước Phù Tang không chỉ có sushi. Thịt ngựa cũng là món ăn làm nên thương hiệu ẩm thực Nhật Bản, nổi tiếng nhất là món basashi - thịt ngựa sống, thái lát mỏng nhúng nước xì dầu gừng.
Súp cũng là món ăn phổ biến và cách nấu rất đặc biệt. Bát nước súp thường trong vắt và có vị thanh, mát. Quá trình chế biến của đầu bếp giỏi từ các nguyên liệu tự nhiên mới có thể cho ra một sản phẩm tinh tế như vậy.
Du khách đến Nhật Bản cũng thường tranh thủ ghé thăm chợ cá Tsukiji - chợ bán buôn lớn nhất các loại cá và hải sản. Món cá đặc sắc nhất là cá nóc. Đầu bếp chế biến loại cá này phải học việc trong thời gian khoảng 11 năm, phải ăn các món cá tự mình làm ra và phải có bằng mới được đứng bếp.
Sẽ là thiếu sót nếu không nhắc đến rằng tỷ lệ người biết chữ (biết đọc, biết viết) ở Nhật Bản thuộc hàng cao nhất trên thế giới (gần 100%). Hệ thống giáo dục nghiêm ngặt đến mức hà khắc được xem là góp phần tạo nên thành tích này. Tỷ lệ thất nghiệp chỉ ở mức 4%.
Đến với Nhật Bản, một lần thôi, chắc bạn sẽ mãi không quên.
Nhật Bản đã nhận được tổng cộng 18 giải Nobel, bao gồm của các nhà khoa học Nhật Bản hoặc sinh ra tại Nhật Bản, chủ yếu trong các lĩnh vực vật lý, hóa học và y học. |