Cuộc họp các nước thành viên của CPTPP. (Nguồn: SCMP) |
Đại sứ Nhật Bản tại Brunei, ông Motohiko Kato, cho rằng các thành viên CPTPP cần tái khẳng định cam kết của mình đối với hệ thống thương mại đa phương, nhất là trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đang diễn ra hiện nay.
Với việc tham gia Hiệp định CPTPP, Brunei sẽ thể hiện quyết tâm bảo vệ hệ thống thương mại tự do, bao gồm bảo đảm môi trường đầu tư thuận lợi và các cơ chế giải quyết tranh chấp, qua đó nâng cao vai trò quốc tế của Brunei. Đại sứ Nhật Bản tại Brunei Motohiko Kato cũng cho biết, hiện đang có một số nước đang bày tỏ mong muốn tham gia CPTPP, trong đó có Thái Lan và Indonesia.
Chính phủ Brunei cho rằng, sẽ phê chuẩn Hiệp định CPTPP vào đầu năm 2020. Dự kiến CPTPP sẽ thúc đẩy đầu tư vào Brunei trong các lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ sạch và chế biến thực phẩm. Theo Viện Kinh tế thế giới Peterson, đến năm 2030, CPTPP sẽ thúc đẩy GDP của Brunei tăng hơn 2%, so với tăng trưởng 6% do
Hiệp định TPP đem lại (bao gồm Mỹ). Theo Bộ Ngoại giao Brunei, CPTPP dự kiến đem lại 1 tỷ USD cho các doanh nghiệp Brunei trong 10 năm tới và giúp đa dạng hóa nền kinh tế hiện đang phụ thuộc vào ngành dầu khí. Tiến sĩ Deborah K.Elms, Giám đốc của Trung tâm thương mại Châu Á tại Singapore cho biết, CPTPP giúp mở rộng cơ hội xuất khẩu cho các doanh nghiệp nhỏ của Brunei, thậm chí xuất khẩu sang thị trường các nước CPTPP còn dễ dàng hơn sang các nước ASEAN.
Thỏa thuận thương mại khu vực Thái Bình Dương gồm 11 nước, chiếm 13,4% GDP toàn cầu, là thỏa thuận thương mại tự do lớn thứ 3 trên thế giới sau Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) và EU. Theo Viện Kinh tế thế giới Peterson, dự kiến CPTPP sẽ nâng thu nhập thế giới lên 157 tỷ USD trong 10 năm tới.
Sau khi 11 nước ký Hiệp định CPTPP vào tháng 3/2018, đến nay, Nhật Bản, Canada, Australia, Mexico, Singapore, New Zealand và Việt Nam đã phê chuẩn Hiệp định CPTPP để Hiệp định có hiệu lực vào cuối năm 2018. Brunei, cùng với Peru, Chile và Malaysia là 4 nước còn lại chưa phê chuẩn Hiệp định CPTPP.