📞

Nhật Bản làm gì để giảm tỷ lệ người béo phì?

16:40 | 17/03/2017
Chính phủ Nhật Bản đã có các chính sách và chương trình phù hợp để hạn chế tình trạng người béo phì.
Nhật Bản thiên về món ăn truyền thống với thực phẩm tươi sống và nhiều rau quả. (Nguồn: GettyImages).

Trong số các nước thuộc nhóm các nước công nghiệp phát triển nhất thế giới (G8), Nhật Bản có tỷ lệ béo phì trong dân số chỉ có 3,5%, thấp hơn hẳn so với các quốc gia khác như Đức, Pháp và Italia (21 - 22%) Anh (26%) và Mỹ (33,6%). Vậy Chính phủ Nhật Bản đã làm gì để duy trì giữ tỷ lệ người bị béo phì ở mức thấp?

Chương trình “Y tế Nhật Bản Thế kỷ 21”

Để giảm thiểu số người thừa cân và mắc bệnh béo phì, Chính phủ Nhật Bản đã xây dựng chiến lược quốc gia nhằm nâng cao sức khỏe “Y tế Nhật Bản Thế kỷ 21”. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, điểm nổi bật trong chương trình, hai bộ luật Shuku Iku và Metabo đã gặt hái thành công cho Nhật Bản trong việc hạn chế số người béo phì.

Luật Shuku Iku: Giáo dục dinh dưỡng cho trẻ em

Thực đơn bữa ăn gia đình của người Nhật được coi như là một dược liệu. (Nguồn: BBC)

Bộ luật này có một ý nghĩa khá sâu sắc: Shuku đề cập đến thực phẩm, chế độ ăn uống và ăn kiêng, và Iku nói về việc giáo dục trí tuệ, đạo đức và thể chất. Được đưa vào áp dụng năm 2005, bộ luật đã định ra quá trình xây dựng thực đơn lành mạnh trong các trường học, thuê các nhà dinh dưỡng chuyên nghiệp có trình độ giáo viên để giảng bài về dinh dưỡng cho các lớp học.

Bộ luật cũng thúc đẩy văn hóa xã hội thông qua những bữa ăn, với khẩu hiệu “ăn uống là một hành động xã hội”. Vào giờ ăn trưa, trẻ em sẽ giúp chuẩn bị bàn ăn, phủ khăn trải bàn, phục vụ lẫn nhau và cùng nhau ăn trong lớp.

Ngoài ra, ở Nhật Bản không có cửa hàng hoặc máy bán thực phẩm tự động trong trường học để học sinh khó có thể mua được đồ ăn nhẹ không lành mạnh như khoai tây chiên hay đồ uống có đường.

Luật Metabo: Kiểm soát cân nặng với người lớn

Nam giới có vòng eo hơn 94 cm và phụ nữ trên 80 cm thì có nguy cơ cao mắc bệnh tim mạch. (Nguồn: BBC).

Nếu như bộ luật Shuku Iku được xây dựng hướng đến giáo dục dinh dưỡng cho trẻ em thì bộ luật Metabo nhắm vào đối tượng người lớn từ 40 đến 75 tuổi. Bộ luật quy định họ phải có biện pháp kiểm soát thường xuyên chu vi vòng eo của mình để tránh các bệnh tim mạch. Theo đó, nam giới cần phải kiểm soát chu vi vòng eo của mình dưới 94cm và phụ nữ dưới 80cm thì có nguy cơ cao mắc bệnh tim mạch.

Chính phủ Nhật bản quy định ngành Y tế và các công ty đều phải quan tâm đến các số đo trên: Hàng năm, Nhật Bản dành ra một ngày để đội ngũ nhân viên phải thực hiện bài đo chu vi vòng eo. Nhân viên nào có vòng eo chưa chuẩn sẽ được khuyến khích tham dự các buổi tư vấn và tham gia tập luyện nhiều hơn.

Mục đích của luật Metabo là khuyến khích người lớn nhận thức rõ hơn về số cân phù hợp cho môt cơ thể khỏe mạnh. Luật Metabo cũng buộc các công ty phải có giờ nghỉ giữa giờ để công nhân tập thể dục, đồng thời khuyến khích họ tham gia vào các hoạt động thể chất sau giờ làm việc. Nhân viên còn được khuyến khích đi bộ hay đi xe đạp tới nơi làm việc trong khi chính phủ bảo đảm an toàn giao thông để tạo điều kiện thuận lợi cho việc tập thể dục.

Khuyến khích bữa cơm truyền thống với khẩu phần chia nhỏ

Bữa ăn truyền thống được khuyến khích với những khẩu phần chia nhỏ

Ngoài những biện pháp hành chính, Nhật Bản còn có những đặc thù văn hóa giúp cho mỗi người có thể duy trì chỉ số cân nặng lý tưởng. Người Nhật rất coi trọng đến các món ăn truyền thống với thực phẩm tươi sống và được sản xuất tại địa phương. Bữa ăn của họ luôn được chế biển từ thực phẩm tươi sống với nhiều loại rau quả, đồng thời phải được phục vụ với những khẩu phần được chia nhỏ và hợp với sở thích riêng của từng người. 

(theo BBC)