Hiện tượng này được gọi là hikikomori, được Bộ Phúc lợi, Lao động và Sức khỏe Nhật Bản định nghĩa là những người đã ở trong nhà trong vòng 6 tháng trở lên mà không đi học, làm việc hoặc tham gia các hoạt động xã hội.
Nửa triệu thanh niên Nhật sống ẩn dật
Kết quả khảo sát cho thấy, có 541.000 người độ tuổi 15-39 tuổi đang sống cô lập. Con số này thực sự thấp hơn so với kết quả trong cuộc khảo sát năm 2010 của Văn phòng Nội các Nhật Bản, với 696.000 người được cho là đang trong tình trạng hikikomori.
Tuy nhiên, những người trong tình trạng này được cho là đang kéo dài thời gian sống ẩn dật của mình. Theo cuộc điều tra, những người sống khép mình trong căn nhà của họ ít nhất 7 năm chiếm 35%, 29% đã sống như ẩn sĩ cho 3-5 năm, The Japan Times đưa tin.
Một thanh niên Nhật Bản thu mình trong phòng. (Nguồn: Daily Mail) |
Thêm nữa, “những ẩn sĩ già” cũng đang tăng lên. Số lượng những người ở độ tuổi từ 35 - 39 tăng gấp đôi trong sáu năm, theo khảo sát. Tuy nhiên, bức tranh chính xác về những người sống theo kiểu hikikomori rất khó xác định do tính chất ẩn dật của họ.
Nổi lên như một hiện tượng vào những năm 1990, tình trạng này vẫn chưa được chính thức xếp loại là một hình thức rối loạn và không có liệu trình điều trị được đưa ra. Các bác sĩ tin rằng, những ảnh hưởng tâm lý và văn hóa làm cho người trẻ cảm thấy họ cần phải rút hoàn toàn ra khỏi đời sống xã hội.
Hikikomori phổ biến hơn ở nam giới, những người phải đối mặt với áp lực rất lớn để thành công sớm trong cuộc sống, cả ở trường và trong sự nghiệp. Nó cũng là phổ biến hơn trong các tầng lớp trung lưu - những người thường được hưởng nền giáo dục tốt.
Người bị hikikomori thường xuyên chơi video game hoặc đọc truyện tranh ở nhà chứ không tương tác, giao lưu với những người khác. Các nhà tâm lý học nói rằng, hiện tượng này không xuất phát từ sự lười biếng.
Tamaki Saito, một nhà tâm lý học người Nhật đã mô tả cuộc sống của những người bị hikikomori giống như bị "dằn vặt trong tâm trí". "Họ muốn đi ra ngoài trong thế giới, họ muốn kết bạn hay tìm người yêu, nhưng họ không thể", ông Tamaki Saito nói với BBC.
Không phải “đặc sản” của Nhật Bản
Một nghiên cứu công bố vào năm 2015 cho thấy, hikikomori cũng được ghi nhận Mỹ, Trung Quốc, Tây Ban Nha và các nước khác. Đối với văn hóa tôn trọng và đề cao tự do cá nhân ở phương Tây, việc sống ẩn dật không bị coi là hiện tượng tiêu cực. Nhiều nước không đưa ra các thống kê về những trường hợp có triệu chứng giống hikikomori.
Một thanh niên Nhật được một tổ chức phi chính phủ trợ giúp "tái hòa nhập xã hội" với một công việc ở một quán cà phê thuộc tỉnh Osaka. (Nguồn: The Japan Times) |
Năm 2012, Mỹ xuất bản công trình nghiên cứu đầu tiên về hikikomori. Công trình khảo sát 33.000 người trong độ tuổi trưởng thành (trong đó có nhiều cựu binh) sống tách biệt với xã hội được xác định như một biểu hiện rối loạn trầm cảm, rối loạn lo âu mang tính xã hội.
Tây Ban Nha cũng có một số công trình khảo sát về hikikomori, với số người mắc triệu chứng này là khoảng 100.000- 200.000 người.
Theo các chuyên gia, hikikomori có thể tồn tại ở bất kỳ quốc gia phát triển nào, đặc biệt là trong thời kỳ tỷ lệ thanh niên thất nghiệp hoặc thiếu việc làm ngày càng cao. Hơn nữa, sự phát triển của công nghệ, luôn làm cho chúng ta cảm thấy được kết nối, ngay cả khi chúng ta đang ở một mình, đã đẩy số người trong tình trạng hikikomori ngày càng tăng.