Các công ty công nghệ nước ngoài đóng vai trò lớn trong quá trình chuyển đổi số của Nhật Bản. (Nguồn: Nikkei) |
Kim ngạch nhập khẩu các dịch vụ liên quan đến kỹ thuật số của Nhật Bản đang trên đà vượt kim ngạch xuất khẩu hơn 6.000 tỷ Yen (39 tỷ USD) trong năm 2024. Đây là con số thâm hụt thương mại hằng năm cao kỷ lục, làm nổi bật nhu cầu các công ty nước này phải tạo ra nhiều giá trị hơn từ quá trình chuyển đổi số tốn kém.
Theo số liệu cán cân thương mại của chính phủ, mức thâm hụt, bao gồm phí dịch vụ đám mây, phí cấp phép phát trực tuyến, quảng cáo trực tuyến và các mục tương tự đã tăng từ khoảng 2.000 tỷ Yen năm 2014 lên 5.300 tỷ Yen năm 2023. Tính đến tháng 10 năm nay, con số này đã đạt 5.400 tỷ Yen, và mỗi tháng tăng thêm khoảng 500 tỷ Yen vào tổng số.
Mức thâm hụt ngày càng lớn do chi tiêu tăng cho các dịch vụ phát trực tuyến như Netflix, cũng như quảng cáo trên các công cụ tìm kiếm như Google. Việc mở rộng hình thức làm việc từ xa từ khi xảy ra đại dịch Covid-19 cũng thúc đẩy nhiều công ty áp dụng dịch vụ đám mây hơn.
Tháng 10/2024, Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) ước tính rằng, thâm hụt kỹ thuật số sẽ tiếp tục tăng lên khoảng 10.000 tỷ Yen vào năm 2030. Nếu con số này vượt xa dự báo, nó có khả năng vượt lượng dầu thô nhập khẩu của quốc gia Đông Bắc Á, đạt tổng cộng 11.000 tỷ Yen vào năm ngoái.
Khi ngành công nghệ thông tin của Nhật Bản toàn cầu hóa, đất nước này cũng thu hút nhiều tiền hơn từ nước ngoài cho các dịch vụ kỹ thuật số. Tuy nhiên, các công ty trong nước vẫn phụ thuộc rất nhiều vào các công ty công nghệ lớn, chủ yếu là của Mỹ, thống trị các lĩnh vực như dịch vụ đám mây, dẫn đến thâm hụt ngày càng tăng.
Chuyên gia Daisuke Karakama của Ngân hàng Mizuho ước tính rằng, vào năm 2021, Mỹ đạt thặng dư kỹ thuật số là 111,4 tỷ USD; Vương quốc Anh là 69,2 tỷ USD; và Liên minh châu Âu (EU), không bao gồm Ireland, là 33,2 tỷ USD.
Những con số trên không thể so sánh trực tiếp với dữ liệu của Nhật Bản vì chúng bao gồm các mục khác nhau. Nhưng theo chuyên gia Karakama, đất nước Mặt trời mọc có thâm hụt kỹ thuật số lớn nhất trong số các thành viên của OECD.
Cán cân tài khoản vãng lai của Nhật Bản, bao gồm các giao dịch và đầu tư ở nước ngoài, đã đạt mức thặng dư hơn 20.000 tỷ Yen vào năm 2023. Ngay cả khi thâm hụt kỹ thuật số tăng lên, thặng dư thu nhập chính lớn mà Nhật Bản kiếm được từ các khoản đầu tư ở nước ngoài vẫn giúp cán cân thanh toán chung ở mức dương.
Tuy nhiên, quốc gia này này đã thâm hụt gần 10.000 tỷ Yen về hàng hóa và dịch vụ. Điều này cho thấy Nhật Bản không tạo ra và bán đủ sản phẩm có lợi nhuận ở nước ngoài để xứng đáng với chi phí chuyển đổi số.
Sách trắng năm 2024 về nền kinh tế và tài chính công của nước này cho biết “mục tiêu không phải là giảm thâm hụt mà là tăng cường sức mạnh kiếm tiền của các lĩnh vực tăng trưởng tiềm năng của quốc gia, chẳng hạn như ngành công nghiệp nội dung, qua đó khuyến khích sự phát triển của các dịch vụ liên quan”.
Chuyên gia thuộc Viện nghiên cứu Mitsubishi Naoki Nishikado nhận định, khi các công ty chuyển đổi sang kỹ thuật số, họ không chỉ nên cải thiện hiệu quả mà còn “gắn kết điều đó với giá trị gia tăng, chẳng hạn như phát triển các sản phẩm mới và kênh bán hàng bên ngoài cho các sản phẩm của họ”.
Ông Nishikado nhìn thấy triển vọng trong những lĩnh vực mà Nhật Bản vốn đã có sức cạnh tranh, chẳng hạn như ô tô và máy móc công nghiệp, cũng như các ngành công nghiệp hướng đến thị trường trong nước đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động, bao gồm chăm sóc điều dưỡng và du lịch.