Trong nỗ lực chật vật để tìm biện pháp giải quyết tình trạng dân số đang lão hóa với tốc độ nhanh chóng, các nhà hoạch định chính sách Nhật Bản đang dự kiến triển khai các biện pháp để tăng số lao động nước ngoài tại Nhật Bản mà không phải gọi đó là “chính sách nhập cư”.
Tình trạng dân số già khiến Nhật Bản thiếu lao động trầm trọng. (Nguồn: WSJ) |
Thiếu hụt lao động trầm trọng
Nhập cư là một chủ đề cực kỳ nhạy cảm tại Nhật Bản vì đây là nơi những người có tư tưởng bảo thủ đề cao đặc tính đồng nhất của nền văn hóa. Hơn nữa, các chính trị gia nước này cũng lo ngại những quyết sách về nhập khẩu lao động có thể sẽ khiến họ mất đi lá phiếu ủng hộ của những cử tri là người lao động Nhật Bản lo sợ nguy cơ mất việc.
Thế nhưng, thực tế một thị trường khan hiếm lao động và lực lượng lao động giảm xuống mức thấp nhất từ trước đến nay đang khiến những nhà hoạch định chính sách của Chính quyền Thủ tướng Shinzo Abe phải cân nhắc lại quan điểm gây tranh cãi có động cơ chính trị này.
Trong một động thái thể hiện dấu hiệu cho sự thay đổi quan điểm, ngày 26/4, các thành viên cấp cao của một ủy ban thuộc LDP đã đề nghị mở rộng danh mục các loại công việc dành cho lao động nước ngoài và tăng gấp đôi số lao động nước ngoài tại Nhật Bản, hiện xấp xỉ một triệu người.
Không giống Mỹ, nơi mà ứng cử viên Tổng thống Donald Trump đưa vấn đề nhập cư vào trong chương trình tranh cử, hồ sơ của Nhật Bản về lĩnh vực nhập cư hầu như rất ít. Đối với người Nhật, việc tạo ra sự đa dạng về văn hóa và chủng tộc dường như là một mối đe dọa lớn hơn so với những nơi khác. Và trong khi Nhật Bản đứng ngoài vụ khủng hoảng nhập cư ở châu Âu, những cuộc tranh cãi về vấn đề này đã giúp bao che cho quan điểm của Tokyo.
Các nghị sĩ LDP đã đưa ra các đề xuất về nhập cư cách đây gần một thập kỷ nhưng tất cả những đề xuất đó đều rơi vào im lặng. Tuy nhiên, kể từ đó, tình trạng thiếu hụt lao động ngày một trầm trọng và các dự đoán về nhân khẩu học ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn. Hoạt động kinh tế gia tăng kể từ khi ông Abe cầm quyền hồi tháng 12/2012 gồm chương trình tái thiết sau thảm họa sóng thần- động đất năm 2011 và các dự án xây dựng bùng nổ chuẩn bị cho Olympic 2020 khiến nhu cầu lao động tại nước này tăng lên mức cao nhất trong vòng 24 năm qua. Tình trạng này đã giúp tăng số lao động nước ngoài tại Nhật Bản, trong đó lao động Trung Quốc chiếm tới 1/3, là quốc gia có số lao động tại Nhật Bản cao nhất. Tiếp theo là Việt Nam, Philippines và Brazil.
Người quyết liệt, kẻ dè dặt
Tuy nhiên, các điều kiện nghiêm ngặt về visa hạn chế lao động nước ngoài tay nghề thấp vào Nhật Bản đã khiến lao động nước ngoài chỉ chiếm khoảng 1,4% lực lượng lao động tại quốc gia này, thấp so với mức 5% hoặc thậm chí cao hơn tại các nền kinh tế phát triển khác theo thống kê của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
Đến nay, các biện pháp thu hút lao động nước ngoài tập trung vào nới lỏng điều kiện nhập cảnh dành cho các lao động tay nghề cao và mở rộng hệ thống tu nghiệp sinh vốn được lập ra để chia sẻ công nghệ với các nước đang phát triển, song đang bị chỉ trích là một hình thức luồn lách để khai thác nguồn lao động giá rẻ.
Lần này, các đề nghị do lãnh đạo ủy ban của LDP đưa ra đi xa hơn, đề nghị tăng số người nước ngoài được nhận vào làm các ngành nghề đang thiếu hụt lao động như điều dưỡng và nông nghiệp, lần đầu với thời hạn 5 năm và được phép gia hạn visa. Họ cũng đề xuất lập khung cơ chế cho phép tăng gấp đôi số lao động nước ngoài từ mức 908.000 người hiện nay và khái niệm “lao động tay nghề thấp” sẽ bị bãi bỏ.
Lực lượng lao động nước ngoài ở Nhật Bản ngày càng tăng. (Nguồn: WSJ) |
Tuy nhiên, do liên quan đến một vấn đề mang tính nhạy cảm, đặc biệt là trước khi kỳ bầu cử Thượng viện diễn ra vào mùa Hè tới, người đứng đầu Ủy ban, ông Yoshio Kimura, nhấn mạnh đề nghị này không nên bị hiểu sai đây là chính sách nhập cư và các bước thực hiện cần phải được cân đối với bất kỳ tác động tiêu cực nào đến an toàn của người dân và vấn đề việc làm.
Sau một cuộc tranh luận nảy lửa mà một nghị sĩ tuyên bố rằng “kế hoạch trên sẽ xé nát Nhật Bản”, các thành viên nhất trí để các nhà tổ chức của Ủy ban quyết định xem liệu có nên sửa đổi đề xuất trên hay không. Các chuyên gia cho rằng, những thay đổi đang được thực hiện không tính đến vấn đề câu chữ. Người từng đứng đầu cơ quan nhập cư Tokyo Hidenori Sakanaka nói rằng, “Chính phủ khăng khăng không thông qua một chính sách nhập cư nhưng dù nói theo kiểu nào thì trong bối cảnh đối mặt với tình trạng dân số đang giảm sút mạnh, Chính phủ đang thay đổi quan điểm và bắt đầu hướng tới một chính sách nhập cư trên thực tế”.
Hai thành viên Nội các và một số thành viên trong Ủy ban của LDP đã ủng hộ thông qua chính sách nhập cư. Cố vấn của Ủy ban, ông Seichiro Murakami nhấn mạnh: “Vấn đề cơ bản của kinh tế Nhật Bản là tốc độ tăng trưởng tiềm năng ở mức thấp” và “để thay đổi điều này thì cải cách cơ cấu quy mô lớn, trong đó bao gồm cả chính sách nhập cư, là điều cần thiết”.
Nikkei - tuần san có uy tín của Nhật Bản đã gọi chiến dịch tăng trưởng dựa trên lao động nước ngoài là “imin-omics”, một cách chơi chữ dựa trên tên gọi chính sách kinh tế Abenomics của Thủ tướng Abe vì trong tiếng Nhật “imin” có nghĩa là “người nhập cư”. Tuy nhiên, cho đến nay, ông Abe vẫn ưu tiên việc thuyết phục nữ giới và người già tham gia lực lượng lao động, tăng tỷ lệ sinh và công khai bác bỏ bất cứ chính sách nhập cư nào.
Cánh tay phải của ông Abe, Chánh văn phòng Nội các Yoshihide Suga, nói rằng các cuộc tranh cãi về tăng lao động nhập cư nên để sau và “chúng ta đang tìm cách huy động nguồn lực lao động từ nữ giới và người già ở mức cao nhất. Tuy nhiên, bên cạnh đó, chúng ta cũng cần thừa nhận rằng chấp nhận lao động nước ngoài là một vấn đề quan trọng”. Ông cho rằng, các cuộc tranh cãi trong tương lai sẽ cân nhắc vấn đề quy chế cư trú lâu dài dành cho các lao động nước ngoài tay nghề thấp song vẫn cần phải thận trọng.