📞

Nhật Bản: Thiếu trẻ em, khó bền vững

14:00 | 20/05/2018
Trong khi Mỹ và các nước phương Tây lo ngại việc robot sẽ chiếm mất việc làm của con người, thì Nhật Bản lại lo điều ngược lại: không có người để làm việc. Cũng vì vậy mà Nhật Bản hiện là quốc gia có nhiều robot nhân dạng nhất thế giới.

Thực tế, tỷ lệ trẻ sơ sinh tại Nhật Bản đang giảm ở mức báo động. Vấn đề này nếu còn tiếp diễn sẽ gây ảnh hưởng nặng nề đến mọi phương diện, từ kinh tế tới xã hội... Theo số liệu của Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản, tỷ lệ này đã giảm mạnh liên tiếp suốt 37 năm qua. Tính đến ngày 1/4/2018, “đất nước mặt trời mọc” chỉ có 15,53 triệu trẻ em dưới 14 tuổi, giảm hơn 170.000 trẻ so với năm trước đó. Nhật Bản hiện có 126 triệu dân, nhưng trẻ em chỉ chiếm 12,3%. Tỷ lệ này ở Mỹ là 18,9%, ở Trung Quốc là 16,8% và ở Ấn Độ là 30,8%.

Chính phủ Nhật quy định tuổi trẻ em là từ 14 trở xuống. Số lượng trẻ trong độ tuổi từ 12 đến 14 là nhiều nhất – khoảng 3,26 triệu trẻ trên toàn nước Nhật, cho thấy tình trạng suy giảm này sẽ không dừng lại, mà sẽ còn kéo dài thêm nhiều năm nữa.

Mặc dù chính quyền của Thủ tướng Shinzo Abe đã nỗ lực khuyến khích người dân Nhật Bản đẻ thêm con, thế nhưng duy chỉ có ở thủ đô Tokyo là tỷ lệ trẻ sơ sinh tăng so với năm ngoái. Theo Japan Times, Chính phủ đang cố gắng thúc đẩy tăng tỷ lệ sinh - theo đó mỗi phụ nữ dự kiến sinh trung bình từ 1,45 con năm 2015 lên 1,8 con vào cuối năm 2025 cùng với các biện pháp hỗ trợ tiền mặt và các ưu đãi xã hội khác như miễn học phí mẫu giáo, trung học tư thục và đại học.

Số lượng trẻ em ở Nhật Bản giảm tới mức kỷ lục. (Nguồn: Reuters)

Nguyên nhân ở đâu?

Các nhà kinh tế học đã chỉ ra một số lý do cơ bản của việc già hóa dân số tại Nhật Bản như quá nhiều phụ nữ đi làm; chi phí chăm sóc trẻ em ngày càng đắt đỏ và số lượng người độc thân không có nhu cầu lập gia đình tăng lên không ngừng.

Tuy vậy, những lý do trên chỉ làm nền cho nguyên nhân lớn nhất mà hầu như ai cũng biết khi nói về Nhật Bản: đó là sức ép công việc quá nặng nề. Giới thanh niên Nhật mơ về một công việc ổn định, với mức lương tăng dần tại các tập đoàn lớn và làm việc ở một nơi cho tới lúc nghỉ hưu và đủ sức hỗ trợ gia đình.

Thế nhưng, giấc mơ không phải là đời thực. Jou Matsubara làm nhân viên tại một tập đoàn kiến trúc. Khi ký hợp đồng lao động, công việc của Matsubara kết thúc lúc 7 giờ tối, nhưng hầu như hàng ngày, anh đều phải làm việc tới tận khuya. Tất nhiên, trong sổ chấm công, ngày làm việc của Matsubara và các nhân viên khác luôn kết thúc vào 7 giờ tối. Không chỉ bị vắt kiệt sức trong những ngày làm việc mà thậm chí cả trong những ngày nghỉ, công ty cũng buộc Matsubara phải tham gia các lớp học nâng cao nghiệp vụ.

Với những áp lực về giờ giấc và khối lượng công việc, Matsubara cho biết anh không còn thời gian để đi hẹn hò, nói gì đến việc lấy vợ và sinh con. Áp lực công việc không chỉ lấy đi thời gian mà còn gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe tinh thần của anh, khiến anh mất ngủ triền miên và gặp các bệnh lý khác về thần kinh, tới mức công ty buộc anh phải thôi việc. Mất việc làm, sức khỏe yếu, khoản tiền lao động ít ỏi dành dụm được nay anh phải mang ra thanh toán chi phí sử dụng ký túc xá của công ty, vốn được cấp cho nhân viên. Matsubara cũng cho biết, trong số 800 người cùng vào làm việc với anh tại tập đoàn, khoảng 600 người đã bỏ việc hoặc bị sa thải.

Yếu tố không bền vững

Trừ phi tỷ lệ sinh ở Nhật tăng lên, nếu không, lựa chọn duy nhất để nước này tăng dân số là mở cửa đón người nhập cư. Dù hiện có một lực lượng lao động nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại Nhật, song các chính trị gia nước này đến nay vẫn chưa bàn đến chủ đề nhập cư. Theo số liệu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), năm 2013, năm cuối cùng có dữ liệu về nhập cư, người nước ngoài chỉ chiếm 1,3% dân số Nhật Bản, so với 7% ở Mỹ, hay 16,1% ở Estonia…

Theo dự báo của Bộ Y tế Nhật Bản, đến năm 2060, dân số nước này dự kiến sẽ giảm xuống 86,74 triệu người, giảm gần 1/3 dân số so với 126,26 triệu người hiện tại. Ít lao động sẽ kéo theo ít người đóng thuế trong khi chính phủ phải chi trả lương hưu cho một thế hệ dân số già ngày càng tăng và trang trải các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cộng đồng, trong đó người già chiếm đa số. Với viễn cảnh này, nền kinh tế Nhật sẽ đối mặt với thách thức chưa từng có.

Việc thiếu nhân công mới một phần là do mức độ bất bình đẳng giới ở Nhật Bản, theo một báo cáo gần đây của OECD. Hiện nay, mức chênh lệch lương theo giới tính ở Nhật là 25%, đứng thứ ba trong các nước thành viên OECD. Và phụ nữ cũng thường gặp phải không ít khó khăn khi đi làm, như không có thời gian chăm sóc trẻ, bị phân biệt đối xử và dễ bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc.

Kinh tế ngày càng trì trệ, người lao động hiện nay vì công việc mà bỏ quên cuộc sống của mình, người lao động trong tương lai đang dần biến mất do một phần hậu quả từ hiện tại. Cứ đà này, trong tương lai, Nhật Bản sẽ trở thành “đất nước mặt trời lặn”, nếu chính phủ Nhật Bản không có các biện pháp quyết liệt làm thay đổi tình hình.

(tổng hợp)