TIN LIÊN QUAN | |
Nhật Bản: Rực rỡ sắc màu Kimono trong lễ trưởng thành của các thiếu nữ | |
Hoa hậu và Á hậu Việt Nam rạng rỡ tại Nagasaki |
Trong một phân xưởng trăm năm tuổi nằm lặng lẽ tại một khu dân cư yên bình trong lòng thành phố Tokyo, Nhật Bản, nghệ nhân Yuichi Hirose, 39 tuổi, đang tỉ mỉ nhuộm màu từng chi tiết trên một tấm vải may kimono. Anh cố gắng sáng tạo hoa văn mang màu sắc hiện đại để làm mới bộ trang phục truyền thống đang dần bị "thất sủng".
Nhu cầu đặt may kimono ngày càng giảm khi bộ trang phục này không có nhiều tính ứng dụng mà gần như chỉ được sử dụng để trang trí tủ quần áo. Tuy nhiên, một số thợ thủ công tâm huyết như anh Hirose đang cố gắng hồi sinh ngành nghề truyền thống này.
"Kimono đã trở thành điều gì đó rất xa lạ với cuộc sống thường ngày", Hirose trầm ngâm. Mặc dù nghề may kimono không còn kiếm được nhiều lợi nhuận như trước, anh vẫn quyết định nối nghiệp gia đình sau khi tốt nghiệp đại học.
Nghệ nhân Hirose đang nhuộm vải may kimono. (Nguồn: AFP) |
Từ hoa anh đào đến hình đầu lâu
Chuyên môn của Hirose là "Edo Komon" - nghệ thuật nhuộm thủ công bằng cách tô khuôn giấy washi để làm ra họa tiết kimono. Đây là kỹ thuật đã có từ thời Edo, khoảng thế kỷ 17 đến cuối thế kỷ 19. Theo Hirose, chỉ những nghệ nhân cao tay nghề mới có khả năng thực hiện kỹ thuật nhuộm công phu này.
Trong bối cảnh hiện nay, họ đối mặt với thách thức cải tiến nhằm thổi hơi thở hiện đại vào hoa văn trang trí kimono. Về phần mình, Hirose đã có những sáng tạo độc đáo như sử dụng họa tiết đầu lâu hoặc cá mập thay cho hoa anh đào và những chú hạc trắng.
Từ việc là một bộ trang phục không thể thiếu trong các tủ quần áo của người Nhật, kimono giờ đây chỉ còn được trông thấy trong những dịp đặc biệt, ví dụ như đám cưới, và chỉ phụ nữ là còn có thói quen mặc kimono. Ngày càng ít người Nhật có nhu cầu đặt may bộ trang phục truyền thống này vì nó không chỉ đắt đỏ, khó mặc, khó bảo quản mà còn không ứng dụng được trong đời sống thường nhật.
Theo Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật, ngành may mặc kimono hiện đại đạt đỉnh vào năm 1975 với thị trường trị giá 1.800 tỷ Yen (tương đương gần 1.640 tỷ USD). Tuy nhiên đến năm 2008, con số này chỉ còn 406,5 tỷ Yen và xuống còn 278,5 tỷ Yen vào năm 2016.
Kimono Nhật không còn được ưa chuộng vì không có tính thực tiễn cao. (Nguồn: AP) |
"Có quá nhiều lý do khiến kimono không còn được ưa chuộng. Chúng ta phải tìm cách làm bộ trang phục truyền thống này rẻ và tiện dụng hơn, như vậy mới có nhiều người trẻ mua kimono", ông Takatoshi Yajima, phó chủ tịch Hiệp hội Quảng bá Kimono Nhật, cho biết. Trong vòng 15 năm qua, khách hàng của ông Yajima tăng gấp đôi vì những bộ kimono giá rẻ, dưới 100.000 Yen (900 USD).
Đưa kimono trở lại sàn diễn
Một bộ kimono hoàn chỉnh bao gồm lớp áo trong gọi là "nagajuban", áo choàng ngoài và một chiếc khăn thắt lưng dày. Để hoàn chỉnh bộ trang phục, người mặc kimono mang một đôi vớ xỏ ngón trắng "tabi" cùng đôi sandal truyền thống "zori".
Tuy nhiên, ngoài những thành phần cơ bản trên, nhà thiết kế Jotaro Saito cho rằng có thể cải tiến kimono theo nhiều cách khác nhau để tạo sự mới lạ.
"Điều gì là hợp thời và không hợp thời thay đổi mỗi năm. Sẽ là một sai lầm nếu kimono không chịu đổi mới trong khi mọi thứ xung quanh đều thuận theo guồng quay của đời sống. Kimono không phải là thứ cũ kỹ, mặc bộ trang phục này nên đem lại cảm giác thích thú và ấn tượng", ông Saito nói.
Các thiết kế của anh Jotaro Saito tại tuần lễ thời trang Tokyo. (Nguồn: Hina P. Ansari) |
Tại tuần lễ thời trang Tokyo tháng 3, nhà thiết kế Saito, người tự nhận là "kẻ đón nhận rủi ro", đã trình diễn bộ sưu tập kimono cho cả nam và nữ giới với nhiều sáng tạo phá cách trong việc phối hợp các họa tiết và màu sắc trộn lẫn với những yếu tố truyền thống.
"Tôi muốn giới thiệu một bộ trang phục mà mọi người đều có thể thấy thích thú khi mặc", Saito nói.
Trong khi người Nhật ngày càng ít mặc kimono, dịch vụ cho người nước ngoài thuê bộ trang phục truyền thống này lại nở rộ. Họ trả trung bình 9.000 Yen (82 USD) để được mặc một bộ kimono có giá khoảng 300.000 Yen (2.700 USD).
"Kimono là một phần của nền văn hóa màu sắc Nhật Bản. Tôi vô cùng muốn được một lần mặc nó, đây thực sự là một niềm vinh hạnh", cô Ruby Francisco, 33 tuổi, người Hà Lan, nói.
Không thể cạnh tranh với công nghệ, nhiều nghề sắp biến mất Từ kéo xe đến in ấn, nhiều nghề nghiệp truyền thống trên thế giới sắp trôi vào dĩ vãng do không thể cạnh tranh với ... |
Dệt tương lai từ nghề truyền thống Một buổi chiều cuối năm, gió bấc se lạnh nơi miền biên ải, đoàn chúng tôi vượt hàng trăm cây số đến thăm làng dệt ... |
Người đứng sau vẻ đẹp của chính khách Họ có thể chỉ là một thợ may, một nhà tạo mẫu, một người cố vấn bình thường nhưng công việc của họ chắc hẳn ... |