Đây là dấu hiệu cho thấy nền kinh tế lớn thứ ba thế giới đang trên đà phục hồi dù còn chậm.
Cụ thể, tỷ lệ thất nghiệp của Nhật Bản ở mức 2,7% trong tháng 11 vừa qua, trong khi tỷ lệ số việc làm/ứng viên tăng nhẹ lên mức 1,56 (có sẵn 156 việc làm cho mỗi 100 người tìm việc), mức cao nhất trong gần 44 năm qua.
Tỷ lệ thất nghiệp Nhật Bản chạm mức thấp nhất từ năm 1993. (Nguồn: Nikkei) |
Số liệu trên được công bố trong bối cảnh Nhật Bản đã ghi nhận 7 quý kinh tế tăng trưởng liên tiếp, chuỗi dài nhất trong 16 năm qua, khi sự kiện Thế vận hội Olympic 2020 cũng góp phần thúc đẩy tăng trưởng.
Ông Masaki Kuwahara, chuyên gia kinh tế cấp cao của Nomura Securities, nhận định rằng, kinh tế Nhật Bản được dự đoán sẽ tiếp tục tăng trưởng trong nửa đầu năm 2018.
Số liệu khác được công bố cùng ngày cho thấy, trong tháng 11/2017, giá tiêu dùng của Nhật Bản cũng ghi nhận tháng thứ 11 tăng liên tiếp, nhưng lạm phát lõi chỉ ở mức 0,9%, vẫn còn xa mức mục tiêu 2% mà Ngân hàng trung ương Nhật Bản đề ra, là mức lạm phát được cho là cần thiết để có thể vực dậy nền kinh tế lớn thứ ba thế giới.
Tuy nhiên, tình hình lạm phát vẫn có những dấu hiệu tích cực, khi trong tháng 11, chi tiêu hộ gia đình, (vốn được xem là nhân tố chủ chốt trong việc thoát khỏi tình trạng giảm phát) đã tăng 1,7% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn nhiều so với con số dự đoán tăng 0,5% của thị trường.
Mặc dù vậy, ông Kuwahara cảnh báo rằng, lạm phát gia tăng nhưng không đi kèm với tăng trưởng tương xứng của tiền lương sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu trong nước và gây tổn hại cho nền kinh tế.
Chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe đang hối thúc các doanh nghiệp lớn tăng tiền lương cho nhân viên.