📞

Nhật Bản với G20: Được dịp phất cờ

Dịch Dung 10:36 | 30/06/2019
TGVN. Nhật Bản và Thủ tướng Shinzo Abe đã tận dụng triệt để dịp này để phất cờ sau khi được G20 trao cờ. Phía Nhật Bản được lợi đơn ích kép. Nhưng cả G20 hiện tại cũng vậy. Phân tích của Báo Thế giới & Việt Nam.
Biếm hoạ của Paresh Nath, báo The Khaleej Times, UAE.

Nhật Bản tổ chức Hội nghị cấp cao thường niên năm nay của nhóm G20 tại thành phố Osaka là sự kiện quốc tế quy mô và tầm vóc lớn nhất từ trước tới nay mà nước này đăng cai tổ chức.

Chẳng gì thì những thành viên tham dự sự kiện cũng là lãnh đạo những nền kinh tế lớn nhất và quan trọng nhất của thế giới. 19 nền kinh tế hiện diện ở sự kiện - thành viên thứ 20 là EU - chiếm tỷ trọng hơn 70% GDP của cả thế giới. Nhật Bản tổ chức sự kiện này trên cương vị chủ tịch luân phiên của nhóm G20. Được trao cờ nên Nhật Bản triệt để tận dụng cơ hội để phất cờ.

Nhật Bản: Dấu ấn riêng

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã không quá lời khi cho rằng Nhật Bản đã thành công với việc tổ chức sự kiện lớn này. Xem xét 3 phương diện sau đây sẽ có thể thấy được rằng ông Abe đã có lý.

Thứ nhất, hội nghị cấp cao của G20 đã diễn ra theo kịch bản của nước chủ nhà và đã kết thúc với việc thông qua tuyên bố chung. Bản tuyên bố chung này của hội nghị được nhất trí ở phút chót của hội nghị, cứu hội nghị này không trở thành hội nghị cấp cao thường niên đầu tiên kết thúc mà không thông qua được tuyên bố chung kể từ khi khuôn khổ diễn đàn G20 được nâng lên thành hội nghị cấp cao thường niên lần đầu tiên vào năm 2008. Không có tuyên bố chung, hội nghị cấp cao thường niên của nhóm G20 không thể được coi là thành công.

Bản tuyên bố chung này có 43 điểm nội dung. Trong đó có một vài điểm phải dùng đến công thức "19+1" như đã được sử dụng tại hai lần cấp cao trước đó của G20 ở Đức năm 2017 và ở Argentina năm 2018 để phía Mỹ đồng ý ký vào tuyên bố chung như về nội dung thúc đẩy tự do hoá thương mại trên phạm vi toàn thế giới, về bảo vệ khí hậu trái đất hay về vấn đề người tỵ nạn và nhập cư. Nhưng phần lớn những nội dung khác được tất cả 20 thành viên của nhóm G20 nhất trí thông qua, vừa đề cập đến đầy đủ hết mọi lĩnh vực được quan tâm chung trong G20 vừa mang đậm dấu ấn riêng của Nhật Bản như về nền kinh tế số, về xử lý rác thải nhựa trong các đại dương, vấn đề xã hội với tình trạng dân cư già nua, về phát triển cơ sở hạ tầng và thúc đẩy hợp tác phát triển.....

Có thể thấy được là G20 ở Osaka không hề thua kém G20 năm ngoái ở Argentina trên mọi phương diện, nếu như không muốn nói là còn có phần hơn. Nhưng trên phương diện dấu ấn riêng của nước chủ nhà thì Nhật Bản năm nay hơn hẳn Argentina năm ngoái. Cả về thúc đẩy thương mại tự do trên thế giới và cải tổ Tổ chức thương mại thế giới (WTO) cũng đều ẩn hiện dấu ấn riêng của Nhật Bản.

Thứ hai, bản thân hội nghị cấp cao thì như thế trong khi các cuộc gặp song phương bên lề sự kiện lớn này lại còn rất sôi động và rất thành công. Đương nhiên, đáng chú ý đến nhất và cũng quan trọng nhất là cuộc gặp giữa tổng thống Mỹ Donald Trump với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và giữa ông Trump với tổng thống Nga Vladimir Putin. Thế giới bên ngoài có thể thở phào nhẹ nhõm chút chút khi thấy ba vị này thể hiện rất thân thiện với nhau ở Osaka. Những cuộc trao đổi giữa họ với nhau ở Osaka cho thấy xung khắc thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã được giảm căng thẳng và gay cấn, đã được "đặt lên đường ray để chuyển động hướng tới giải pháp", báo hiệu quan hệ giữa Nga và Mỹ cũng sẽ không tồi tệ thêm, sự hợp tác giữa Mỹ, Nga và Trung Quốc ám chỉ là mọi điểm nóng về chính trị an ninh trên thế giới vẫn ở trong tầm kiểm soát của họ như Triều Tiên hay Venezuela, Iran hay Syria..... Tất cả những cuộc gặp song phương này đều đóng góp rất quan trọng vào kết quả chung của sự kiện và đều giúp cho sự kiện lớn thêm thành công.

Thứ ba, Nhật Bản không chỉ điều hành hội nghị cấp cao mà còn có những cuộc tiếp xúc song phương giữa thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và lãnh đạo các đối tác quan trọng nhất của Nhật Bản. Ông Trump, ông Tập Cận Bình, ông Putin, tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, tổng thống Pháp Emmanuel Macron.... Đáng chú ý nhất ở đây có hai chuyện.

Nhật Bản: Lợi đơn ích kép

Thứ nhất là ông Abe đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trong trao đổi với ông Tập Cận Bình, ông Putin và ông Macron. Với ông Tập Cận Bình và ông Putin, ông Abe đặt được nền tảng mới cho thúc đẩy quan hệ song phương, đặc biệt cho quan hệ giữa Nhật Bản và Trung Quốc, mở đường cho ông Tập Cận Bình tới thăm Nhật Bản trong năm 2020. Với ông Macron, ông Abe đạt được thoả thuận về hợp tác và liên kết vì "khu vực Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương không có bá quyền". Hai vị này không nêu đích danh ai bá quyền nhưng ai cũng biết họ ám chỉ ai.

Thứ hai, ông Abe phải rất khôn khéo và uyển chuyển với ông Trump và ông Tập Cận Bình. Ông Abe rất tranh thủ ông Trump nhưng lại phải dung hoà quan điểm giữa ông Trump với đa số các thành viên khác để sự kiện lớn không trở thành hội nghị một đằng và riêng ông Trump một kiểu. Tương tự như vậy khi ông Abe phải vừa tranh thủ ông Tập Cận Bình vừa củng cố những tập hợp lực lượng bao gồm những đối tác có cùng mối nghi ngại và xung khắc lợi ích chiến lược với Trung Quốc.

Nhật Bản và ông Abe đã tận dụng triệt để dịp này để phất cờ sau khi được G20 trao cờ. Phía Nhật Bản được lợi đơn ích kép. Nhưng cả G20 hiện tại cũng vậy.

Dịch Dung