Hình ảnh một phụ nữ Afghanistan buồn bã nhìn ra ngoài cửa sổ. (Nguồn: unwomen) |
Luật trên của Afghanistan được cho là hạn chế quyền của phụ nữ, “làm suy yếu” những nỗ lực tái hòa nhập đất nước này với cộng đồng quốc tế.
Tuyên bố của 12/15 quốc gia thành viên của hội đồng hôm 6/9 có đoạn: “Chúng tôi cực lực lên án sự phân biệt đối xử và áp bức giới tính có hệ thống liên tục của Taliban đối với phụ nữ và trẻ em gái ở Afghanistan”.
Chính quyền Taliban, lên nắm quyền ở Afghanistan vào năm 2021 nhưng vẫn chưa được bất kỳ quốc gia nào khác công nhận, đã công bố một đạo luật bị chỉ trích mạnh mẽ vào tháng 8. Luật này thắt chặt hơn nữa các hạn chế đối với cuộc sống của phụ nữ, bao gồm cả khả năng di chuyển của họ ở nơi công cộng.
Luật mới quy định rằng tiếng nói của phụ nữ không được phép vang lên bên ngoài ngôi nhà và phụ nữ không được hát hoặc đọc thơ thành tiếng.
Những người đàn ông và phụ nữ không có quan hệ họ hàng bị cấm nhìn nhau, và luật cũng quy định phụ nữ chỉ được rời khỏi nhà khi có “nhu cầu cấp thiết”.
Tuyên bố chung do đại sứ Nhật Bản tại Liên hợp quốc đọc, với sự ủng hộ của các nước Ecuador, Pháp, Guyana, Malta, Mozambique, Hàn Quốc, Sierra Leone, Slovenia, Thụy Sĩ, Anh và Mỹ. Nga, Trung Quốc và Algeria không tham gia tuyên bố.
Cuối tháng 8, Liên minh châu Âu (EU) ra tuyên bố bày tỏ phẫn nộ trước sắc lệnh mới được Taliban ban hành, được gọi là Luật về tuyên truyền đạo đức và ngăn chặn tệ nạn. Liên minh này cho rằng với sắc lệnh mới Taliban tự đẩy mình vào tình thế khó khăn hơn trong việc được cộng đồng quốc tế công nhận. Liên hợp quốc đã nhiều lần nhấn mạnh rằng việc Taliban muốn được công nhận thì họ phải chứng minh được rằng mình đã thay đổi, tôn trọng quyền con người và các giá trị phổ quát.