Ảnh minh họa |
Chỉ trong vòng 2 tháng, vi khuẩn listeria có trong loại dưa cantaloupe đã làm 72 người nhiễm bệnh trên 18 bang của nước Mỹ. Mặc dầu các vụ bùng phát bệnh do vi khuẩn listeria gây ra là hiếm thấy, nhưng nó thực sự nguy hiểm, bởi đây là loại vi khuẩn gây tử vong cho nhiều người hơn các khuẩn thông thường khác trong thực phẩm, như salmonella hay E. Coli.
Khuẩn listeria là gì?
Đó là một loại vi khuẩn tồn tại trong thức ăn, thường được phát hiện trong thịt hay các loại thực phẩm khác đã qua chế biến. Thường thì ít khi listeria được tìm thấy trong rau quả, nhưng rõ ràng lần này là ngoại lệ. Thêm nữa, listeria sống rất dai. Vi khuẩn này có thể bị tiêu diệt khi thực phẩm được nấu chín hoặc tiệt trùng nhưng lại có thể sống trong môi trường lạnh và có thể "chạy" sang các thực phẩm khác và sinh sôi nảy nở nếu chúng được để chung trong tủ lạnh.
Theo điều tra của giới chức y tế Mỹ, các trái dưa cantaloupe nhiễm vi khuẩn xuất xứ từ nông trại Jensen ở tiểu bang Colorado. Nông trại Jensen cho biết họ đã bán loại dưa mang nhãn hiệu Rocky-Ford cho 25 bang và sẽ cố gắng thu hồi chúng. Tuy nhiên, việc này là rất khó. Theo các báo cáo, những trường hợp tử vong ở 18 bang đa số không nằm trong danh sách các địa điểm phân phối của Jensen.
Bệnh nhân nhiễm listeria có triệu chứng gì?
Trong khoảng từ 6h đến 10 ngày sau khi nhiễm, người bệnh sẽ có các triệu chứng giống như bị cảm cúm - sốt, đau mỏi cơ, buồn nôn, đi ngoài, và tử vong. Nếu khuẩn lên đến hệ thần kinh, sẽ có thêm các triệu chứng như đau đầu, co giật. Với những người có hệ miễn dịch yếu, nhiễm listeria có thể dẫn tới viêm phổi, nhiễm trùng máu và viêm màng não. Tỉ lệ tử vong là 1/5.
Giám đốc CDC Thomas Frieden cho rằng dịch bệnh lần này sẽ kéo dài trong vài tuần vì thời kỳ ủ bệnh có thể kéo dài một tháng hoặc nhiều hơn. Thậm chí ăn dưa tuần trước thì phải tháng tới mới phát bệnh.
Đã từng có những đợt bùng phát dịch bệnh do khuẩn listeria nào đáng chú ý?
Năm 1998, 21 người đã chết trong lần bùng phát bệnh do nhiễm khuẩn listeria có trong xúc xích và thịt. Trước đó, là đợt bùng phát dịch bệnh khá nghiêm trọng vào năm 1985 khiến 52 người chết, do listeria có trong phó mát. Ngoài ra, listeria cũng một vài lần được phát hiện trong giá đỗ và cần tây.
Đối tượng nào dễ nhiễm?
Cũng giống như cúm, những đối tượng dễ bị nhiễm khuẩn nhất là trẻ em, người già và những người có hệ thống miễn dịch kém. Đặc biệt, phụ nữ mang thai nhiễm khuẩn có nguy cơ sẩy thai, sinh non hoặc tử vong trẻ em sau khi sinh.
Làm thế nào để tránh nhiễm khuẩn?
Để điều trị bệnh do nhiễm khuẩn listeria, người ta sử dụng kháng sinh. Còn để phòng tránh nhiễm khuẩn, theo khuyến cáo của giới y tế, rửa kỹ dưa cantaloupe đã bị nhiễm khuẩn sẽ không có tác dụng, vì vi khuẩn có thể phát triển trong ruột quả dưa. Các quan chức khuyên những người lỡ mua phải dưa nhiễm khuẩn thì nên làm vệ sinh kỹ những nơi đã tiếp xúc với dưa. Chính quyền địa phương còn cảnh báo: "Nếu không phải là sản phẩm của trang trại Jensen thì không sao", Giám đốc CDC Thomas Frieden nói. "Nhưng nếu không thể xác định được quả đó có phải xuất xứ từ Jensen hay không thì tốt nhất là vứt nó đi".
Mai Anh