Nhiếp ảnh gia Giản Thanh Sơn. (Ảnh: NVCC) |
Nhân dịp triển lãm ảnh và ra mắt sách Không ảnh đảo và bờ biển Việt Nam, trò chuyện với TG&VN, xung quanh chuyện nghề và duyên nợ với những bức hình, nhiếp ảnh gia Giản Thanh Sơn tâm sự, có những bức ảnh ông bấm máy mà rưng rưng cảm xúc, đó là khi tác nghiệp ở vùng đảo Trường Sa. Mỗi hòn đảo như một cột mốc lãnh hải thiêng liêng khiến ông hân hoan, nghẹn ngào và tự hào.
Sách ảnh Không ảnh đảo và bờ biển Việt Nam dày gần 400 trang, in số lượng lớn tác phẩm mà nhà báo Giản Thanh Sơn chụp được từ trên không qua những chuyến bay cùng Trung đoàn Không quân trực thăng 917 (Sư đoàn Không quân 370) trong những đợt huấn luyện, ra Bắc vào Nam của đơn vị.
Sở hữu nhiều bộ ảnh độc nhất vô nhị về Việt Nam từ trên không, ông thường lấy cảm hứng từ đâu và gửi gắm thông điệp gì trong mỗi bức hình?
Tôi may mắn khi có mặt nhiều lần trong các chuyến bay huấn luyện quân sự của Trung đoàn Không quân 917 (thuộc Sư đoàn Không quân 370). Trên không trung nhìn xuống, tôi thực sự choáng ngợp trước vẻ đẹp quê hương, xúc động khi thấy đất nước thay da đổi thịt từng ngày, nhất là khi có dịp bay qua không phận miền Tây, nơi có quê hương tôi. Tất cả đẹp tựa bức tranh, với những cánh đồng thẳng tắp ở vùng đất mũi Cà Mau, thú vị khi bắt gặp một ngôi làng nhỏ hoặc khi bay qua những hòn đảo hoang sơ trên vùng biển đẹp hồn hậu, yên bình...
Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đến chúc mừng và tham quan triển lãm. (Nguồn: TT) |
Khi bay qua không phận TP. Hồ Chí Minh, nơi tôi đang sinh sống, tôi cảm nhận rõ rệt sự phát triển nhanh chóng của thành phố so với cách đây chục năm về trước. Giờ đây, chứng kiến các công trình xây dựng ồ ạt, với khu công nghiệp, đô thị mới, biệt thự mọc lên san sát, tôi càng cảm thấy tự hào.
Từ những trải nghiệm ấy mỗi ngày cho tôi thêm cảm xúc để kiên trì, rong ruổi trên không trung, đeo đuổi đề tài suốt 20 năm qua. Ra cuốn sách này, tôi muốn gửi đi thông điệp, đó là tiềm năng du lịch và kinh tế biển, chủ quyền biển đảo của Việt Nam. Từ thông điệp đó, tôi muốn chia sẻ với bạn bè quốc tế về khát vọng, chủ quyền của Việt Nam, cũng như giới thiệu về một Việt Nam hiền hòa, một đất nước mến khách, phong cảnh hữu tình, với những hòn đảo và bờ biển đẹp .
Bãi tắm Cửa Việt (Quảng Trị) trở nên huyền ảo hơn dưới tay máy Giản Thanh Sơn. |
20 năm với biết bao chuyến bay dọc chiều dài đất nước, ông có nghĩ mình may mắn khi có được cơ duyên chiêm ngưỡng vẻ đẹp biển đảo Việt Nam, mà không phải ai cũng có được?
Tôi không thể nhớ hết đã bay bao nhiêu chuyến, ngồi cùng bao nhiêu đời chỉ huy và phi công. Chỉ nhớ, tôi đã được các “chiến hữu” là các sĩ quan phi công, kỹ thuật dẫn đường hỗ trợ hết mình.
Tôi may mắn có cơ hội chiêm ngưỡng vẻ đẹp biển đảo Việt Nam ở một góc nhìn không mấy ai dễ dàng có được, đó là từ trực thăng quân sự. Vì vậy, tôi muốn ghi lại để chia sẻ với cộng đồng. Tôi đã thu vào ống kính của mình hàng nghìn phong cảnh khác nhau, mỗi nơi đều có một nét đẹp riêng, như đảo Phú Quý khác đảo Hòn Chuối, bờ biển Cam Ranh cũng có nét đẹp khác với Côn Đảo…
Có những bức ảnh tôi bấm máy mà rưng rưng cảm xúc, đó là khi tác nghiệp ở vùng đảo Trường Sa. Mỗi hòn đảo như một cột mốc lãnh hải thiêng liêng khiến tôi hân hoan, nghẹn ngào và tự hào.
Có khi nào ông nghĩ đến những giải thưởng khi theo đuổi đề tài không ảnh trong suốt 20 năm qua?
Tôi "cháy" hết mình với nghề vì đam mê chứ không nghĩ mình sẽ đoạt giải, đạt kỷ lục hay được vinh danh. Nhưng những cống hiến của mình cho quốc gia và cộng đồng được ghi nhận thực sự là niềm động viên, khích lệ lớn đối với tôi. Điều đó chứng tỏ việc làm của mình có ích, có sự lan tỏa và rất ý nghĩa.
Đi, viết và chụp ảnh là đam mê của tôi từ nhỏ. Tôi luôn học cách sống mạnh mẽ, vượt qua cái nghèo và quyết tâm theo đuổi đam mê của mình. Chính vì vậy, trong giai đoạn đầu làm báo với nhiều khó khăn, túng thiếu nhưng tôi quyết không từ bỏ nghề. Tôi luôn sống trong niềm đam mê, niềm khao khát được trải nghiệm, được ghi lại hình ảnh về những vùng đất mà mình đã đi qua.
Bãi biển Nhật Lệ (Quảng Bình) trong mắt Nhiếp ảnh gia Giản Thanh Sơn. |
Mục tiêu, thông điệp của tôi là giới thiệu với bạn bè quốc tế về vẻ đẹp, tiềm năng biển đảo, tiềm năng du lịch của Việt Nam. Đó là thông điệp hòa bình, đất nước hòa bình với phong cảnh tươi đẹp.
Thật sự, cái đẹp của thiên nhiên có sức mê hoặc đối với lòng người. Với tôi, cảm xúc luôn dâng trào mỗi khi nhắc đến biển đảo Trường Sa và Hoàng Sa kỳ vĩ – những mảnh đất thiêng liêng không thể tách rời của Tổ quốc.
Để thành công, hẳn quan niệm của ông về đạo đức nghề nghiệp khá khắt khe?
Theo tôi, trong mỗi ngành, mỗi nghề đều có đạo đức, đặc biệt là đạo đức trong nghề báo. Tôi luôn tâm niệm, người cầm bút trước hết phải tôn trọng đạo đức nghề nghiệp, làm thế nào để thể hiện được hết vai trò và chức năng của mình, không làm dơ bẩn ngòi bút, bẻ cong ngòi bút. Nói đúng hơn, một nhà báo chân chính, có tâm, có tầm với nghề nghiệp luôn tôn trọng đạo đức nghề nghiệp và biết sử dụng ngòi bút, ống kính máy ảnh phục vụ cho lợi ích quốc gia và cộng đồng.
Trong khi hành nghề, tôi không ngừng mày mò, sáng tạo, khám phá bản thân, hy sinh cho công việc và luôn dấn thân, quên đi nguy hiểm. Với tôi, đã chọn nghề nào thì phải chăm chút, làm việc đến nơi đến chốn, tận tâm tận lực, những cơ duyên trong đời cũng từ nghề mà ra. May mắn trong đời tôi cho đến giờ phần lớn là do bản thân tự nỗ lực mà có. Vì vậy, tôi luôn tin rằng, mỗi người hãy cứ nỗ lực hết mình với nghề thì sẽ gặt được "quả ngọt".
Và Bãi biển Quy Nhơn tuyệt đẹp. |
Cuối cùng, ông có thể tiết lộ đôi điều về bản thân và những đam mê nghề nghiệp?
Phải nói là tôi có duyên nợ với nghề báo và những bức hình ngay từ thuở bé. Nhớ lại, hồi nhỏ tôi được mẹ cho tiền lẻ để mua xôi ăn sáng. Tôi thích thú với những mẫu tin từ mảnh báo cũ dùng để gói xôi. Để rồi, tình yêu với nghề báo nhen nhóm từ đó và lớn lên từng ngày.
Yêu nghề, cháy với đam mê cùng những lần trải nghiệm trong nghề là động lực, hun đúc và khích lệ để tôi liên tục đào sâu suy nghĩ. Cùng với đó, chính vẻ đẹp của đất nước, của biển đảo đã giúp tôi thăng hoa cảm xúc cũng như sự sáng tạo của mình, gửi gắm vào mỗi tác phẩm tình yêu nước thiêng liêng của chính mình. Bởi vậy, Không ảnh đảo và bờ biển Việt Nam không phải thành quả hay tài sản riêng của cá nhân tôi, mà tôi muốn dành tặng cho mỗi người Việt Nam.
Đối với tôi, những bức hình là tài sản và tôi vẫn lấy đó làm niềm vui mỗi ngày, thay vì nghĩ đến chuyện “cơm áo gạo tiền”. Về vật chất chẳng giàu có gì nhưng bản thân tôi vẫn thấy đời mình đủ đầy, an nhiên với những tài sản về nghề.
Xin cảm ơn ông!
Nhà báo, Nhiếp ảnh gia Giản Thanh Sơn sinh năm 1957, Hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, Hội viên Hội Luật gia Việt Nam, Cử nhân văn khoa, Tiến sĩ danh dự của World Records University (WRU). Ông đã có 5 lần xác lập kỷ lục quốc gia về nhiếp ảnh - báo chí, đồng thời được Liên minh kỷ lục thế giới tại Ấn Độ, Mỹ và Anh vinh danh vì sự cống hiến cho quốc gia và cộng đồng. Dự án ảnh ký sự Không ảnh Đảo và Bờ biển Việt Nam của Giản Thanh Sơn được triển lãm tại Italy và Cộng hòa Cyprus vào năm 2015, dưới sự bảo trợ của Đại sứ quán Việt Nam tại Italy. Đặc biệt, dự án sách ký sự Không ảnh Đảo và Bờ biển Việt Nam đã được Hội Kỷ lục gia Việt Nam thẩm định và xác lập kỷ lục quốc gia trong năm 2015. |