Báo Thế giới & Việt Nam và Học viện Ngoại giao phối hợp tổ chức chương trình ‘Trò chuyện cùng nhà báo, nhiếp ảnh gia Nick Út’ ngày 26/10. (Ảnh: Anh Sơn) |
Tham dự chương trình có Ban lãnh đạo,Thư ký tòa soạn, các phóng viên, biên tập viên Báo Thế giới & Việt Nam cùng các giảng viên và nhiều sinh viên Khoa Truyền thông & Văn hoá đối ngoại, Học viện Ngoại giao.
Chương trình được tổ chức nhằm mục đích trau dồi cho các phóng viên, biên tập viên và sinh viên truyền thông những kỹ năng chụp ảnh, đưa tin bài, viết báo, cũng như sự tâm huyết, gắn bó với nghề báo từ nhà báo, nhiếp ảnh gia kỳ cựu Nick Út, người trẻ tuổi nhất trong lịch sử được trao giải thưởng báo chí Pulitzer danh giá với bức hình "Em bé Napalm" nổi tiếng.
Phát biểu mở đầu chương trình, Tổng biên tập Báo Thế giới & Việt Nam Nguyễn Trường Sơn gửi lời cảm ơn nhà báo, nhiếp ảnh gia Nick Út đã bớt một phần thời gian trong lịch trình bận rộn tại Việt Nam của ông để trò chuyện với những người đang làm nghề báo cũng như với các em sinh viên sắp "dấn thân" vào nghề.
Tổng biên tập Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh đây là cơ hội tuyệt vời và quý báu để lắng nghe những chia sẻ của tác giả bức ảnh lịch sử gây chấn động thế giới 50 năm về trước, cũng như kinh nghiệm tác nghiệp tại hiện trường của nhà báo, nhiếp ảnh gia kỳ cựu với 52 năm làm việc cho hãng tin AP.
Tổng biên tập Báo Thế giới & Việt Nam Nguyễn Trường Sơn phát biểu khai mạc chương trình ‘Trò chuyện cùng nhà báo, nhiếp ảnh gia Nick Út’. (Ảnh: Anh Sơn) |
Ông Nguyễn Đồng Anh, Phó Trưởng khoa Truyền thông & Văn hoá đối ngoại, Học viện Ngoại giao, cho biết phần về ảnh trong môn học “Truyền thông hội tụ đa phương tiện” thường hay lấy ví dụ về bức ảnh "Em bé Napalm" của nhiếp ảnh gia Nick Út để dạy sinh viên và không ngờ có ngày lại được gặp gỡ, trò chuyện với tác giả tấm hình này.
Thay mặt các học trò bày tỏ vinh dự và may mắn khi tham dự buổi trò chuyện, thầy Nguyễn Đồng Anh hy vọng các sinh viên ngoại giao có thể "gặt hái" được nhiều điều trong buổi học từ "người thật việc thật" này.
Nhà báo, nhiếp ảnh gia Nick Út có 52 năm làm việc cho hãng tin AP. (Ảnh: Anh Sơn) |
Tại cuộc trò chuyện, ông Nick Út đã chia sẻ cơ duyên đến với nhiếp ảnh và sau này trở thành phóng viên ảnh tại hãng tin AP.
Bức ảnh "Em bé Napalm" ghi lại khoảnh khắc cô bé Phan Thị Kim Phúc khi đó mới 9 tuổi, hoảng loạn bỏ chạy cùng một số đứa trẻ khác bởi bị trúng bom Napalm tại Trảng Bàng, Tây Ninh, năm 1972. Nhiếp ảnh gia Nick Út đã mô tả lại bối cảnh bức ảnh ra đời và kể lại câu chuyện cảm động, nhân văn phía sau khi ông tìm cách đưa những đứa trẻ bị thương bởi bom đạn tới bệnh viện để cứu chữa kịp thời.
Đối với ông Nick Út, một bức ảnh ý nghĩa không chỉ gói gọn trong khung hình đó mà mối liên kết giữa nhiếp ảnh gia với những nhân vật trong bức hình cũng rất quan trọng. Vào thời điểm đó, ông đã không rời đi mà ở lại hỗ trợ cô bé Phan Thị Kim Phúc cùng một số em khác có cơ hội tiếp tục sống.
Toàn cảnh chương trình “Trò chuyện cùng nhà báo, nhiếp ảnh gia Nick Út”. (Ảnh: Anh Sơn) |
Nhiếp ảnh gia kỳ cựu cũng chia sẻ những cách tác nghiệp nhanh, hiệu quả, cũng như những cơ hội, niềm vui mà nghề "làm dâu trăm họ" này mang lại cho ông, để ông tiếp tục đam mê, gắn bó với nghề dù đôi lúc gặp nguy hiểm cận kề giữa sự sống và cái chết.
Ông cũng kể lại nhiều kỷ niệm đáng nhớ trong suốt 52 năm làm việc cho hãng AP khi chụp các phiên xét xử liên quan tới các nghệ sĩ nổi tiếng của Hollywood như Paris Hilton, Mike Tyson, Marlon Brando... và cuộc gặp gỡ với các nhà lãnh đạo hàng đầu thế giới như Nữ hoàng Anh Elizabeth II, Đức Giáo hoàng Pope Francis, Tổng thống Mỹ Donald Trump, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris...
Buổi trò chuyện đã giúp các phóng viên, biên tập viên và sinh viên truyền thông đối ngoại có thêm nhiều kiến thức, hành trang quý giá để tác nghiệp, đồng thời tiếp thêm động lực để tiếp tục theo đuổi đam mê với nghề báo.
Sinh viên Truyền thông & Văn hoá đối ngoại vinh dự và may mắn khi có cơ hội được trò chuyện trực tiếp với một nhà báo, nhiếp ảnh gia nổi tiếng. (Ảnh: Anh Sơn) |