Ông có thể đánh giá ngắn gọn về kết quả triển khai công tác đại đoàn kết đối với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) trong gần 20 năm qua, từ khi Nghị quyết 23-NQ/TW được triển khai?
Sau 20 năm thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW, được sự quan tâm sâu sắc, chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc mạnh mẽ của các ban, bộ, ngành, địa phương, công tác đại đoàn kết đối với NVNONN đã đạt được nhiều bước tiến và kết quả quan trọng.
Ông Ngô Trịnh Hà, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước về NVNONN phát biểu tại Hội nghị chuyên đề về công tác NVNONN phục vụ tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW vào ngày 29/11. (Ảnh: Quang Hòa) |
Thứ nhất, về tư tưởng và nhận thức, có thể khẳng định ý thức trách nhiệm của các cấp ủy Đảng và các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài về việc triển khai các chủ trương, chính sách đại đoàn kết dân tộc đối với NVNONN ngày càng được nâng cao.
Các quan điểm, chủ trương, chính sách đại đoàn kết dân tộc đối với NVNONN hợp “ý Đảng, lòng dân”, do vậy nhận được sự đồng tình, ủng hộ và đồng lòng thực hiện của người dân ở trong và ngoài nước.
Niềm tin của cộng đồng NVNONN đối với sự phát triển của đất nước, niềm tự hào dân tộc trong đồng bào ta ở xa Tổ quốc ngày càng được củng cố, tăng cường.
Công tác dân vận, tăng cường vận động những người có uy tín, có trình độ chuyên môn trong cộng đồng, tạo điều kiện cho các nhà báo, kênh truyền thông của NVNONN về thăm Việt Nam đã tạo hiệu ứng tích cực, củng cố và nâng cao niềm tin của cộng đồng NVNONN đối với các đường lối chính sách, chủ trương, pháp luật của Đảng và Nhà nước.
Những biện pháp đột phá và chủ động trong công tác vận động NVNONN do Nhà nước ta nói chung, Bộ Ngoại giao nói riêng tiến hành đã tạo sự chuyển biến về quan điểm của một bộ phận kiều bào trước đây còn tư tưởng khác biệt, góp phần tăng cường đại đoàn kết dân tộc, phát huy nguồn lực kiều bào trong tổng thể nguồn lực quốc gia.
Thứ hai, về kết quả cụ thể, kể từ khi Nghị quyết 23-NQ/TW được ban hành và đi vào đời sống, đại đoàn kết dân tộc đã trở thành nội dung gắn liền với mọi mặt của công tác NVNONN.
Các Nghị quyết số 36-NQ/TW (năm 2004), Chỉ thị số 45-CT/TW (năm 2015) và mới đây nhất là Kết luận số 12-KL/TW của Bộ Chính trị về công tác NVNONN trong tình hình mới (2021) được ban hành, là nền tảng thúc đẩy hơn nữa sức mạnh đoàn kết, hòa hợp dân tộc với NVNONN.
Trên cơ sở đó, chúng ta đã đẩy mạnh thể chế hóa và hoàn thiện hàng loạt chính sách, quy định pháp luật... đối với NVNONN. Cùng với đó, các mặt công tác về NVNONN được các cơ quan, ban, ngành trung ương và địa phương triển khai toàn diện, công tác chăm lo, hỗ trợ cộng đồng NVNONN được đẩy mạnh, giúp cộng đồng NVNONN ngày càng hội nhập, ổn định, phát triển ở sở tại và gắn bó với quê hương.
Có thể thấy kiều bào ngày càng hướng về đất nước và trở thành một nguồn lực quan trọng, đóng góp cả nguồn lực vật chất, tri thức và nguồn lực “mềm” vào quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần nâng cao vị thế quốc gia, thắt chặt quan hệ hợp tác hữu nghị giữa Việt Nam với nước sở tại.
Đâu là những khó khăn, thách thức và bài học kinh nghiệm được rút ra trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết với cộng đồng NVNONN?
Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW với cộng đồng NVNONN còn gặp một số khó khăn, thách thức.
Thứ nhất, công tác vận động các cá nhân kiều bào có ý kiến khác biệt chưa đạt được kết quả như mong muốn; công tác thu hút nguồn lực NVNONN chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của kiều bào, mới tập trung vào nguồn lực kinh tế mà chưa khai thác, phát huy được hết tiềm năng về nguồn lực mềm và nguồn lực tri thức.
Thứ hai, công tác hỗ trợ kiều bào ổn định cuộc sống, nâng cao địa vị pháp lý, hội nhập vào xã hội sở tại còn gặp nhiều khó khăn, mà nguyên nhân chính là hạn chế về nguồn lực và cơ chế huy động, quản lý, sử dụng nguồn lực.
Công tác quản lý người đi lao động, học tập ở nước ngoài và vai trò tuyên truyền, giáo dục của các cấp ủy nước ngoài chưa phát huy hiệu quả.
Thứ ba, nội dung và phương thức giảng dạy và học tiếng Việt cho cộng đồng NVNONN có nhiều điểm chưa phù hợp và hấp dẫn người học, khó khăn trong việc duy trì hàng ngày.
Việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc trong cộng đồng gặp nhiều khó khăn do cộng đồng ngày càng hòa nhập vào xã hội sở tại và thế hệ trẻ giảm gắn kết với quê hương.
Công tác thông tin đối ngoại dành cho kiều bào tuy đã được quan tâm nhưng cần đổi mới về nội dung và phương thức chuyển tải để đáp ứng kịp thời nhu cầu ngày càng lớn của kiều bào và tình hình thế giới.
Những nguyên nhân chính gây ra khó khăn trong triển khai Nghị quyết 23-NQ/TW đối với cộng đồng NVNONN chủ yếu đến từ đặc trưng của cộng đồng và một số hạn chế trong nhận thức, tổ chức thực hiện.
Cụ thể, đặc thù đối tượng NVNONN là số lượng lớn, sống rải rác; đa dạng về thành phần; phức tạp về thái độ chính trị. Bà con ở nhiều nơi sống rải rác và ưu tiên việc mưu sinh kiếm sống, nên việc tập hợp, quy tụ, vận động cộng đồng gặp khó khăn.
Ngoài ra, nhận thức của các cấp, ngành, địa phương về NVNONN và công tác NVNONN có lúc, có nơi chưa thực sự đầy đủ và thống nhất.
Đoàn công tác Uỷ ban Nhà nước về NVNONN thăm cộng đồng người Việt tại Hàn Quốc vào tháng 10/2022. |
Để tiếp tục triển khai hiệu quả công tác đại đoàn kết đối với cộng đồng NVNONN theo tinh thần Nghị quyết 23-NQ/TW, cần quán triệt sâu sắc một số bài học kinh nghiệm như sau:
Thứ nhất, việc ban hành và triển khai thực hiện các đường lối, chính sách đối với NVNONN cần được tiến hành đồng bộ, nhất quán hơn nữa, phù hợp với ý Đảng, lòng dân, đáp ứng mong mỏi của bà con thì sẽ khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước và lòng tự hào dân tộc của đồng bào ta ở nước ngoài, đồng thời tạo được sự hưởng ứng, tự nguyện, tự giác đón nhận của đông đảo NVNONN.
Thứ hai, cần tiếp tục quán triệt sâu rộng, triển khai tốt và đồng bộ hơn nữa những chủ trương, quan điểm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước tại Nghị quyết 36, Chỉ thị 45, Kết luận 12 và những văn bản khác. Trước mắt, cần tiếp tục nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị và mọi người dân về công tác đối với NVNONN, cũng như sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự quan tâm của các cấp ủy đảng, các ban, bộ, ngành, địa phương, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, đặc biệt là sự vào cuộc của các CQĐD Việt Nam ở nước ngoài.
Thứ ba, công tác vận động NVNONN vừa thuộc chức năng quản lý nhà nước, vừa là hoạt động mang tính chất dân vận. Do vậy, cần thường xuyên gặp gỡ, tiếp xúc, đối thoại cả ở trong và ngoài nước, lắng nghe, giải quyết thỏa đáng mọi kiến nghị, tâm tư của đồng bào ta ở nước ngoài; thường xuyên đổi mới và đa dạng hóa nội dung, hình thức truyền thông phù hợp với điều kiện và đặc thù của từng địa bàn; kịp thời tôn vinh những điển hình tiên tiến trong công tác cộng đồng.
Thứ tư, kết quả triển khai chính sách đối với NVNONN và chính sách đối ngoại, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước có mối quan hệ qua lại.
Chính sách đối ngoại, phát triển kinh tế - xã hội ở trong nước được triển khai tốt sẽ nâng cao uy tín và vị thế của đất nước, tăng cường quan hệ hữu nghị giữa nước ta với các nước, qua đó gia tăng điểm đồng lợi ích để các nước tôn trọng thể chế chính trị của Việt Nam và thể hiện sự tôn trọng đó khi giải quyết các vấn đề liên quan đến cộng đồng NVNONN.
Điều này tác động tích cực tới NVNONN, tăng cường gắn kết đồng bào ta ở nước ngoài với quê hương. Đồng thời, nếu chính sách đối với NVNONN được triển khai tốt, hiệu quả sẽ thu hút và phát huy mạnh mẽ nguồn lực của cộng đồng, đóng góp vào quan hệ đối ngoại, sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước .
Trong thời gian tới, cần triển khai những công việc gì để công tác đại đoàn kết đối với cộng đồng NVNONN phát huy hiệu quả hơn nữa, thưa ông?
Thứ nhất, tiếp tục tuyên truyền, quán triệt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác đại đoàn kết dân tộc đối với NVNONN thông qua huy động sự tham gia của các cấp ủy đảng ở trong và ngoài nước trong công tác phổ biến, quán triệt Nghị quyết 23-NQ/TW và các văn bản chỉ đạo của Đảng về đại đoàn kết đối với NVNONN.
Thứ hai, tiếp tục rà soát, điều chỉnh và hoàn thiện hệ thống pháp luật, cải cách thủ tục hành chính theo hướng đơn giản, phù hợp với đặc thù của NVNONN và triển khai đồng bộ các chính sách liên quan đến NVNONN, thể hiện tinh thần động viên, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để NVNONN về nước thăm thân, công tác, đầu tư, sản xuất, kinh doanh, nghiên cứu khoa học…
Thứ ba, kiên trì vận động các cá nhân NVNONN có ý kiến khác biệt, từng bước gỡ bỏ định kiến, thu hẹp khoảng cách với các cá nhân này và vận động họ có những hành động phù hợp với lợi ích quốc gia, dân tộc thông qua một số giải pháp cụ thể như: tăng cường và chủ động tiếp xúc, đối thoại trên tinh thần chân thành, cởi mở, chấp nhận quan điểm khác biệt để thấu hiểu lẫn nhau; tiếp tục quan tâm giải quyết các vấn đề do lịch sử để lại nhằm đáp ứng tâm tư, nguyện vọng chính đáng của kiều bào; tiếp tục hỗ trợ và phát huy vai trò của các lực lượng nòng cốt, những người có uy tín, ảnh hưởng trong cộng đồng NVNONN, phù hợp với pháp luật nước sở tại và pháp luật Việt Nam; có cơ chế khen thưởng, tôn vinh, động viên, khích lệ kịp thời NVNONN có đóng góp tích cực.
Thứ tư, phát huy nguồn lực của cộng đồng, khuyến khích và tạo điều kiện để NVNONN đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Hoàn thiện các cơ chế, chính sách ưu đãi NVNONN về nước làm việc, nghiên cứu khoa học như môi trường làm việc, lương và chế độ đãi ngộ.
Hoàn thiện cơ chế tiếp nhận, xử lý, phản hồi, vận dụng và phát huy hiệu quả các sáng kiến, ý kiến đóng góp của các chuyên gia, đội ngũ trí thức, cộng đồng doanh nhân VNONN. Đồng thời, xây dựng chương trình, kế hoạch, dự án trọng điểm trong các lĩnh vực cụ thể hoặc ở từng địa phương nhằm thu hút chuyên gia, trí thức, doanh nghiệp NVNONN.
Thứ năm, triển khai các biện pháp tổng thể hỗ trợ đồng bào, nhất là ở những địa bàn khó khăn, có địa vị pháp lý vững chắc, ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế, tuân thủ pháp luật và hội nhập thuận lợi vào xã hội sở tại. Theo đó, cần tiếp tục tăng cường và củng cố quan hệ song phương giữa Việt Nam với các nước, tích cực đề nghị chính phủ sở tại tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng người Việt Nam ổn định, hội nhập vào xã hội sở tại, được đối xử bình đẳng như các cộng đồng sắc tộc khác... thông qua các tiếp xúc cấp cao.
Ngoài ra, tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác bảo hộ công dân, quản lý lao động, du học sinh…, tăng cường lực lượng, biện pháp và đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực tư pháp, an ninh, phòng, chống tội phạm, ngăn chặn hiệu quả nạn buôn người, xuất nhập cảnh, cư trú trái phép, qua đó hỗ trợ bảo đảm an ninh trong cộng đồng; xử lý triệt để, đẩy lùi tình trạng người Việt Nam vi phạm pháp luật nước sở tại; đa dạng hóa các nguồn lực hỗ trợ cộng đồng.
Đoàn công tác của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài làm việc tại Mỹ vào tháng 10/2022. |
Thứ sáu, đa dạng hóa các hoạt động hỗ trợ NVNONN gìn giữ tiếng Việt và phát huy bản sắc văn hóa, truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Chú trọng hợp tác với nước sở tại, đổi mới, nâng cao hiệu quả nội dung và phương thức tổ chức dạy và học tiếng Việt; tập trung thúc đẩy đưa tiếng Việt vào chương trình giảng dạy ở các cơ sở giáo dục tại địa bàn có đông người Việt Nam; nghiên cứu đầu tư, xây dựng trung tâm văn hóa của người Việt tại các địa bàn này.
Thứ bảy, đổi mới nội dung, phương thức và tư duy của công tác thông tin đối ngoại đảm bảo phù hợp và đáp ứng nhu cầu của NVNONN.
Cần kịp thời thông tin về tình hình đất nước và chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước ta; phát huy hiệu quả các phương tiện truyền thông đa dạng của cộng đồng; hoàn thiện và nâng cao hiệu quả cơ chế phối hợp, phản ứng nhanh, kịp thời phản bác những luận điệu sai trái, không đúng sự thật về tình hình đất nước.
Thứ tám, tiếp tục xây dựng cơ chế phối hợp và kiện toàn bộ máy, nâng cao chất lượng cán bộ trực tiếp làm công tác ở nước ngoài; tăng cường nguồn lực thực hiện công tác về NVNONN.