Là giám đốc một công ty chuyên về xuất nhập khẩu tại TP HCM, sếp Bình gặp vận đen ngay từ hồi đầu năm khi lô hàng đầu tiên đi Ấn Độ bị trả về vì chê chất lượng. Thiệt hại ước tính lên tới cả chục nghìn đôla. Để bớt lỗ, ông gỡ gạc bằng cách huy động nhân viên phân phối cho các cửa hàng nhỏ lẻ tại thị trường nội địa.
Thế nhưng, những tháng sau đó, chất lượng sản phẩm được nâng lên, các hợp đồng ký kết chạy ngon lành thì sếp Bình lại vấp phải cơn bão giá nguyên vật liệu. Chi phí đầu vào liên tục đội lên, thành thử các lô hàng xuất đi hầu như không có lãi. 6 tháng đầu năm, số lỗ của công ty lên tới 10 tỷ đồng, khoản nợ ngân hàng cũng xấp xỉ 15 tỷ đồng.
Với các doanh nghiệp lớn, chuyện này không thấm tháp vào đâu. Song đối với công ty ra đời chưa đầy 5 năm của sếp Bình, là cả một vấn đề đáng bàn. Chưa kể một lượng lớn cổ phiếu mà ông đem đầu tư trên sàn hồi đầu năm ngoái cũng rớt giá đến thảm hại.
Để tháo gỡ khó khăn, tháng 7, sếp Bình thực hiện chiến lược cắt giảm chi phí, nhân sự, chiếc BMW X5 mà ông tậu hồi giữa năm 2007 cũng được đem bán để trả nợ. Thành thử khi gặp bạn bè tại quán nhậu hay đi tiếp khách, sếp Bình thường nói đùa: "Ngày xưa lái xe hơi đi uống bia ôm, thời buổi khó khăn thì bắt xe ôm đi uống bia hơi".
Chủ một salon có tiếng ở Sài Thành nhẩm tính khoản nợ ngân hàng mà ông đang gánh đã vượt quá 100 tỷ đồng. Đây đều là vốn vay từ thời lãi suất còn cao ngất ngưởng. Dù được ngân hàng cho vay ưu đãi 1,5%, mỗi tháng khoản tiền mà ông phải trả cũng lên tới 1,5 tỷ đồng. "Như vậy, chưa cần biết kinh doanh thế nào, lãi suất ra sao, mỗi ngày tôi phải trả ngân hàng khoảng 50 triệu", ông than thở.
Hồi năm ngoái thị trường xe hơi lên cơn sốt, hoạt động kinh doanh của ông gặt hái thành công chưa từng có. Thậm chí, ông còn lên kế hoạch đầu tư sang lĩnh vực cảng biển, bất động sản và góp cổ phần thành lập ngân hàng.
Thế nhưng sang năm 2008 cùng với cơn sốt giá nhiên liệu đầu vào, lạm phát gia tăng, chính sách tiêu dùng bị thắt chặt, ôtô nghiễm nhiên bị xếp vào nhóm mặt hàng xa xỉ hạn chế tiêu dùng, thuế nhập khẩu lần lượt được tăng lên và chốt lại mức 83%. Thuế tăng song hầu hết các hãng đều không dám điều chỉnh giá bán vì vắng khách. Thị trường xe hơi bước vào giai đoạn ế ẩm.
Vị giám đốc này nhẩm tính, nếu như cùng thời điểm năm ngoái, mỗi tháng, showroom ôtô của ông bán được khoảng 100 - 120 xe thì nay con số này giảm xuống 10 lần. Hàng không bán được trong khi các khoản nợ đến ngày vẫn phải trả. Thành thử ông phải hoãn kế hoạch đầu tư huy động tổng lực từ bạn bè, anh em ở nước ngoài để cố gắng gượng đến hết tháng 8/2009 - thời điểm mà ông hy vọng thị trường xe hơi sẽ phục hồi.
Nợ nần trong giới doanh nhân Việt Nam hiện nay đã trở thành câu chuyện không mới. Chính vì thế mà bên bàn nhậu, bữa tiệc khai trương hay gặp gỡ thường ngày, các sếp không còn hỏi nhau chuyện phát triển kinh doanh, đầu tư sang lĩnh vực mới, hay doanh số bán hàng, mà câu cửa miệng là: Còn nợ ngân hàng bao nhiêu? Có qua được cơn khủng hoảng? Những câu hỏi kiểu: Anh có khỏe không? Kinh doanh tốt chứ?... không khéo sẽ khiến người nghe tưởng đang bị cười nhạo.
Trao đổi với báo giới, Tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần ở Hà Nội chép miệng: "Trong bối cảnh cả thế giới gặp khó khăn như hiện nay, chẳng có doanh nghiệp nào, ông chủ nào dám vỗ ngực nói rằng ta đây không nợ nần".
Giám đốc một doanh nghiệp phát triển bất động sản tại Hà Nội tự hào tuyên bố mình chỉ còn nợ ngân hàng vài tỷ, may mắn hơn nhiều doanh nghiệp khác. Ông chủ này cho rằng kinh doanh bất động sản ắt phải vay vốn ngân hàng, nhưng vào thời điểm này doanh nghiệp nào nợ vài tỷ là thành công, đa phần đều mắc lầy với số tiền lên đến hàng chục, hàng trăm, thậm chí hàng nghìn tỷ. "Năm sau, người ta sẽ chứng kiến cảnh nhiều đại gia bất động sản biến thành con nợ", ông chua xót nói.
Mới đây, ông chủ một công ty địa ốc Sài Gòn còn lần lượt đem bán cả 4 chiếc xe bạc tỷ để trả nợ. Thị trường bất động sản đóng băng, giá nhà đất giảm tới 70% vẫn ít khách mua đã khiến nhiều đại gia địa ốc rơi vào cảnh nợ nần chồng chất. Thậm chí, có đại gia còn bị nghi dính líu đến khoản nợ lên tới 3.000 tỷ đồng.
Các doanh nghiệp Nhà nước cũng không thoát khỏi khó khăn chung. Lãnh đạo một hãng công nghiệp tâm sự ngay cả khi đến gõ cửa ngân hàng, ông không được ưu đãi hơn so với các doanh nghiệp nhỏ. Đơn đặt hàng chững lại, đối tác nước ngoài xin giãn nợ. Công ty phải đặt ra tình huống xấu nhất nếu đối tác không thể trả được nợ. "Tại thời điểm này, anh nào nói rằng vẫn sống khỏe mới là lạ", ông than thở.
Theo VNE