📞

Nhiều giải pháp công nghệ mới tại Vietnam Manufacturing Expo 2018

16:50 | 04/07/2018
Diễn ra từ ngày 8-10/8 tại Trung tâm Triển lãm ICE Hà Nội (91 Trần Hưng Đạo, Hà Nội), Triển lãm Quốc tế “Vietnam Manufacturing Expo 2018” sẽ tập trung giới thiệu các công nghệ và giải pháp sản xuất mới, cùng với những bí quyết kinh doanh từ hơn 200 thương hiệu đến từ các nước và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Ngày 4/7, tại Hà Nội, Ban Tổ chức Triển lãm Quốc tế “Vietnam Manufacturing Expo 2018” đã tổ chức họp báo thông tin về Triển lãm.

Với sự trở lại lần này, bên cạnh hơn 200 công nghệ và máy móc tiên tiến được trưng bày tại sự kiện, “Vietnam Manufacturing Expo” sẽ phối hợp với Universal Robots để tổ chức khu trưng bày “Co-bot Showcase” nhằm quảng bá các ứng dụng của cobot, đồng thời thể hiện chức năng làm việc chặt chẽ với người điều khiển.

Tại đây, sự trình diễn của những robots tầm cỡ sẽ hé lộ những khả năng vận hành đặc biệt, cũng như mở ra những chủ đề thảo luận thú vị trong việc ứng dụng robot vào kinh doanh và sản xuất.

Họp báo giới thiệu về Vietnam Manufacturing Expo 2018 ngày 4/7. (Ảnh: Ly Ly)

Ngoài cơ hội kết nối giao thương, tìm kiếm đối tác, các doanh nghiệp còn có cơ hội thảo luận và học hỏi trực tiếp từ các chuyên gia từ nhiều lĩnh vực sản xuất khác nhau như ngành công nghiệp ô tô, điện tử và các ngành công nghiệp hỗ trợ khác.

Nhiều hoạt động khác cũng được tổ chức xuyên suốt 3 ngày triển lãm “Vietnam Manufacturing Expo 2018” như hỗ trợ kết nối kinh doanh để giúp tất cả những người tham gia tìm được đại lý, nhà phân phối và đối tác kinh doanh.  Ngoài ra, Trung tâm Đào tạo và Chuyển giao Công nghệ Việt - Đức (HWC) và Công ty Reed Tradex sẽ cùng tổ chức “Cuộc thi Tay nghề Thợ hàn Việt Nam” trong suốt những ngày diễn ra Triển lãm để tìm ra những thợ hàn giỏi nhất và khuyến khích các nhà công nghiệp Việt Nam nhìn thấy tầm quan trọng trong việc nâng cấp kỹ năng hàn của họ.

Chia sẻ tại họp báo, ông Suttisak Wilanan, Giám đốc điều hành Công ty Reed Tradex - đơn vị tổ chức Triển lãm cho biết, sẽ có 4 sự kiện đồng địa điểm tại “Vietnam Manufacturing Expo” để tạo ra nền tảng toàn diện cho ngành sản xuất bao gồm: Vietnam Sheet Metal - Phiên bản đặc biệt của Triển lãm Quốc tế về Máy móc và Công nghệ cho ngành Chế tạo Kim loại tấm tại Việt Nam; Electronics Assembly - Triển lãm quốc tế về máy móc và công nghệ trong sản xuất phụ tùng và linh kiện điện tử; Robot X - Chuỗi sự kiện toàn diện nhất về robot công nghiệp tại ASEAN; Industrial Components & Subcontracting Vietnam - Nền tảng tìm nguồn cung ứng toàn diện nhất cho các bộ phận và linh kiện công nghiệp của Việt Nam.

“Trong kỷ nguyên 4.0, sự tích hợp của một số công nghệ mới đã mở ra các loại hình hệ thống tự động như “robot hợp tác” (cobots) - hệ thống robot được thiết kế để làm việc an toàn cùng con người”, ông Suttisak Wilanan phân tích. Ông Wilanan cũng lấy ví dụ về một nhà máy ở TP. Đông Hoản (Trung Quốc) đã tăng tới 250% năng suất và giảm 80% lỗi trong quá trình sản xuất sau khi sử dụng robot vào dây chuyền sản xuất; từ đó đem lại hiệu quả cao hơn cũng như hạn chế thời gian ngưng sản xuất.

Số lượng doanh nghiệp nội địa thuộc lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ của ngành điện tử đã và đang là nhà cung cấp cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) không nhiều. (Nguồn: Hà Nội Mới)

“Câu hỏi ở đây là, trong khi tự động hóa đang được phát triển để giúp giảm thiểu sai sót của con người, những trung tâm sản xuất mới nổi như Việt Nam cần có hướng đi như thế nào trước chuyển biến này? Làm cách nào để các nhà sản xuất tận dụng các thế mạnh sẵn có, cũng như tiếp tục đổi mới để chiếm lĩnh thị trường?”, ông Suttisak Wilanan đặt câu hỏi.

Theo ông Lưu Hoàng Long, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam (VEIA), số liệu của Bộ Công Thương cho thấy, tổng số doanh nghiệp hiện đang tham gia vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ là 661 doanh nghiệp (trong đó: 591 doanh nghiệp sản xuất linh kiện điện tử, 56 doanh nghiệp sản xuất máy tính và thiết bị ngoại vi, 14 doanh nghiệp sản xuất băng, đĩa từ và quang học).

Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp nội địa thuộc lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ của ngành điện tử đã và đang là nhà cung cấp cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) không nhiều. Một phần do hạn chế của nội tại của các doanh nghiệp, mặt khác, do sự hiểu biết giữa hai phía còn hạn chế. Vì vậy, việc kết nối giữa các doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp nội địa là hết sức cần thiết.