TIN LIÊN QUAN | |
Trải nghiệm văn hóa ẩm thực Hàn Quốc tại Hà Nội | |
Cùng kết nối, cùng sẻ chia tại Liên hoan Ẩm thực lần thứ IV |
Chủ Nhật, ngày 11/12, từ sáng sớm, tôi cùng các cán bộ, nhân viên của Bộ Ngoại giao hướng về Khu Ngoại giao Đoàn Vạn Phúc (Kim Mã, Ba Đình, Hà Nội). Tại đây diễn ra Chương trình Liên hoan Ẩm thực Quốc tế lần thứ IV năm 2016 (Festival Food 2016), nơi khách tham quan có thể thưởng thức nhiều đặc sản cũng như có cơ hội tìm hiểu và giao lưu văn hóa với nhiều bạn bè quốc tế. Sự kiện do Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga, Phu nhân Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao bảo trợ và Cục Phục vụ Ngoại giao đoàn (Bộ Ngoại giao) chủ trì tổ chức.
“Bếp thế giới”giữa lòng Hà Nội
Năm nay là lần thứ 4 Festival Food được tổ chức. Điều đặc biệt là sau mỗi năm, sự kiện này lại được tổ chức với quy mô lớn hơn và lượng khách tham quan tăng vọt. Có thể nói, ở nơi thủ đô ngàn năm văn hiến này, lễ hội khá nhiều và hội chợ càng không ít. Thế nhưng, một hội chợ đặc sắc về nội dung, phong phú về hình thức, thành phần tham dự và trên quy mô quốc tế như Festival Food thì thực sự không có nhiều. Điều đó cũng có thể lý giải cho việc những khách tham quan từng tham dự lễ hội ẩm thực này một lần thì chắc chắn sẽ chờ đón để được tham dự những lần tiếp theo.
Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga thăm các gian hàng Liên hoan Ẩm thực Quốc tế lần thứ IV năm 2016 (Festival Food 2016) ngày 11/12/2016. (Ảnh: Quang Hòa) |
Ngay khi đặt chân đến cổng, tôi đã cảm nhận được những hương vị ẩm thực vô cùng khác biệt tỏa ra từ 115 gian hàng của các nước thành viên Cộng đồng ASEAN, gần 40 cơ quan đại diện quốc tế, nhiều đơn vị của Bộ Ngoại giao, các Sở Ngoại vụ của nhiều tỉnh, thành phía Bắc, tỉnh Gia Lai ở miền Trung Tây Nguyên và một số doanh nghiệp, đơn vị tài trợ.
Phía xa, tại sân khấu chính của Lễ hội, tiếng nhạc của các nước Mỹ Latin sôi động do các sinh viên Học viện Ngoại giao thể hiện khiến không khí lễ hội như tràn ngập từng ngóc ngách không gian nơi đây. Khách tham quan như lạc vào một thế giới khác, bỏ lại ngoài kia bao bộn bề, lo toan thường nhật để hòa mình vào không khí vô cùng náo nức này. Trong không gian ấy, bên cạnh những nhành cúc Hà Nội đủ màu còn có cả những bông hoa đào Tây Bắc nở sớm - dường như để đón chào riêng Lễ hội ẩm thực năm nay bởi tiết Xuân còn chưa tới.
Ấn tượng từ bốn phương
Đúng 9 giờ sáng, Lễ khai mạc Festival Food 2016 chính thức bắt đầu. Tại đây, Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga đã có bài phát biểu ngắn gọn mà truyền cảm về ý nghĩa và thời điểm quan trọng của Festival Food năm nay. Đây là thời điểm giao thời, chuẩn bị khép lại năm 2016 và đón chào năm mới 2017, với nhiều dấu mốc quan trọng về ngoại giao chính trị, kinh tế văn hóa của Việt Nam trên trường quốc tế.
Rảo bước qua hàng trăm gian hàng, tôi - giống như nhiều khách tham quan khác, được thỏa sức thưởng thức các hương vị tiêu biểu của ẩm thực toàn thế giới. Đây rồi món salad Nga với đôi bàn tay mời mọc của các cô gái xinh đẹp trong bộ áo truyền thống rực rỡ; kia là gian hàng đồ chay của các bạn Bangladesh với những món singara hay biriyari tuyệt ngon làm từ rau, củ, quả… Mải vui, thưởng thức quên thời gian, tôi chỉ dừng lại khi bước chân trở nên nặng hơn bởi dường như đã ăn đủ định mức cả ngày.
Thế nhưng, khi dừng chân tại gian hàng Bulgaria, phu nhân Ngài Đại sứ Evgueni Stoytchev khiến tôi không thể bỏ qua khi bà đích thân giới thiệu những món ăn thông dụng và không thể thiếu trong ngày lễ Noel của người dân xứ sở hoa hồng như musaka, kufte hay banitsa… Tại đây, trong lúc thưởng thức các món ăn, một mùi hương đặc biệt khác cũng níu chân thực khách chính là nước hoa chiết xuất từ tinh dầu hoa hồng - đặc sản của đất nước xinh đẹp này.
Thời gian trôi thật nhanh. Đến quá trưa, khi cái bụng lại “ưng” để tôi thưởng thức tiếp các món ăn khác, tôi dành ưu tiên của mình cho món nem hải sản mà các bạn thanh niên của Báo Thế giới & Việt Nam cất công chế biến. Cắn miếng nem giòn, thơm phức quen thuộc, tôi càng hiểu vì sao món ăn này của Việt Nam nổi tiếng đến vậy trên toàn thế giới. Và cũng nhờ đó mà các vị khách nước ngoài không thể bỏ qua khi bước qua gian hàng.
Một lễ hội nhân văn
Điều lạ là ở lễ hội, dường như chẳng khách hàng nào quan tâm đến giá cả và cũng chẳng “chủ nhà hàng” nào quan tâm đến lợi nhuận. Bởi một lẽ đơn giản, hầu hết các khoản tiền lãi thu được cuối lễ hội đều được quyên góp vì mục đích từ thiện… Giống như các chương trình Liên hoan ẩm thực trước đây, số tiền quyên góp được trong lễ hội năm nay cũng sẽ được dành để trao tặng cho người tàn tật, trẻ em mồ côi, phụ nữ nghèo, những hoàn cảnh đặc biệt khó khăn… trong cả nước. Theo Ban Tổ chức, trong 3 lần tổ chức trước, tổng số tiền quyên góp được là gần 700 triệu đồng.
Ngay sau Lễ khai mạc Hội chợ, Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga và Đại sứ Palestine Saadi Salama tại Việt Nam đã trao 100 triệu đồng cho huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh, một tỉnh nghèo miền Trung vừa phải vượt qua cơn bão lũ. Đại diện Ban Tổ chức Festival Food cho biết đã quyên góp được trên 300 triệu đồng. Đây là một con số rất đáng mừng bởi nó cho thấy số tiền ủng hộ cũng tăng lên sau mỗi năm.
Bế mạc Hội nghị Cấp cao Pháp ngữ lần thứ 16 Qua hai ngày Hội nghị, các nhà Lãnh đạo Cộng đồng Pháp ngữ đã thảo luận các biện pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng đồng ... |
Nem rán – món ăn Việt phổ biến ở Senegal Câu chuyện về nửa thế kỷ chiến tranh và chủ nghĩa thực dân đằng sau một món ăn vặt phổ biến ở Senegal. |
Việt Nam - Italy: Quyết tâm thúc đẩy hợp tác đi vào chiều sâu, hiệu quả Đó là điều được các nhà lãnh đạo cấp cao của hai nước nhắc lại nhiều lần và cùng nhất trí cao trong chuyến thăm ... |