Cảnh sát Ecuador. (Nguồn: AP) |
Trong vụ việc, rạng sáng 6/4, lực lượng an ninh Ecuador đã tấn công Đại sứ quán Mexico tại thủ đô Quito, khống chế toàn bộ nhân sự thuộc phái đoàn ngoại giao Mexico và bắt giữ cựu Phó Tổng thống Ecuador Jorge Glas – người đã tị nạn trong Đại sứ quán này từ tháng 12/2023 và được Tổng thống Mexico Andrés Manuel López Obrador chính thức cấp quy chế tị nạn chính trị trước đó vài giờ.
Cuộc đột kích khiến Tổng thống Mexico Andrés Manuel López Obrador cắt đứt quan hệ ngoại giao với Ecuador. Còn bà Alicia Bárcena, Bộ trưởng Bộ Nội vụ và ngoại giao của Mexico, hôm 6/4 đăng trên nền tảng truyền thông xã hội X rằng một số nhà ngoại giao đã bị thương trong vụ đột nhập.
Bà Bárcena cho biết Mexico sẽ đưa vụ việc lên Tòa án Công lý quốc tế và kêu gọi các nhà ngoại giao Mexico “tố cáo trách nhiệm của Ecuador về hành vi vi phạm luật pháp quốc tế”.
Vụ đột nhập đã bị lên án rộng rãi. Tổ chức các quốc gia châu Mỹ trong một tuyên bố đã nhắc nhở các thành viên của mình, bao gồm Ecuador và Mexico, về nghĩa vụ của họ là không “ viện dẫn các quy định của luật pháp trong nước để biện minh cho việc không tuân thủ các nghĩa vụ quốc tế của họ”.
Ngày 7/4, Bộ Ngoại giao Tây Ban Nha tuyên bố: “Việc dùng vũ lực vào Đại sứ quán Mexico ở Quito là vi phạm Công ước Vienna năm 1961. Chúng tôi kêu gọi tôn trọng luật pháp quốc tế và sự hòa hợp giữa Mexico và Ecuador, các nước anh em với Tây Ban Nha và các thành viên của cộng đồng người Mỹ gốc Ibero”.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller nói rằng: “Mỹ lên án mọi hành vi vi phạm Công ước Vienna về quan hệ ngoại giao và rất coi trọng nghĩa vụ của các nước sở tại theo luật pháp quốc tế là tôn trọng quyền bất khả xâm phạm của các cơ quan ngoại giao”. Ông kêu gọi cả hai nước giải quyết sự khác biệt.
Tổng thống Honduras Xiomara Castro, viết trên X, mô tả cuộc đột kích là “một hành động không thể chấp nhận được đối với cộng đồng quốc tế” và “vi phạm chủ quyền của Nhà nước Mexico và luật pháp quốc tế” vì “nó phớt lờ nguyên tắc lịch sử và cơ bản về quyền tị nạn”.
Cơ sở ngoại giao được coi là đất nước ngoài và “bất khả xâm phạm” theo Công ước Vienna và các cơ quan thực thi pháp luật của nước sở tại không được phép vào nếu không có sự cho phép của đại sứ.
Những người xin tị nạn đã sống từ nhiều ngày đến nhiều năm tại các đại sứ quán trên khắp thế giới, bao gồm cả Đại sứ quán Ecuador ở London, nơi người sáng lập WikiLeaks Julian Assange đã ở trong 7 năm vì cảnh sát Anh không thể vào bắt ông ta.
Công ước Vienna năm 1961 về quan hệ ngoại giao quy định rằng cơ sở ngoại giao hoặc lãnh sự của một nước “là bất khả xâm phạm”. Tuy nhiên, công ước này cũng nói rằng không nên sử dụng các cơ sở này theo bất kỳ cách nào “không phù hợp” với các chức năng ngoại giao và lãnh sự.