Theo Tổng cục thống kê, bình quân mỗi tháng năm 2016 chỉ số giá tiêu dùng tăng 0,4%. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 12 năm 2016 tăng 4,74% so tháng 12 năm 2015, thấp hơn so với mục tiêu 5% của Quốc hội đặt ra. Đây là một thành công trong điều hành chính sách của Chính phủ và các Bộ ngành trong việc kiểm soát lạm phát và điều chỉnh giá một số dịch vụ công tiệm cận với giá thị trường, đảm bảo điều hành giá nhất quán theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của nhà nước.
Năm 2017, Quốc hội đặt mục tiêu tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân ở mức 4%. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, đây là điều thách thức trong bối cảnh có nhiều yếu tố tác động lên lạm phát. Cụ thể, việc điều hành chính sách tiền tệ vừa phải đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát, đồng thời, phải hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong khi mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2017 vẫn ở mức cao.
Ngoài ra, giá xăng dầu thế giới dự báo khả năng tiếp tục tăng trong năm nay; mức lương tối thiểu vùng tăng 6,7 - 7,5% từ 1/1/2017, mức lương cơ sở tăng 7,4% từ 1/7/2017 và việc tiếp tục thực hiện lộ trình giá thị trường đối với hàng hóa dịch vụ quan trọng như giá dịch vụ khám chữa bệnh, giáo dục, nước… sẽ tác động nhất định lên mặt bằng giá.
Ông Lê Quốc Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương) phân tích: “Giá hàng hóa thế giới năm 2017 nhiều khả năng tăng. Quỹ tiền tệ quốc tế đã dự báo năm 2017 mặt bằng giá thế giới sẽ tăng 10-15% so với năm 2016 mà chúng ta là nước xuất khẩu rất lớn nên giá hàng hóa thế giới tăng sẽ ảnh hưởng đến Việt Nam”.
Ngoài ra, tăng trưởng kinh tế mà Chính phủ đặt ra 6,7% của năm 2017 cũng tương đối cao. Nền kinh tế muốn tăng trưởng cao thường cũng phải nới lỏng chính sách đầu tư và chính sách tiền tệ, tạo sức ép lên lạm phát.
Mục tiêu giữ tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân ở mức 4% sẽ gặp nhiều thách thức. (Nguồn: Dân Trí) |
“Đồng USD tăng do Fed tăng lãi suất và sau khi ông Trump đắc cử Tổng thống cũng khiến xu hướng hồ hởi của thị trường Mỹ tăng. Năm 2017 còn rất nhiều địa phương tăng giá dịch vụ y tế. Do vậy, mục tiêu 4% là tương đối khó đạt được”, ông Phương nhận định.
Theo các chuyên gia kinh tế, để thực hiện mục tiêu tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân khoảng 4% trong năm nay do Quốc hội đề ra cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ. Trong đó, cần kiểm soát chặt chẽ phương án giá và mức giá đối với các hàng hóa, dịch vụ do nhà nước định giá, giám sát chặt chẽ kê khai giá của doanh nghiệp đối với mặt hàng bình ổn, mặt hàng kê khai giá…
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng: “Tất cả những mặt hàng, dịch vụ mà Nhà nước định giá thì trong năm 2017 cần điều chỉnh cho phù hợp theo từng thời điểm, tránh hiện tượng đưa vào thời điểm cao độ, dẫn đến phản ứng dây chuyền. Chính sách tài chính cũng vô cùng quan trọng, tác động tới kiểm soát lạm phát. Với chính sách tài khóa chặt chẽ được thực thi một cách có hiệu quả cũng như kiểm soát việc chi tiêu của nguồn ngân sách một cách hợp lý thì chắc chắn mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2017 là 4% có thể khả thi”.