Hiện nhà đầu tư đang đặt kỳ vọng vào cơ chế chính sách đột phá và vượt trội trong phát triển đặc khu dựa trên Luật Đơn vị hành chính – kinh tế (HC – KT) đặc biệt đang được Quốc hội bàn thảo và dự kiến sẽ thông qua tại kỳ họp thứ 5, tháng 5/2018. Ngoài ra, trong Đề án thành lập Đơn vị HC-KT đặc biệt Vân Đồn, Quang Ninh cũng đề xuất nhiều chính sách mở và tự do để tạo môi trường đầu tư đặc biệt hấp dẫn, thông thoáng, minh bạch.
Chính sách vượt trội về thu hút nhân lực
Với định hướng xây dựng đặc khu để tạo cực tăng trưởng và thử nghiệm thể chế phát triển vùng có tính đột phá, trong Đề án thành lập Đơn vị HC-KT đặc biệt Vân Đồn, Quảng Ninh đã đưa ra nhiều chính sách vượt trội về thu hút nguồn nhân lực. Chẳng hạn, các dự án đầu tư mới hoặc mở rộng sản xuất trong đặc khu được ngân sách nhà nước hỗ trợ chi phí đào tạo nghề ngắn hạn cho người lao động quốc tịch Việt Nam, làm việc cho dự án trong thời gian 2 năm đầu kể từ khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Vùng lõi Khu phức hợp nghỉ dưỡng giải trí cao cấp quy hoạch trên diện tích 71 ha. (Nguồn: BQN) |
Tương tự các mô hình đặc khu trên thế giới, cơ chế tiền lương sẽ được thực hiện chế độ tự chủ. Trưởng Đặc khu ký hợp đồng làm việc với công chức và thuê chuyên gia nước ngoài trên cơ sở thỏa thuận mức lương và công việc được giao. Đặc biệt, ngoài các cơ chế chính sách hỗ trợ về nhà ở của Chính phủ, của tỉnh, Đặc khu được ban hành thêm các cơ chế chính sách hỗ trợ khác. Đối với người lao động là nhân lực chất lượng cao từ nhà khoa học đến chuyên gia giỏi, sẽ được hỗ trợ một lần tối đa 700 triệu đồng, hỗ trợ hàng tháng tối đa 10 lần mức lương tối thiểu chung và hỗ trợ nhà ở tối đa 4,5 tỷ đồng.
Lao động người nước ngoài làm việc tại các doanh nghiệp trong Đặc khu được miễn giấy phép lao động. Chính sách quản lý cư trú đối với công dân Việt Nam tại Đặc khu được thực hiện theo hướng tạo điều kiện thuận lợi nhất cho cá nhân. Tiến tới đề xuất thực hiện thí điểm bỏ cấp sổ hộ khẩu, sổ tạm trú từ năm 2020, thực hiện quản lý theo các quy định riêng của Đặc khu theo hướng cải cách, giảm bớt thủ tục.
Một trong những chính sách được nhiều nhà đầu tư quan tâm đó là chính sách về XNK hàng hóa trong Đặc khu. Theo đó, sẽ nâng mức miễn thuế đối với hành lý của người xuất cảnh, nhập cảnh bằng hộ chiếu hoặc giấy tờ thay thế hộ chiếu lên gấp hai lần và nâng mức ngoại tệ tiền mặt và đồng Việt Nam phải khai báo hải quan khi xuất cảnh, nhập cảnh lên gấp 3 lần so với hiện nay (tương đương 15.000 USD). Người chơi bài tại Khu dịch vụ casino được phép mang số tiền thắng bài ra nước ngoài hoặc ra khỏi Đặc khu, sau khi nộp các khoản thuế theo quy định mà không cần giấy phép của Ngân hàng Nhà nước, nhưng phải khai báo hải quan.
“Thỏi nam châm” hút đầu tư
Từ lợi thế của một vùng đất đầy tiềm năng, cùng tương lai rộng mở với các quy định thông thoáng của một đặc khu, Vân Đồn đang trở thành "thỏi nam châm" hút các nhà đầu tư lớn với nhiều dự án triệu USD. Chỉ trong vòng 3 năm, từ 2015-2017, hàng tỉ USD đã được Quảng Ninh và các nhà đầu tư, đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông. Tuyến đường cao tốc nối Hạ Long - Hải Phòng kết nối với cao tốc Hải Phòng - Hà Nội đang ở giai đoạn nước rút và dự kiến hoàn thành trong quý I/2018, sẽ rút ngắn khoảng cách di chuyển bằng ô tô từ Hạ Long đi Hà Nội hiện nay từ 3,5 giờ xuống còn gần 2 giờ. Đồng thời, cao tốc Hạ Long - Vân Đồn cũng sẽ thông tuyến vào cuối năm 2017.
Cùng với đó, Quảng Ninh đã chủ động xúc tiến, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư gần 14.000 tỉ đồng để xây dựng tiếp tuyến đường cao tốc huyết mạch đi từ Vân Đồn đến Móng Cái, với tổng chiều dài gần 100km, góp phần vào sự phát triển kinh tế-xã hội chung của toàn vùng.
Không chỉ vậy, tại vùng lõi Đặc khu Vân Đồn, một cảng hàng không quy mô hiện đại, đáp ứng nhu cầu vận chuyển hành khách trong nước và quốc tế đang dần hình thành. Để khẳng định vai trò điểm nhấn đột phá trong hạ tầng Đặc khu Vân Đồn, chủ đầu tư dự án là Sun Group đang khẩn trương hoàn thành các hạng mục thi công, đến nay, tiến độ tổng thể đạt 80%. Dự kiến, Quý I/2018 dự án sẽ hoàn thành. Sun Group cũng là nhà đầu tư được tỉnh Quảng Ninh chấp thuận cho phép triển khai khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp quốc tế, khu dịch vụ phức hợp cao cấp có casino.
Theo đề án thành lập Đơn vị HC-KT đặc biệt Vân Đồn, những ngành, nghề ưu tiên cho phát triển Đặc khu Vân Đồn được đưa ra bao gồm công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ dịch vụ du lịch, dịch vụ hậu cần. Nhưng với lợi thế đặc thù về tài nguyên du lịch, nhiều nhà đầu tư đã nhắm đến các dự án du lịch, trước khi Vân Đồn trở thành đặc khu.
Mới đây, hàng loạt “dự án du lịch khủng” và mới mẻ đang được Tỉnh và các nhà đầu tư tích cực xúc tiến như Dự án Con đường di sản Vân Đồn có quy mô dự kiến 3.300ha; Dự án khu du lịch nghỉ dưỡng Sonasea Dragon Bay có tổng mức đầu tư khoảng 5.000 tỷ đồng; Furama Hạ Long Việt Nam Resort & Vilas có tổng vốn đầu tư trên 1.120 tỷ đồng; Khu phức hợp nghỉ dưỡng, giải trí cao cấp tại đảo Ngọc Vừng với tổng vốn đầu tư khoảng 46.000 tỷ đồng; Dự án đầu tư khu vực cảng và đô thị phía Bắc đảo Cái Bầu với tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 3.500 tỷ đồng…