📞

Nhìn lại lịch sử để hội nhập, độc lập và thịnh vượng

Dư Hồng Quảng    11:20 | 13/08/2019
Trước đây, Việt Nam chủ yếu kêu gọi nước ngoài vào đầu tư, nhưng giờ doanh nghiệp Việt Nam đã xuất khẩu hoặc đầu tư ra nước ngoài. Đặt mình vào vị trí người khác, nhìn lại lịch sử thương mại với các nước, sẽ có thêm cách tiếp cận trong hội nhập và phát triển.

Theo Việt Nam sử lược và Quốc sử tạp lục, năm 1633, người Hoà Lan (Hà Lan) đã mở hiệu buôn ở Faifo (Hội An). Năm 1634, một chiếc tàu từ Batavia sang Hội An, mua được tơ lụa, đồ sứ, gỗ... Chủ tàu là Duijecker phải dâng cho chúa Nguyễn và các quan nhiều phẩm vật. Một lần, tàu Hoà Lan Grootebroek bị đắm gần đảo Hoàng Sa, thủy thủ bị bắt giam và tịch thu 25.580 đồng tiền vàng. Chủ hãng tàu Hòa Lan nhiều lần phái người sang đòi chúa Nguyễn Phúc Lan số tiền đó nhưng chúa không chịu. Người Hòa Lan nghĩ không thể thông thương được với xứ Trung Kỳ nữa, vì vậy, tháng 6/1638, hãng thông thương Ấn Độ Hòa Lan đóng cửa hiệu đã mở ở Hội An.

Sau khi nhà Nguyễn lên nắm quyền, người nước ngoài vẫn không được vào buôn bán. Năm 1850, có tàu của Mỹ đến Đà Nẵng xin thông thương, vua Tự Đức không tiếp thư. Từ năm 1855, tàu của Anh ra vào mấy lần để xin buôn bán cũng không được. Tàu Tây Ban Nha, Pháp xin thông thương cũng không được.

Đến năm Tự Đức (1879), có viên quan triều đình là Nguyễn Hiệp đi sứ Thái Lan về, nói rằng, khi người Anh mới sang xin thông thương thì Thái Lan cho ngay, thành ra người Anh không có cớ gì mà sinh sự. Sau đó họ còn cho các nước Pháp, Phổ, Ý, Mỹ,… đặt lãnh sự để coi việc buôn bán. Như thế mọi người đều có quyền lợi, không ai hiếp chế được mình.

Thế kỷ 19, thực lực mọi mặt của Thái Lan không hơn nước Đại Nam của chúng ta, nhưng họ biết chọn con đường chủ động hội nhập để giữ độc lập, phát triển kinh tế. Cách làm xưa của người Thái, đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

Mới đây, Tập đoàn Central Group của Thái Lan thông báo hệ thống siêu thị Big C của họ tạm ngừng nhập hàng dệt may của Việt Nam. Điều này đã dấy lên sự phản đối mạnh mẽ của các doanh nghiệp dệt may trong nước và kêu gọi tẩy chay Big C trên mạng xã hội.

Đầu tư vào Việt Nam, mong muốn của Central Group đương nhiên là lợi nhuận. Vấn đề là làm giàu phải đúng luật, không được trái các cam kết quốc tế. Nhà đầu tư, người dân và chính quyền đều phải tuân thủ điều đó. Có ý kiến cho rằng, dù có khác nhau nhưng các nền kinh tế trên thế giới đều vận hành dưới hai dạng: dung hợp và chiếm đoạt. Trước đây, hãng thông thương Ấn Độ Hòa Lan buộc phải đóng cửa hiệu ở Hội An chính vì thể chế kinh tế chiếm đoạt thời chúa Nguyễn.

Tôi vừa có dịp chứng kiến tại các siêu thị châu Âu hiện nay, hàng giày da, dệt may của Bangladesh, Campuchia, Thái Lan, Việt Nam,... được bày bán khá nhiều. Ngay sau khi Hiệp định Thương mại Tự do giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam (EVFTA) chính thức có hiệu lực, dệt may của Việt Nam sẽ là ngành được hưởng lợi nhiều nhất. Theo đó, trong vòng 7 năm tới, mức thuế hiện hành 15% áp vào hàng Việt sẽ được xoá dần về 0%. Nhưng mặt khác, ô tô từ châu Âu nhập khẩu về Việt Nam trong vòng 7 - 10 năm nữa cũng sẽ hưởng thuế 0% (hiện đang chịu thuế 70%). Đó sẽ là khó khăn với các nhà sản xuất ô tô trong nước.

Cơ hội đi liền với thách thức là thế. Đến lúc đó, những hành động cảm tính như đề nghị bộ ngành can thiệp giúp doanh nghiệp trong nước hoặc kêu gọi cộng đồng mạng tẩy chay hàng ngoại nhập sẽ không có tác dụng, thậm chí là phản tác dụng.

Trong một sân chơi chung, trong một thế giới phẳng, muốn cạnh tranh, chỉ có một cách duy nhất là doanh nghiệp Việt phải sản xuất được hàng Việt Nam chất lượng cao, giá thành hạ, dịch vụ tốt. Nhìn một cách cởi mở như vậy sẽ thấy động thái vừa qua của Big C chỉ là một lời cảnh báo sớm, giúp chúng ta chủ động hơn để thành công trong hội nhập và phát triển.