Chiến dịch Học tập tại Ấn Độ nhằm quảng bá đất nước sông Hằng là điểm đến du học hấp dẫn với sinh viên quốc tế. (Nguồn: Study Abroad) |
Theo Khảo sát Giáo dục Đại học toàn Ấn do Bộ Phát triển Nguồn nhân lực mới công bố, khoảng 64% tổng số sinh viên quốc tế đến từ 10 quốc gia, chủ yếu là các nước láng giềng của Ấn Độ. Trong đó, sinh viên Nepal chiếm tỷ lệ cao nhất (27%), tiếp theo Afghanistan (10%), Bangladesh (4%) và còn lại trong tốp 10 là Sudan, Bhutan, Nigeria, Mỹ, Yemen, Sri Lanka và Iran.
Khảo sát với sự tham gia của 962 trường đại học, 38.179 trường cao đẳng và 9.190 trường đại học độc lập cũng cho thấy, 2/3 sinh viên quốc tế đăng ký học bậc cử nhân.
Số liệu mới này cho thấy phần nào tính hiệu quả của sáng kiến Học tập tại Ấn Độ mà Chính phủ Thủ tướng Modi đưa ra vào tháng 4/2018, nhằm quảng bá Ấn Độ như điểm đến du học hấp dẫn với mục tiêu thu hút 1 triệu sinh viên quốc tế. Để tăng sức hút, chương trình dành cho sinh viên quốc tế nhiều ưu đãi như miễn giảm lệ phí, cấp học bổng, thị thực ưu tiên lên đến 5 năm...
Trong đó phải kể đến chương trình học bổng cho 1.000 sinh viên Syria, 1.000 suất học bổng tiến sĩ cho các nước Đông Nam Á tại 23 Học viện Công nghệ Ấn Độ (IIT) và 15.000 học bổng cho sinh viên châu Phi trong 5 năm tới.
Theo sáng kiến này, 160 trường đại học đã cấp 15.000 suất học bổng cho sinh viên nước ngoài và hơn 70.000 sinh viên từ 190 nước đã nộp hồ sơ đăng ký vào 100 trường được tuyển chọn.
Gần đây, các trường Đại học Quốc tế Anh và Hội đồng Anh đã công bố chương trình thí điểm song phương nhằm làm tăng khả năng cho sinh viên Anh sang học tập tại Ấn Độ.
Học tập tại Học viện Công nghệ Ấn Độ (IIT) là giấc mơ của bất kỳ sinh viên Ấn Độ nào. (Nguồn: Scroll) |
Tuy nhiên, theo bà Lakshmi Iyer, Giám đốc điều hành phụ trách giáo dục của công ty tư vấn Sannam S4, Ấn Độ vẫn còn phải mất một chặng đường dài mới có thể đạt được mục tiêu. Lý do là số lượng sinh viên quốc tế nhập học ở Ấn Độ tăng 3% so với năm trước đó, song mới chỉ chiếm một phần rất nhỏ (0,13%) trong tổng số sinh viên nhập học (khoảng 37,4 triệu).
Chương trình Học tập tại Ấn Độ ưu tiên vào 30 quốc gia ở Nam Á, ASEAN, châu Phi, Đông Âu và Trung Đông, và hiện phần lớn hồ sơ nhập học vẫn đến từ các nước láng giềng.
Ấn Độ luôn công nhận tầm quan trọng của giáo dục như một công cụ ngoại giao mềm song “đây là lần đầu tiên chúng tôi kết hợp một sáng kiến đáng tin cậy để thực sự thúc đẩy chương trình nghị sự này trong bối cảnh Sáng kiến Vành đai Con đường của Trung Quốc đang thâm nhập vào những khu vực là đồng minh của Ấn Độ”, bà Lakshmi Iyer nhận định.
Nền giáo dục chất lượng cao với chi phí học tập và sinh hoạt khá rẻ, Ấn Độ đang nổi lên là một sự lựa chọn của nhiều sinh viên quốc tế. Ngoài những ưu đãi từ Chính phủ Ấn Độ, các sinh viên nước ngoài còn có cơ hội trải nghiệm nền văn minh sông Hằng đặc sắc, các công trình tôn giáo lớn hàng đầu thế giới...