📞

Nhớ hoa sữa từ nước Nga

14:04 | 22/01/2010
Tình cờ, tôi gặp và trò chuyện với chị Trần Thúy Nga vào một buổi chiều Hà Nội những ngày cuối năm, trời se lạnh. Câu chuyện của chúng tôi được bắt đầu thật tự nhiên từ cảm nhận về thời tiết đối với một người con sống ở nơi xa khi trở về.

Chị bộc bạch: “Tôi sinh ra và lớn lên ở phố Trần Quốc Toản, tôi đã được hưởng mùi hoa sữa hay thưởng thức những ca khúc về Hà Nội qua các phương tiện thông tin đại chúng, và ngay cả khi các ca sĩ sang biểu diễn ở bên Nga. Mỗi lần được nghe những giai điệu về quê nhà luôn trào dâng trong tôi những cảm xúc khó tả và  không lần nào tôi cầm được nước mắt... Về Hà Nội vào mùa này trời hơi se lạnh- rất đặc trưng của Hà Nội. Không chỉ riêng tôi, mà nhiều người đều muốn về bởi ai cũng mang trong mình nỗi nhớ da diết với Tổ quốc”.

 

Sang Nga năm 1987, chị Nga vừa học, vừa làm rồi khi có điều kiện, chị đưa cả gia đình sang định cư tại Nga và thành lập công ty NAVI 96 hoạt động đa lĩnh vực. Trong lĩnh vực du lịch, ngoài các hoạt động tổ chức tour tham quan, du lịch lữ hành, công ty còn làm các thủ tục visa, dịch vụ khách sạn. Trong lĩnh vực xúc tiến thương mại có tư vấn, môi giới, xuất khẩu lao động, du học. Lĩnh vực tài chính, ngân hàng và nhiều dịch vụ khác liên quan đến kiều bào, thân nhân của họ. Thị trường chính của công ty là LB Nga, Trung Quốc và Việt Nam. Chị Nga cho biết: Các hoạt động của công ty gắn liền với đời sống của người Việt sống tại Nga.

 

“Nga là thị trường mở và có nhiều cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam phát triển kinh tế”, chị nói. Bản thân chị cũng thường xuyên bay về Việt Nam tham gia vào cổ đông của một số công ty trong nước. Theo chị, công việc này giúp chị tích lũy nguồn vốn cũng như cơ hội tiếp cận, học hỏi việc trả thuế, cách thức quản lý, kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước để sau này chị có thể mở rộng hoạt động của công ty ở tại quê nhà.

 

Mặc dù cuộc sống và công việc kinh doanh ở nước sở tại đang ổn định và phát triển tốt, nhưng trong tâm khảm chị lúc nào cũng đau đáu một nỗi niềm. “Để có sự đầm ấm dưới một mái nhà thì không đâu bằng quê hương. Tôi muốn mang những đồng tiền mình làm được về để tiếp tục xây dựng những thành quả ở quê nhà - đấy mới là ước vọng cuối cùng. Chúng tôi luôn mơ ước được trở về sinh sống. Về nhà để được nói bằng tiếng Việt, không có sự va chạm trong cạnh tranh làm ăn. Được sống trong sự bình yên, yêu thương, đùm bọc của người thân trong gia đình cộng đồng mình. Có Nhà nước, pháp luật bảo vệ quyền lợi hợp pháp và chính đáng của mình”.

 

Với nỗi niềm trăn trở của một người xa quê, chị Nga còn cùng cộng đồng hướng dẫn, giúp đỡ, tạo điều kiện cho thế hệ trẻ, trong đó có các con của chị có cơ hội nói tiếng Việt, hiểu biết về văn hóa, phong tục tập quán và đạo lý tốt đẹp của người Việt Nam. Và vì thế, dù công việc kinh doanh bận rộn đến mấy, gia đình chị vẫn cố gắng duy trì bữa cơm chiều để bố, mẹ, các con có thể nói tiếng Việt, ăn những món ăn Việt Nam.

 

Theo chị, việc giáo dục tiếng Việt cho thế hệ trẻ ở Nga đang gặp rất nhiều khó khăn do thiếu trung tâm dạy tiếng Việt, thiếu giáo viên, giáo trình nên việc học và duy trì tiếng Việt đều do tự phát và do quan điểm có muốn duy trì tiếng Việt hay không trong mỗi gia đình người Việt ở Nga. Nếu để các cháu tự đọc sách, truyện hoặc tự tìm hiểu thì còn hạn chế vì cả ngày các cháu sử dụng tiếng Nga. Chính vì vậy, chị thường khuyên hướng các cháu nói tiếng Việt, nghe chương trình tiếng Việt, đọc sách báo tiếng Việt... Có hiểu tiếng Việt mới thấy yêu quê hương mình. Chị bảo: “Tôi cũng thường nói với các con, cháu về Việt Nam. Các cháu phải mang cái tính cần cù, chịu khó của người Việt để học hỏi những văn minh, văn hóa, trau dồi kiến thức để sau này về phục vụ Tổ quốc”.

 

Mỗi người một suy nghĩ và từ những việc làm tưởng chừng nhỏ bé của mỗi người nhưng đã và đang góp phần không nhỏ vào việc giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc Việt ở nơi xa xứ.

 

Lệ Chiến