Nhỏ Bình thường Lớn

Nhọc nhằn xiếc Việt

Nếu như ngày hôm qua, diễn viên nỗ lực để nhào lộn trên không trung hai vòng, thì hôm nay phải nỗ lực hơn thế rất nhiều… Họ thừa hiểu sẽ nguy hiểm đến tính mạng nhưng nếu không tạo được những pha thót tim thì khó lòng thu hút được công chúng đến rạp...
nhoc nhan xiec viet
Tiết mục xiếc chào mừng phối hợp giữa ba nước Đông Dương trong Cuộc thi tài năng trẻ xiếc 3 nước Đông Dương năm 2015. (M.H)

Xiếc Việt Nam từng giành nhiều giải thưởng quốc tế. Việt Nam cũng là quốc gia duy nhất có “cái nôi” đào tạo ngành xiếc ở Đông Nam Á - đó chính là Trường Trung cấp nghệ thuật xiếc và tạp kỹ Việt Nam.

Khoảng mười năm trở lại đây, xiếc Việt Nam đã tham gia nhiều liên hoan quốc tế. Năm 2014, tại Vũ Hán (Trung Quốc), đoàn Việt Nam đã vượt qua 200 tiết mục của 34 quốc gia tham dự Liên hoan để giành giải Ba và Giải thưởng tiết mục độc đáo.

Vừa qua, Việt Nam lần thứ hai đăng cai tổ chức cuộc thi Xiếc ba nước Đông Dương thường niên. Cuộc thi thể hiện mối quan hệ gắn bó sâu sắc giữa ba nền văn hóa, đồng thời là dịp để các nghệ sỹ xiếc trẻ ba nước giao lưu, học tập kinh nghiệm, phương pháp sáng tạo nghệ thuật.

Trong năm 2016, Việt Nam dự kiến sẽ đăng cai tổ chức liên hoan Xiếc quốc tế…

Lửa thử vàng

Vị trí của xiếc Việt Nam tại Đông Nam Á rất đáng tự hào.  Tuy nhiên, để môn nghệ thuật này tìm được chỗ đứng trong lòng khán giả, người ta khó lòng đong đếm nổi những nhọc nhằn và nỗ lực sáng tạo của những đạo diễn, diễn viên xiếc, mà đa số là diễn viên nhỏ tuổi.

Các học viên trường xiếc chia sẻ, những chấn thương như trẹo chân, tay là chuyện thường ngày ở trường. Chưa kể, nhiều học viên còn bị chấn thương nặng và phải giải nghệ khi chưa được học đầy đủ kỹ năng.

Theo Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghệ thuật xiếc và tạp kỹ Việt Nam Hoàng Minh Khánh, xiếc là loại hình biểu diễn năng lực tiềm ẩn trong con người. “Nếu bản thân học viên không có sự kiên trì khổ luyện và lòng đam mê thì không thể trở thành diễn viên xiếc được”.

Còn theo NSƯT Tạ Duy Ánh. Giám đốc Liên đoàn xiếc Việt Nam, xiếc là ngành nghệ thuật có đặc thù riêng, lao động nặng nhọc cả về trí tuệ và thể lực, đòi hỏi  nghệ sĩ không ngừng rèn luyện, nâng cao kỹ thuật và nghệ thuật. Tuy nhiên, họ thường xuyên đối mặt với nguy cơ tai nạn, bệnh nghề nghiệp. Cùng với đó, tuổi nghề quá ngắn ngủi và chế độ đãi ngộ chưa thỏa đáng đã dẫn đến việc tuyển sinh xiếc gặp nhiều khó khăn, lòng yêu nghề bị giảm sút. Ngoài ra, cách xây dựng chương trình, tiết mục tùy tiện, chất lượng kém cũng góp phần khiến ngành xiếc xuống dốc.

Gian nan nguồn lực

Đặc thù nghề nghiệp đòi hỏi học viên thi vào trường xiếc phải có năng khiếu. Mỗi năm chỉ tiêu tuyển sinh là 35 học sinh ở độ tuổi 11-18 tuổi. Nếu vào học 35 em mà tốt nghiệp được 25  em thì đã là khóa học thành công. Những khó khăn như không đủ năng khiếu, thiếu đam mê, không chịu được vất vả của nghề đã khiến một số học viên “rơi rụng”.

Theo ông Hoàng Minh Khánh, ngành xiếc có thuận lợi là được Nhà nước bao cấp 100% thiết bị học và đào tạo. Hiện tại, Trường được đầu tư cơ sở và trình độ huấn luyện vào bậc nhất Đông Nam Á. Thế nhưng, các học sinh vẫn phải tự túc ăn ở. Với những học sinh chủ yếu ở tỉnh xa, nghèo, thì số tiền các em phải chi trả là khá lớn.

Tuyển được học sinh thực sự có năng khiếu đã khó, có được đội ngũ giáo viên đảm đương được bốn vai trò người sáng tác, huấn luyện, thiết kế đạo cụ, kiêm đạo diễn còn khó hơn. Chưa kể, giáo viên phải quan tâm, chăm sóc học viên như người thân trong gia đình vì tuổi đời của các em còn rất nhỏ. “Hiện trên thế giới, không riêng gì Việt Nam, vẫn chưa có cơ sở giáo dục đào tạo giáo viên dạy nghề xiếc. Để có giáo viên kế cận, hiện trường phải tự đào tạo bằng cách ký hợp đồng với các diễn viên trẻ có tài. Họ vừa biểu diễn, vừa tham gia giảng dạy, huấn luyện”, ông Hoàng Minh Khánh chia sẻ.

Khán giả xiếc Việt Nam hiện nay chủ yếu là các em nhỏ. Người lớn tuổi và thanh niên không mặn mà bởi lẽ một số tiết mục còn đơn điệu. So với thế giới, những năm gần đây, xiếc Việt Nam đã có một số tiết mục đoạt giải cao ở Liên hoan xiếc quốc tế nhưng vẫn chưa đủ để thu hút nhiều khán giả đến rạp.

Theo NSND Vũ Ngoạn Hợp, nguyên Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam, để xiếc Việt Nam phát triển cần có cơ chế phù hợp, đặc biệt phải cho diễn viên đi nước ngoài tập huấn và mời chuyên gia giỏi để đào tạo cho diễn viên. Bên cạnh đó, để xiếc tìm được chỗ đứng trong lòng công chúng, phải có những màn trình diễn mang lại bất ngờ thú vị cho người xem và chương trình phải cải tiến thường xuyên.

Khán giả chờ đợi sự đổi thay của xiếc Việt Nam nhưng Nhà nước cần có những chính sách hỗ trợ thỏa đáng cho các nghệ sĩ bởi đây là loại hình lao động nghệ thuật nặng nhọc và vô cùng nguy hiểm.

Minh Hòa