Giới chức Chính phủ Somalia mới đây cho biết nhóm cướp biển Somalia ngày 22/10 đã trao trả tự do cho 26 thủy thủ châu Á mà nhóm này đã bắt làm con tin và giam giữ trên một làng chài nhỏ ở Somalia từ năm 2012.
Các thủy thủ được thả tự do đến từ Trung Quốc, Philippines, Campuchia, Indonesia, Đài Loan (Trung Quốc) và Việt Nam. Tàu của họ bị bắt cóc vào tháng 1/2012 tại khu vực gần quần đảo Seychelles, vùng biển tiếp giáp giữa ba lục địa Á-Âu-Phi và thường xuyên xảy ra các vụ tấn công của cướp biển.
Đây cũng được coi là một trong những vụ bắt cóc do cướp biển Somalia tiến hành có thời gian giam giữ lâu nhất. Thị trưởng thành phố Galkayo của Somalia cho biết thuyền trưởng của chiếc tàu bị bắt cóc đã bị sát hại trong vụ tấn công của bọn cướp biển bốn năm trước và hai thủy thủ khác thiệt mạng trong thời gian bị giam cầm.
26 thủy thủ được cướp biển Somalia trao trả tự do sau 4 năm rưỡi giam giữ. (Ảnh: AP) |
Sau khi rời khỏi Somalia và đặt chân xuống sân bay ở Kenya, các thủy thủ đã kể lại những ngày tháng kinh hoàng mà họ đã trải qua cho tới khi được trả tự do.
Arnel Balbero, thủy thủ người Philippines, chia sẻ với BBC rằng khoảng thời gian 4 năm rưỡi sống dưới sự giam hãm của những tên cướp biển đã biến anh và các thủy thủ còn lại như “xác chết di động”.
Trong khoảng ba năm trở lại đây, số vụ tấn công của cướp biển ngoài khơi Somalia đã giảm đáng kể do sự hiện diện của nhiều tàu quân sự quốc tế cũng như việc thuê dịch vụ bảo vệ của các công ty an ninh chống cướp biển ngày càng phổ biến. |
“Chúng (cướp biển) chỉ cho chúng tôi một chút nước ít ỏi để uống. Chúng tôi phải ăn cả chuột. Đúng thế, chúng tôi đã nấu thịt chuột trong rừng”, Balbero kể lại.
“Chúng tôi phải ăn mọi thứ, bất kể là cái gì. Bạn bị bỏ đói, bạn sẽ ăn hết. Không nước uống, không thức ăn, không thuốc men”, Balbero chia sẻ về cuộc sống khốn khó trong những năm vừa qua.
Cũng theo thủy thủ người Philippines, kể cả sau khi được trao trả tự do, anh và những người bị cướp biển bắt giữ vẫn phải đối mặt với không ít khó khăn để có thể thích nghi với cuộc sống mới sau này.
“Tôi không biết thế giới bên ngoài đang như thế nào. Vì thế, sẽ rất khó để chúng tôi gây dựng lại từ đầu”, Balbero cho biết.
Những giọt nước mắt và nụ cười hạnh phúc của các thủy thủ ngày trở về. (Ảnh: EPA) |
Trước đó, tàu FV Naham 3 mang cờ Oman đã bị cướp biển tấn công khi đang hoạt động gần Seychelles, trên Ấn Độ Dương vào tháng 3/2012. Toàn bộ thủy thủ trên tàu đã bị nhóm cướp biển bắt cóc làm con tin. Nhóm thủy thủ sau đó bị giam giữ ở Dabagala, gần Harardheere, cách thủ đô Mogadishu của Somalia khoảng 400 km về phía Đông Bắc.