Người Rohingya tị nạn tại Indonesia. (Nguồn: Jefri Tarigan) |
Chia sẻ với The Jakarta Post ngày 15/3, Giám đốc phụ trách vấn đề nhập cư của Indonesia Ronny Sompie Indonesia cho biết, Indonesia sẽ kêu gọi Australia chấp nhận nhiều hơn số người tị nạn bị mắc kẹt ở nước này trong một diễn đàn chống nạn buôn người ở Bali vào tuần tới.
Theo ông Ronny Sompie, 13 trung tâm cho người nhập cư của Indonesia đã quá tải khi số lượng người nhập cư bất hợp pháp tăng gấp hơn 5 lần trong vòng 7 năm qua.
Cao uỷ Liên hợp quốc về Người tị nạn (UNHCR) cũng đã hối thúc Australia dỡ bỏ các lệnh không chấp nhận người tị nạn đến từ Indonesia. UNHCR cho rằng, cuộc khủng hoảng người tị nạn quy mô toàn cầu đã khiến những người di cư càng khó khăn hơn trong việc tìm quốc gia định cư cho mình.
Người tị nạn tại tại tỉnh Aceh, Indonesia. (Nguồn: Jefri Tarigan) |
“Chúng tôi hy vọng, Australia sẽ cân nhắc việc tăng cường chấp nhận người tị nạn mặc dù chúng tôi biết nước này sẽ áp dụng một quy trình rất chọn lọc trước khi chấp nhận họ”, ông Ronnie nói. Thông điệp này sẽ được ông gửi tới Ngoại trưởng Australia Julie Bishop và Bộ trưởng Nhập cư Peter Dutton tại diễn đàn diễn ra tại Bali vào ngày 23/3 tới.
Riêng trong tháng Một vừa qua đã có khoảng 13.679 người đăng ký tị nạn tại Indonesia. Năm 2013, Australia nhận 808 người tị nạn từ Indonesia, con số này có xu hướng giảm dần, cụ thể là 526 người vào năm 2014 và 425 người vào năm 2015.
Hồi tháng 11/2014, cựu Bộ trưởng Nhập cư Australia Scott Morrison từng tuyên bố rằng, lượng người tị nạn mà Australia nhận từ Indonesia hàng năm sẽ giảm từ 600 xuống 450 người. Indonesia không phải là thành viên của Công ước Liên hợp quốc về quy chế tị nạn, vì vậy, người tị nạn không thể làm việc một cách hợp pháp tại đây trong khi chờ đợi để tái định cư ở một nước thứ ba.
Không có việc làm, những người tị nạn Somali đang mong ngóng sự giúp đỡ của UNHCR và Chính phủ Indonesia. (Nguồn: Jefri Tarigan) |
Trả lời Fairfax Media vào tuần trước, Đại diện của UNHCR tại Indonesia Thomas Vargas cho biết, Australia sẽ không nhận những người Rohingya, bỏ trốn khỏi cuộc đàn áp ở Myanmar tới tị nạn ở Indonesia. “Chúng tôi đang khuyến khích Australia có cách tiếp cận khoan dung hơn để đảm bảo trách nhiệm với người tị nạn được chia sẻ”, ông Thomas Vargas nói.
Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng di cư toàn cầu đang ngày càng trầm trọng khiến ông Vargas không thể lạc quan về triển vọng cho số phận người tị nạn tại Indonesia. Năm 2014, Đức đã chấp nhận 98 người tị nạn từ Indonesia nhưng hiện nay chính nước này đang phải vật lộn với làn sóng người tị nạn trong nước.