Những cành cam sai trĩu đến ngày hái quả. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Với nhiều nhà ngoại giao, đây có lẽ là chuyến đi đầu tiên để trải nghiệm và hòa mình vào đúng dịp mùa cam về trên Cao Phong. Chương trình do bà Trần Thị Bích Vân, Chủ tịch Nhóm AWCH, Phu nhân Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng dẫn đầu, đã mang đến cho những vị khách quốc tế một cái nhìn về sự cần mẫn, tỉ mẩn của người nông dân Việt.
Vàng tươi ngọn đồi
Trong cái nắng se đầu Đông, chút hanh hao của tháng 11, trên những con đường từ thành phố Hòa Bình vào Cao Phong, khắp nơi trải một màu cam chín vàng tươi. Đường vào Cao Phong hôm nay nhộn nhịp có một phần đông đúc. Trên chiếc xe chở thành viên Nhóm AWCH, Chủ tịch Trần Thị Bích Vân giới thiệu, Cao Phong nằm ở phía Tây Bắc của Hòa Bình, được thiên nhiên ưu ái, quanh năm khí hậu ôn hòa, nhiều dãy núi vôi bao quanh, tầng canh tác dày, hàm lượng dinh dưỡng cao. Chính vì vậy, các loài cây có múi, đặc biệt là cam, quýt rất phát triển.
Hiện nay, tại “thủ phủ” cam Cao Phong, diện tích cây ăn quả có múi trên 3.000 ha (trong đó cây cam gần 1.700 ha, quýt trên 800 ha, bưởi gần 500 ha), diện tích cây thời kỳ kinh doanh trên 1.500 ha, sản lượng niên vụ 2019 – 2020 dự kiến trên 40.000 tấn. Toàn huyện có trên 970 ha cam sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.
Xe dừng trước vườn cam Thủy Nga – một nhà vườn vinh dự được đón Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng thăm năm 2017, do ông Nguyễn Đức Mạnh làm chủ. Ngay từ cổng vào, những cây cam Canh vàng lại thêm vàng dưới cái nắng đầu Đông. Con đường vào “túp lều” giữa đồi cam được chủ nhà đổ bê tông rộng rãi, sạch sẽ, có mái che. Trong sân, chục bộ bàn ghế được sắp xếp ngay ngắn để du khách nghỉ chân, uống chén trà và thưởng thức cam ngay giữa đồi.
Ông Mạnh, bên những gốc cam, hồ hởi giới thiệu về loại cam Cao Phong. Ông cho biết, cam, quýt vùng đất Cao Phong đã được trồng từ rất lâu, nhờ những đặc tính tự nhiên về khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp nên nổi tiếng ngon, ngọt, mọng nước và có màu vàng tươi đẹp mắt.
Gia đình ông có khoảng 9 ha diện tích trồng cam, nhẩm tính, mỗi năm, trung bình thu lãi khoảng 4 tỷ đồng. Khu vực được giới thiệu chỉ là một trong 13 điểm trồng cam của gia đình. Ông Mạnh cho biết thêm, trung bình một kg cam mua ngay tại vườn có giá khoảng 35.000 - 50.000 đồng, tùy loại. Về Hà Nội, cộng thêm phí vận chuyển, dịch vụ, giá sẽ vào khoảng 45.000 - 70.000 đồng mỗi kg.
Cam Cao Phong bắt đầu chín từ tháng Mười và kéo dài tới khoảng tháng Tư năm sau mới hết vụ. Tại đây, người dân trồng từ sáu, bảy giống cam như cam Canh, cam lòng vàng, cam ruột đỏ, cam Xã Đoài… Trong đó, cam lòng vàng và cam Canh được ưa chuộng hơn cả, bởi mọng nước và có vị ngọt đậm đà, ăn xong vẫn thấy ngọt ngào trong miệng. “Chúng tôi vẫn thường đùa với nhau rằng, ăn loại cam này nhất định là người có ‘hậu”, ông Mạnh hóm hỉnh nói.
Giữa đồi cam, các thành viên Nhóm AWCH thích thú đeo gang tay, say sưa cầm kéo thu hoạch những trái cam chín vàng tươi trong nắng sớm, chốc chốc, dùng điện thoại chụp ảnh “tự sướng” bên những cây cam trĩu quả.
Những trái cam vàng tươi vừa được thành viên Nhóm AWCH thu hoạch. (Ảnh: Nguyễn Hồng) |
Ngọt ngào miền sơn cước
Rộn một góc đồi, tiếng cười nói vui vẻ của những vị khách đặc biệt khiến miền sơn cước vốn đã rộn ràng trong những ngày hái quả ngọt nay lại càng nhộn nhịp. Ông Mạnh, tay cầm dao bổ trái cam Cao Phong còn căng mọng mời những vị khách quý thưởng thức ngay bên gốc cam trĩu quả.
Hình ảnh đó khiến tôi liên tưởng đến bài thơ “Bổ cam” của nhà thơ Phạm Tiến Duật miêu tả về vị thơm ngào ngạt cam Xã Đoài. Dưới ánh nắng chiếu lên những “trái vàng”, ngồi thưởng thức cam Cao Phong, tôi nhớ về bốn câu thơ mình rất thích trong bài thơ ấy: Cam Xã Đoài mọng nước/ Giọt vàng như mật ong/ Bổ cam ngoài cửa trước/ Hương bay vào nhà trong… Trái cam khi cắt ra có một màu vàng óng, nước chảy ra giống như những giọt mật.
Lần đầu tiên đến Cao Phong, trải nghiệm thu hoạch cam và thưởng thức ngay tại gốc, chị Theresa Fan đến từ Đại sứ quán Singapore tại Việt Nam không khỏi ngạc nhiên, bởi khắp nơi đâu đâu cũng màu vàng tươi của cam, ngập tràn trong nắng sớm.
Về Cao Phong, tự tay thu hoạch, thưởng thức cam ngay tại vườn, tất cả đều để lại ấn tượng khó phai về “thủ phủ” những “trái vàng”. Cầm miếng cam, chị Theresa Fan vừa suýt xoa vừa nói, “tôi ấn tượng với hương vị cam ngọt, mát, chẳng có một chút vị chua. Có lẽ, sự siêng năng, kiên trì của những người dân nơi đây đã khiến Cao Phong luôn tràn ngập trong hương vị thanh mát của cam. Sau hôm nay, chắc chắn tôi sẽ giới thiệu đến những người bạn Singapore về loại cam này”.
Vừa thưởng thức, những vị khách đặc biệt cùng chủ vườn cam vừa ríu rít trò chuyện dù cần phiên dịch, nhưng điều đó chẳng khiến không gian ấy bớt “ngọt” chút nào. “Đến Cao Phong vào mùa cam chín/Ngọt lịm đường, em hái mời anh/ Những đồi cam bát ngát mênh mông/Tấm thảm vàng xanh trải dài tít tắp”. Có lẽ, những câu thơ này đã miêu tả đầy đủ về một vùng đất Cao Phong ngọt ngào mỗi độ cam chín.
Lối đi nào cho “trái vàng”
Trong câu chuyện về cam Cao Phong, ông Mạnh dường như trăn trở về con đường phát triển cho cam. Những ai đã từng thưởng thức cam Cao Phong, hẳn đều không thể quên được hương vị đặc biệt ấy. Được trồng từ khoảng năm 1960, đến năm 1975, cam Cao Phong từng được xuất khẩu sang Liên Xô và một số nước Đông Âu. Tuy nhiên, khi đất nước chuyển đổi cơ chế thị trường, cam Cao Phong mất dần thương hiệu, bởi sự chậm chạp trong quá trình chuyển đổi mô hình sản xuất.
Mãi đến hơn mười năm trở lại đây, cây cam Cao Phong mới được chuyển đổi, phát triển trồng theo mô hình VietGAP. Nhờ áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chăm sóc, bảo vệ, nên so với nhiều vùng khác, cam Cao Phong có hương thơm và vị ngọt đậm đà, từng quả cam chín vàng căng mọng.
Hiện nay, cam Cao Phong dù đã xuất hiện với tần xuất lớn ở nhiều nơi trong cả nước, nhưng ông Mạnh băn khoăn, “làm thế nào cam Cao Phong mới tạo dựng và phát triển thương hiệu được?”.
Ông Mạnh cho biết, lãnh đạo Huyện đang tích cực triển khai các giải pháp, chương trình cụ thể để tìm lối đi cho cam Cao Phong ngày càng phát triển. Ông cho rằng, “khi giải được bài toán xây dựng thương hiệu, nhất định những vựa cam sẽ ngày càng thu hút thêm khách hàng cả trong và ngoài nước, mở rộng thị trường “xuất ngoại” cho sản phẩm của bà con địa phương”.
“Tôi mong rằng, những nhà ngoại giao, những vị khách quốc tế ngày hôm nay, đến và thưởng thức cam Cao Phong sẽ để lại một ấn tượng khó quên về một loài cam chín vàng, ngọt mọng nước”, ông Mạnh chia sẻ với thành viên Nhóm AWCH.
Người dân Cao Phong vẫn nói, đừng quên “mía tím thoát nghèo, cây cam làm giàu”. Thế nhưng, với sự cạnh tranh ngày càng cao do sự chuyển đổi cơ cấu thị trường diễn ra nhanh chóng, sự phát triển của công nghệ, tiến bộ khoa học, nên nếu không nhanh chóng tìm được lối đi cho những “trái vàng” thì liệu người dân có thể làm giàu được hay không là một câu hỏi cần sớm có câu trả lời.
Rời Cao Phong, du khách vẫn mãi vương vấn về các nẻo đường làng, ngõ xóm đầy ắp những cây cam trĩu quả, người nông dân rạng rỡ bên những thùng cam, lướt nhanh cho kịp chuyến hàng. Cao Phong mùa cam tất bật, rộn ràng trong niềm vui người trồng cây đến ngày hái quả ngọt.