Hội nghị CSOM APEC 2019 tại Singapore ngày 7/12. (Ảnh: Ban Thư ký APEC) |
Đây là Báo cáo được xây dựng trên cơ sở chỉ đạo của các nhà Lãnh đạo tại Hội nghị Cấp cao APEC 2017 tại thành phố Đà Nẵng.
Theo đó, với việc các Mục tiêu Bogor về thương mại và đầu tư tự do và mở, mục tiêu mà APEC theo đuổi trong suốt 25 năm qua sẽ hoàn tất vào năm 2020, các nhà Lãnh đạo nhất trí thành lập Nhóm Tầm nhìn để nghiên cứu, xây dựng Báo cáo khuyến nghị về Tầm nhìn APEC trong giai đoạn mới.
Báo cáo đã đánh giá toàn diện những cơ hội và thách thức đặt ra đối với APEC trong những thập kỷ tới trong bối cảnh thế giới và khu vực tiếp tục chuyển biến sâu sắc. Sự phát triển nhanh của công nghệ số và các công nghệ mới, cùng với các thách thức ngày càng đan xen, phức tạp, nhất là cạnh tranh thương mại, chống toàn cầu hóa, chủ nghĩa đơn phương, bất bình đẳng xã hội, biến đổi khí hậu… đang và sẽ tiếp tục đặt ra những thách thức chưa từng có đối với liên kết kinh tế và phát triển bền vững của khu vực cũng như tương lai APEC.
Các thành viên Nhóm Tầm nhìn nhất trí APEC cần đổi mới để thích ứng với thay đổi và tiếp tục phát huy vai trò trong quá trình định hình cấu trúc khu vực và toàn cầu. Báo cáo đề xuất đến năm 2040, dịp kỷ niệm 50 năm thành lập APEC, cần hướng tới một Tầm nhìn về cộng đồng châu Á – Thái Bình Dương hòa bình, gắn kết vì sự thịnh vượng của mọi người dân, một châu Á – Thái Bình Dương tiếp tục là khu vực năng động và sáng tạo nhất trên thế giới. APEC cần khẳng định vai trò là diễn đàn hợp tác kinh tế quan trọng hàng đầu trong thúc đẩy liên kết kinh tế, phát triển bền vững và thịnh vượng của khu vực.
Để thực hiện Tầm nhìn đó, Báo cáo nhấn mạnh APEC cần theo đuổi mục tiêu thương mại và đầu tư tự do và mở, phát triển kinh tế lấy người dân làm trung tâm và tạo môi trường thuận lợi để người dân và doanh nghiệp được hưởng lợi từ quá trình chuyển đổi số. Các thành viên đưa ra nhiều nhóm giải pháp quan trọng, nhất là thúc đẩy tự do hóa thương mại, đầu tư, liên kết kinh tế sâu rộng, hệ thống thương mại đa phương dựa trên luật lệ; phát triển bao trùm, kinh tế số và quản trị số, kỹ năng và giáo dục công nghệ số; tái cơ cấu kinh tế mạnh mẽ và toàn diện; kết nối khu vực toàn diện; thúc đẩy bền vững môi trường,…
Tại Hội nghị CSOM, sau khi Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga, Phó Chủ tịch Nhóm Tầm nhìn thay mặt Nhóm trình bày Báo cáo khuyến nghị, các Quan chức cao cấp APEC đánh giá cao Nhóm Tầm nhìn, với trí tuệ, tâm huyết và trách nhiệm, đã vượt qua chặng đường hai năm đầy thử thách để hoàn thành trọng trách được giao. Hội nghị cũng đánh giá cao chất lượng Báo cáo với những khuyến nghị toàn diện về Tầm nhìn chiến lược và hướng tới tương lai. Nhiều thành viên nhấn mạnh Báo cáo khuyến nghị của Nhóm Tầm nhìn, cùng với các khuyến nghị của Hội đồng tư vấn kinh doanh APEC (ABAC) và Hội đồng hợp tác kinh tế Thái Bình Dương (PECC) là những cơ sở quan trọng để các thành viên xây dựng Tầm nhìn APEC và trình Hội nghị Cấp cao năm 2020 tại thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia thông qua.
Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga, Phó Chủ tịch Nhóm Tầm nhìn trình bày Báo cáo khuyến nghị. (Ảnh: Ban Thư ký APEC) |
Sau thành công của Năm APEC 2017, phát huy vai trò là thành viên khởi xướng ý tưởng về xây dựng Tầm nhìn, Việt Nam tiếp tục đóng góp chủ động, hiệu quả trong suốt hai năm qua. Ngay sau Hội nghị Cấp cao APEC tại thành phố Đà Nẵng, chúng ta đã tích cực phối hợp với Papua New Guinea, chủ nhà Năm APEC 2018, thúc đẩy thành lập Nhóm Tầm nhìn vào tháng 5/2018 với sự tham gia của 21 thành viên từ 21 nền kinh tế. Cựu Ngoại trưởng Peru, Đại sứ Allan Wagner-Tizón được bầu làm Chủ tịch Nhóm và Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga, đại diện của Việt Nam, được lựa chọn làm Phó Chủ tịch Nhóm.
Với vai trò Phó Chủ tịch, chúng ta đã có nhiều đóng góp quan trọng, từ đề xuất chính sách, xây dựng nội dung Báo cáo đến tham gia chủ trì, điều hành và thúc đẩy đồng thuận chung. Chúng ta đã đề xuất nhiều ý tưởng nhằm tiếp tục đề cao vai trò của châu Á – Thái Bình Dương là khu vực hòa bình, gắn kết, lấy người dân làm trung tâm, APEC là diễn đàn hàng đầu về hợp tác kinh tế khu vực, thúc đẩy phát triển bao trùm, bền vững, kết nối tiểu vùng, vùng sâu, vùng xa, cải cách cơ cấu, kết nối con người, giao lưu nhân dân, thanh niên, du lịch, hợp tác kỹ thuật, thúc đẩy chiến lược truyền thông… Các đề xuất và ý tưởng của ta và ASEAN được các thành viên đánh giá cao và trở thành những nội dung quan trọng của Báo cáo.
Có thể nói, việc hoàn tất Báo cáo Tầm nhìn APEC với những khuyến nghị đầy tham vọng, những ý tưởng về một cộng đồng hướng tới tương lai chung đã mở ra triển vọng hợp tác đầy hứa hẹn đối với APEC và khu vực. Việt Nam tự hào đã khởi xướng ý tưởng quan trọng này trong năm 2017 và tiếp tục đóng góp tích cực, tham gia dẫn dắt tiến trình trong suốt hai năm qua. Những đóng góp đáng ghi nhận của Việt Nam đã được các thành viên APEC đánh giá cao, tạo động lực để chúng ta tiếp tục triển khai hiệu quả chủ trương đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương, đảm nhiệm thành công những trọng trách đa phương quan trọng trong thời gian tới.