Lãnh đạo các nước trong nhóm Visegrad gặp nhau tại Praha, ngày 27/2. (Nguồn: AFP) |
Ra đời vào năm 1991 với bốn thành viên Trung Âu là Czech, Hungary, Ba Lan và Slovakia, Visegrad là một trong những liên minh chính trị không chính thức trong Liên minh châu Âu (EU) và khối quân sự NATO.
Với tổng dân số gần 65 triệu công dân, Visegrad giúp các nước thành viên nhỏ này có tiếng nói trong việc định hình các chính sách chung của châu Âu, không bị lép vế trước các đối thủ nặng ký như Đức và Pháp.
Thế nhưng, kể từ khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra, nội bộ Visegrad như đứng hai bên bờ chiến tuyến. Khác với các thành viên khác, Hungary không ủng hộ việc trợ giúp vũ khí cho Ukraine, cũng như một số biện pháp trừng phạt của EU nhằm vào Nga.
Nay thì không chỉ Hungary mà Slovakia cũng có quan điểm tương tự. Cuộc họp của Prague càng làm rõ hơn sự khác biệt trong nội bộ Visegrad. Trong khi Czech và Ba Lan ủng hộ Kiev mạnh mẽ về chính trị và quân sự, cho rằng cần cung cấp vũ khí nhiều hơn và nhanh hơn cho Ukraine, thì Hungary và Slovakia lại phản đối và muốn có một giải pháp hòa bình.
Tranh cãi căng thẳng nhưng trước mắt, các thành viên Visegrad vẫn ngồi được với nhau bởi giữa họ cũng có điểm chung. Các nước Đông Âu này đều không muốn có những thay đổi sâu rộng như ý các “ông lớn” trong EU, theo hướng giảm quyền phủ quyết của các nước thành viên.
Đặc biệt, Visegrad ác cảm với hạn ngạch phân bổ người di cư mà EU muốn ép buộc với từng thành viên, cũng như chính sách nông nghiệp của khối khiến nông sản giá rẻ của Ukraine tràn vào, gây thiệt hại cho nông dân của nhóm Visegrad.
Sự ràng buộc lợi ích buộc các thành viên Visegrad phải hợp tác. Tuy nhiên, chia rẽ về quan điểm tại Prague khiến việc kết hợp bốn thành viên này không đơn giản như phép tính cộng trong toán học để có thể nâng tầm ảnh hưởng của nhóm.