Công nhân sản xuất chất bán dẫn tại một công ty ở Quý Dương, tỉnh Quý Châu, Tây Nam, Trung Quốc. (Nguồn: CNS) |
Sự bùng nổ của ngành bán dẫn trong những năm qua dường như đang có xu hướng chững lại trong bối cảnh doanh số bán các thiết bị như máy tính cá nhân và điện thoại thông minh đang chậm lại nhanh chóng, cùng với những hạn chế mới của Mỹ đối với xuất khẩu chip sang Trung Quốc có khả năng làm trầm trọng thêm tình hình này.
Giám đốc điều hành Intel Pat Gelsinger đã nói rằng nhu cầu sụt giảm đột ngột và rõ rệt đã vượt dự đoán ban đầu của hãng và hiện đang có tác động đối với chuỗi cung ứng điện tử toàn ngành. Theo ông Gelsinger, khó có thể tìm thấy điểm sáng nào trong tương lai.
Nhu cầu máy tính cá nhân đã giảm sút do lạm phát lan rộng, kinh tế Trung Quốc chậm lại và sau đợt bùng nổ do yêu cầu phải làm việc từ xa.
Một công ty nghiên cứu của Mỹ cho biết, xuất khẩu điện thoại thông minh trong quý III/2022 giảm 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngay cả các trung tâm dữ liệu và thiết bị cầm tay cao cấp, vốn vẫn tăng trưởng mạnh mẽ, cũng đang cho thấy sự sụt giảm.
Nhu cầu giảm đối với các sản phẩm/thiết bị này còn ảnh hưởng đến các công ty chip nhớ hơn là các nhà sản xuất bộ xử lý như Intel, do số lượng chip được sử dụng trong một thiết bị lớn hơn. Thu nhập ròng của Western Digital đã giảm mạnh 96% so với cùng kỳ năm ngoái và Samsung Electronics đã chứng kiến lợi nhuận hoạt động trong mảng bán dẫn giảm 49%.
Lĩnh vực bán dẫn đóng vai trò như một thước đo cho nền kinh tế toàn cầu bởi cần phải mất nhiều tháng để chế tạo ra chip. Sự sụt giảm đột ngột trong lĩnh vực này cho thấy rõ ràng một cuộc suy thoái kinh tế trên toàn thế giới đang diễn ra.
Việc đổ xô đi tìm nguồn chất bán dẫn khi dự báo nhu cầu cao đã khiến thị trường tràn ngập chip. Trong một báo cáo hồi tháng 9, Giám đốc điều hành của Micron Technology Sanjay Mehrotra cho hay, mức độ điều chỉnh lượng hàng tồn kho của khách hàng lớn chưa từng thấy.
Động thái này của các công ty điện tử tiêu dùng và công nghệ đang kéo giá chip xuống thấp hơn. Giá bộ nhớ flash đã giảm 13% đến 18% trong ba tháng tính đến tháng 9 so với quý trước, trong khi bộ nhớ DRAM ngắn hạn giảm 10% đến 15%.
Công ty sản xuất chất bán dẫn Đài Loan (TSMC) là một điểm sáng hiếm hoi giữa thị trường ảm đạm. Nhà máy đúc chip lớn nhất thế giới này đã ghi nhận lợi nhuận ròng tăng vọt 80% trong quý III/2022, phần lớn nhờ chip 5 nanomet tiên tiến độc quyền, vốn đang có nhu cầu rộng rãi trên toàn cầu. Tuy nhiên, nhu cầu chip 7 nanomet cũ hơn đã giảm xuống.
Dữ liệu từ Thống kê Thương mại Chất bán dẫn Thế giới (WSTS) cho thấy doanh số bán chất bán dẫn toàn cầu trong tháng 7 lần đầu tiên giảm sau 32 tháng, với mức giảm 2% và mức giảm này đã tăng lên 4% vào tháng 8. Mặc dù nguồn cung một số sản phẩm có ứng dụng tự động và công nghiệp vẫn tương đối eo hẹp, nhưng toàn bộ thị trường đang nghiêng về tình trạng dư cung.
Hồi tháng 8, WSTS đã cắt giảm dự báo tăng trưởng cho thị trường bán dẫn khoảng 2,4 điểm phần trăm xuống 13,9% trong năm nay và 0,5 điểm phần trăm xuống 4,6% trong năm 2023. Nhưng tình hình đang trở nên tồi tệ nhanh chóng và công ty nghiên cứu Omdia của Anh đã đưa ra triển vọng thậm chí còn ảm đạm hơn, dự đoán thị trường sẽ giảm 0,2% vào năm 2023.
Bên cạnh đó, căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc cũng đang “giội gáo nước lạnh” vào thị trường. Đầu tháng này, Bộ Thương mại Mỹ đã bắt đầu yêu cầu các công ty trong nước phải có giấy phép trước khi xuất khẩu chất bán dẫn tiên tiến hoặc máy móc được sử dụng để sản xuất chất bán dẫn tiên tiến sang Trung Quốc.
Bộ Thương mại Mỹ đã mở rộng phạm vi các sản phẩm phải tuân theo lệnh hạn chế trên và động thái này đã bắt đầu ảnh hưởng đến thu nhập của công ty.
Applied Materials, một nhà cung cấp thiết bị sản xuất chip của Mỹ có nhiều khách hàng Trung Quốc, dự đoán rằng doanh thu của họ sẽ đạt từ 250 triệu đến 550 triệu USD trong quý kết thúc vào tháng 10 do các quy định xuất khẩu.
Với việc các công ty chất bán dẫn thu hẹp lại chi phí đầu tư, thiết bị chip và các ngành công nghiệp vật liệu có nguy cơ phải đối mặt với những sóng gió mạnh hơn.
| Vụ giẫm đạp tại Seoul: Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc sẵn sàng triển khai các biện pháp bảo hộ công dân trong trường hợp cần thiết Theo Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc, tối 29/10 (giờ địa phương), đã xảy ra một vụ tai nạn nghiêm trọng tại Itaewon, ... |
| Kinh tế Eurozone: Khi những 'đầu tàu' gặp khó và suy thoái dường như không thể tránh khỏi Nhận định về hoạt động kinh tế của Khu vực sử dụng đồng Euro (Eurozone), báo La Tribune dẫn lời chuyên gia kinh tế của ... |
| Mỹ công bố quy định mới về xuất khẩu chip bán dẫn sang Trung Quốc, ngăn chặn 'giấc mơ' công nghệ của Bắc Kinh Bộ Thương mại Mỹ ngày 7/10 công bố quy định mới về kiểm soát xuất khẩu chip và thiết bị bán dẫn nhằm hạn chế ... |
| Việt Nam - nơi những 'ông lớn' công nghệ thế giới dừng chân Ngày 6/10, trang mạng Al Jazeera đăng tải bài viết cho rằng, Apple, Google và Samsung là những "gã khổng lồ" công nghệ đang mở ... |
| Nhiều công ty khởi nghiệp xe điện Mỹ lo bị các 'ông lớn' thâu tóm Một số công ty khởi nghiệp sản xuất xe điện thương mại của Mỹ đang chạy đua với thời gian để đưa các sản phẩm ... |